Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, toàn huyện hiện có 19 THT có đăng ký với UBND xã với khoảng 230 thành viên tham gia. Các THT chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm huyện thành lập mới được 3-4 THT. Song song với đó, mỗi năm huyện có 1-2 THT phát triển lên mô hình hợp tác xã kiểu mới. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, hầu hết các THT đều duy trì sinh hoạt thường xuyên và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương.
Đơn cử như THT Hoa cúc kim cương (Thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa), được thành lập từ cuối năm 2018, đến nay THT vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với trên 30 thành viên tham gia. Hộ ít có 2-3 sào hoa, hộ trồng nhiều tới trên một mẫu. Khi được hỏi, các hộ thành viên đều cho rằng, nghề trồng hoa, nhất là giống hoa cúc kim cương, kỹ thuật nhân giống, chăm sóc là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng hoa. Bởi so với các giống cúc khác, cúc kim cương đòi hòi sự chăm sóc tỉ mỉ hơn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 30%.
Ông Trần Hữu Tấn, một thành viên của THT cho biết: Gia đình tôi làm nghề trồng hoa đã mấy chục năm nay. Tuy nhiên, từ khi tham gia sinh hoạt THT Hoa cúc kim cương, tôi và các thành viên trong THT đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vườn hoa của gia đình. Trong nhiều thời điểm, sâu bệnh lạ xuất hiện làm hỏng thân hay nụ hoa, THT lại tổ chức sinh hoạt để các thành viên cùng trao đổi, bàn bạc tìm giải pháp khắc phục tốt nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên gặp gỡ, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật; giới thiệu cho nhau thị trường tiêu thụ và sử dụng các loại phân bón phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của hoa. Nhờ đó, nghề trồng hoa cúc nơi đây ngày càng phát triển. Riêng gia đình tôi, với việc trồng trên 3 sào hoa cúc, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Được biết, nhờ sự hỗ trợ lẫn nhau nên đến nay tất cả các hộ thành viên của THT Hoa cúc kim cương đều đã tự nhân được giống hoa cúc để trồng và bán ra thị trường. Bên cạnh giống hoa cúc kim cương, hiện các hộ thành viên còn đang chia sẻ với nhau kinh nghiệm nhân giống hoa cúc vàng tàu – loại hoa cúc mới có thân bé, bông to đang được thị trường ưa chuộng. Điều này đã phần nào cho thấy hiệu quả hoạt động cũng như vai trò “bà đỡ” của THT đối với phát triển sản xuất của các hộ trồng hoa trên địa bàn.
Bà Từ Thị Thanh Miều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghĩa cho biết: Ngoài THT Hoa cúc kim cương, trên địa bàn xã còn có THT Nuôi thủy sản (ba ba, ốc nhồi, ếch, cá rô…) và chi hội trồng cây ăn quả (nhãn, hồng xiêm, bưởi…). Tham gia sinh hoạt THT và chi hội nghề nghiệp, các thành viên có cơ hội được tham dự các buổi tập huấn kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do các hội, đoàn thể của địa phương tổ chức. Thông qua sinh hoạt THT, các hộ đã tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau trong việc nhân giống, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Tương tự, tham gia sinh hoạt THT Kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi (thôn Tiêu Hạ Nam, xã Tiêu Động) từ năm 2021 đến nay, các thành viên trong THT đều đánh giá cao vai trò của THT trong việc liên kết, tạo cơ hội để các hộ sản xuất kẹo được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn nguyên liệu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm và đóng gói nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động khẳng định: Nghề sản xuất kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi tại thôn Tiêu Hạ Nam đã phát triển từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các hộ chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công, quy mô nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên sản lượng kẹo bán ra thị trường chưa cao. Từ thực tế đó, THT Kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi được thành lập nhằm tạo sức mạnh tập thể, tăng cường hỗ trợ nhau trong việc đưa máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất, đóng gói, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có một tổ chức để hoạt động, các thành viên dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ cũng như tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức.
Từ thực tiễn hoạt động của mô hình THT trên địa bàn huyện Bình Lục cho thấy, THT là tổ chức kinh tế gọn nhẹ, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ ở vùng nông thôn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi thành lập, nhiều THT đã được tạo điều kiện vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để đầu tư phát triển sản xuất. Qua đó giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức về kinh tế tập thể, tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, do THT không có tư cách pháp nhân nên vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng. Nhiều THT hoạt động mang tính chất thời vụ nên chưa phát huy hiệu quả, thiếu tính bền vững.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của THT cũng như nhân rộng mô hình kinh tế này trong thời gian tới, huyện Bình Lục xác định, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập THT trên các lĩnh vực, ngành nghề. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các THT đang hoạt động trên địa bàn để hướng dẫn các THT làm thủ tục đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương theo Nghị định 151/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT.
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.
Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.
Thực hiện Quyết định số 1128/QĐ-BXD ngày 08/11/2023 của Bộ Xây dựng công nhận huyện Kim Bảng đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, thời gian qua, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; tập trung hoàn thiện những chỉ tiêu, tiêu chí đáp ứng điều kiện được công nhận huyện trở thành thị xã trước năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.