Tháng 10 và tháng 12/1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, đồng thời dự kiến nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, hai miền Nam Bắc khẩn trương chuẩn bị cả về thế và lực. Miền Bắc dồn sức chi viện mạnh mẽ, toàn diện cho miền Nam.
Chiến dịch Phước Long
Phước Long chưa phải là trận mở màn cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng như một trận trinh sát chiến lược. Ngoài mục tiêu giải phóng một tỉnh chỉ cách trung tâm chỉ huy của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn 120 km về phía bắc, cắt đứt Sài Gòn với nam Tây Nguyên, đông Nam Bộ, đông bắc Campuchia..., đây còn là “phép thử” của ta nhằm: thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ; khả năng ứng cứu, phản kích của ngụy quân; khả năng giữ vững những vùng đã chiếm lĩnh của Quân Giải phóng trước khi vào chiến dịch lớn.
Thực hiện mục tiêu đó, từ ngày 13 - 26/12/1974, Quân Giải phóng lần lượt tấn công, làm chủ các chi khu quân sự: Đức Phong, Bố Đức, Đôn Luân, Đồng Xoài (cứ điểm phòng ngự vòng ngoài thị xã Phước Long). Từ ngày 31/12/1974 đến ngày 6/1/1975, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long, Sân bay Long Bình… được giải phóng. Ngụy quân tổ chức phản kích, điều quân ứng cứu nhưng không xoay chuyển được tình hình. Quân ta làm chủ hoàn toàn Phước Long.
Chiến dịch Tây Nguyên
Từ tháng 2/1975, Tây Nguyên được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam dự kiến là hướng đột phá chủ yếu trong chiến lược giải phóng miền Nam. Từ ngày 4 - 9/3/1975, quân ta liên tục pháo kích: Plâyku, Kon Tum, cắt đứt các tuyến đường: 19, 14, 21 và đánh chiếm hàng loạt cứ điểm phòng ngự từ xa của địch: Azun Hạ, Thượng An, Chư Sê, Thuần Mẫn, Núi Lửa, Đức Lập… cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột về đường bộ với các khu phòng thủ khác tại Tây Nguyên. Ngày 10/3, quân ta từ nhiều hướng đồng loạt tấn công. Từ ngày 12/3 đến 17/3, địch liên tiếp điều quân tiếp viện phản kích nhưng đều thất bại trong nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột. Sáng ngày 14/3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh triệt thoái lực lượng ngụy quân khỏi Tây Nguyên. Trong khi tháo chạy, phần lớn ngụy quân bị quân ta truy kích, thiệt hại 75% quân số, phương tiện.
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đánh dấu giai đoạn bắt đầu sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn; đồng thời là cơ sở để Bộ Chính trị (trong phiên họp ngày 25/3/1975) bổ sung quyết tâm: Giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng phát động ngày 5/3 (gần như đồng thời với Chiến dịch Tây Nguyên). Nhận thấy ngụy quân tan vỡ trên đường rút chạy khỏi Tây Nguyên, quân ta quay sang phương án thời cơ: tổ chức tấn công trong hành tiến, vừa đánh, vừa trinh sát chiến trường, triệt để tận dụng sự rối loạn chỉ huy của địch để tăng cường các mũi đột kích sâu, hợp vây các đơn vị của địch. Sức tấn công liên tục với hỏa lực mạnh của ta, sự rối loạn trong chỉ huy tác chiến của địch làm cho nhiều đơn vị ngụy quân thiện chiến, được trang bị vũ khí tối tân cũng không thể kháng cự lâu dài. Trong thế nguy ngập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút các sư đoàn dù, thủy quân lục chiến ra khỏi Quân khu I, khiến ngụy quân tại đây nhanh chóng suy yếu, rút bỏ Quảng Trị, Huế để “tử thủ” tại Đà Nẵng.
Quân Giải phóng nhanh chóng cơ động lực lượng cắt đứt giao thông trên bộ ở bắc đèo Hải Vân, khiến đội hình ngụy quân tháo chạy ra cửa biển Thuận An, Tư Hiền chờ tàu hải quân đến cứu trở nên hỗn loạn. Quân ta khóa chặt hai cửa biển này bằng pháo binh, bộ binh. Những đơn vị ngụy quân thoát được lên tàu chạy vào Đà Nẵng không còn sức chiến đấu mà làm rối loạn thêm tình hình tại Đà Nẵng. Lực lượng còn lại bỏ vũ khí, đầu hàng. Ngày 26/3, quân ta kiểm soát hoàn toàn thành phố Huế và lập tức hợp vây Đà Nẵng. Người Mỹ và đồng minh vội vã lập cầu hàng không di tản. Các tuyến phòng thủ của ngụy quân quanh Đà Nẵng lần lượt tan vỡ sau hai ngày giao chiến. Quân ta lập tức bỏ qua vòng ngoài, nhanh chóng đánh chiếm trung tâm thành phố. Ngày 29/3, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc.
Cũng trong cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, lần lượt các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa bị bỏ lại, ngụy quân co về lập phòng tuyến ngăn chặn tại Phan Rang. Kết thúc chiến dịch, quân ta giải phóng 14 tỉnh, 50% đất đai, 40% dân số miền Nam.
Chiến dịch Trường Sa và các đảo trên Biển Đông
Quần đảo Trường Sa là vùng đảo có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Đầu năm 1975, ngụy quân Sài Gòn chiếm giữ 5 trong số 11 đảo có người ở (Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn) với sự yểm hộ của 7 tàu tuần dương, hộ tống, vận tải. Ngày 30/3/1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đánh chiếm Trường Sa.
Sau 19 ngày vừa hành quân, vừa tổ chức chiến đấu, đến 29/4/1975, quân ta làm chủ hoàn toàn các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và một số đảo khác. Trong tháng tư, các đảo ven biển miền Trung, Côn Đảo cũng được giải phóng.
Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc
Để giữ phần đất còn lại, địch dồn mọi cố gắng cuối cùng vào tuyến phòng thủ: Phan Rang (phòng ngự từ xa); Xuân Lộc - Long Khánh (phòng ngự tử thủ), nhưng đến ngày 16/4, tuyến phòng thủ Phan Rang bị quân ta phá vỡ chỉ sau 24 giờ giao chiến. Từ ngày 17/3 đến ngày 3/4, các tiền đồn của ngụy quân tại Tây Ninh, An Lộc, Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán lần lượt thất thủ. Quân địch tại Xuân Lộc rơi vào thế hở cả ba phía: bắc, tây, tây nam.
Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 9/4 giữa cụm quân mạnh nhất của ngụy với Quân Giải phóng, là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của quân ngụy với sự tập trung bộ binh, pháo binh, xe tăng, thiết giáp và 50% lực lượng tổng trù bị chiến lược, sử dụng không quân yểm trợ ở mức cao nhất. Thay đổi chiến thuật bằng cách đánh vu hồi, quân ta khiến các chiến đoàn của ngụy tại đây nhanh chóng tan rã. Ngày 21/4, "Cánh cửa thép" Xuân Lộc bị tháo dỡ, Quân Giải phóng có mặt ở cửa ngõ Sài Gòn. Trước ngày bắt đầu trận Xuân Lộc, phi công Nguyễn Thành Trung (người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cài vào hàng ngũ địch) lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập, làm nội bộ ngụy quyền Sài Gòn thêm rối loạn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Để chuẩn bị cho trận “quyết chiến chiến lược” cuối cùng, Quân Giải phóng tập trung quanh Sài Gòn 270 nghìn quân chủ lực và lực lượng vũ trang hình thành tại chỗ, bố trí thành 5 hướng tấn công chính. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị chính thức đặt tên cho chiến dịch lịch sử này là Chiến dịch Hồ Chí Minh (bắt đầu từ ngày 26/4).
17 giờ ngày 26/4, pháo binh của ta bắn phá các căn cứ quân sự: Đồng Dù, Bến Lức, Long Thành, Tuy Hạ, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy... Tiếp đó, bộ binh có xe tăng, thiết giáp yểm hộ đồng loạt tiến quân theo hướng đông, đông bắc. Ngày 27/4 lực lượng ở các hướng còn lại cũng phát động tiến công. Trên hướng đông, đến 16 giờ ngày 27/4, căn cứ Nước Trong, chi khu quân sự Long Thành của địch thất thủ. Trưa ngày 28/4, quân địch tại chi khu quân sự Trảng Bom bỏ chạy về Hố Nai. Bộ Tổng tham mưu ngụy định lập tuyến “trì hoãn chiến” Long Bình - Long Thành nhưng thất bại vì đã mất Long Thành từ chiều hôm trước. Cũng trong ngày 28/4, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ Phước Tuy, Vũng Tàu; bao vây Long Tân, áp sát Xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa ở hướng đông. Hướng bắc, quân ta chiếm Trảng Bom, tấn công Biên Hòa, đặc công của ta chiếm cầu Xa Lộ qua Sông Sài Gòn. Hướng tây nam, quân ta cắt đứt quốc lộ 4, mở thêm bàn đạp tấn công nội đô Sài Gòn. Hướng tây bắc, quân ta cắt đứt đường 1B (đi Phnôm Pênh), đường 22 (đi Tây Ninh). Hướng bắc quân ta có mặt tại cửa ngõ Thủ Dầu Một. Chiều ngày 28/4, ngay khi nhậm chức, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi. Chiều ngày 28/4, 5 máy bay cường kích của ngụy (do phi công của ta cùng một phi công ngụy đầu hàng điều khiển) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 29/4 cùng với tuyên bố: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với người Mỹ”, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford phát động Chiến dịch "Gió lốc", di tản khẩn cấp người Mỹ khỏi Sài Gòn bằng trực thăng trong vòng 24 giờ.
Quân Giải phóng dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để người Mỹ di tản. Ngày 28, 29/4, từ các tàu sân bay ngoài biển, lính thủy đánh bộ Mỹ dùng trực thăng thực hiện lệnh di tản trong tình trạng vô cùng hỗn loạn. 4 giờ 45 phút ngày 30/4, Đại sứ Mỹ Martin lên trực thăng rời Sài Gòn. 8 giờ ngày 30/4, Quân Giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh hạ lệnh đơn phương ngừng chiến và đến 11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975 tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Với đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc và thắng lợi hoàn toàn, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân cả hai miền Nam - Bắc cùng chung sức xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Nội dung: Thế Vĩnh (Tổng hợp).
Thiết kế: Đức Anh.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.