Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong đã có sự phát triển mang tính đột phá. Người dân áp dụng theo hướng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, đã có những mô hình nuôi thủy sản xây dựng được chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả trên diện tích mặt nước nuôi trồng.
Mô hình nuôi thủy sản thâm canh và ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng, Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) đang phát huy tốt hiệu quả. Trên diện tích mặt nước nuôi trồng rộng 15 ha được doanh nghiệp thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hóa. Cụ thể, 10 ha đầm được dành nuôi cá bằng biện pháp thâm canh, chủ yếu cá trắm đen. Diện tích còn lại được đầu tư xây dựng bể nuôi theo công nghệ “sông trong ao” chuyên sản xuất cá diêu hồng. Riêng với cá trắm đen chủ lực được Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng xây dựng theo chuỗi giá trị. Cụ thể, công ty đầu tư lò ấp và tự sản xuất cá giống, ươm cá bột, cá hương. Sau đó, lựa chọn một số hộ trong vùng có diện tích ao đầm lớn liên kết nuôi cá trắm đen lên thành cá giống có trọng lượng từ 1 – 2 kg. Toàn bộ số cá giống này được đơn vị nhập lại nuôi thành cá thương phẩm. Cá trắm đen nuôi sau 1 năm có trọng lượng trung bình 5 – 7 kg được ký hợp đồng xuất bán cho các cơ sở cá kho tại làng nghề thuộc xã Hòa Hậu. Tổng lượng cá trắm đen của doanh nghiệp mỗi năm xuất bán hơn 100 tấn, chiếm gần 20% tổng lượng cá của làng nghề cá kho Hòa Hậu sử dụng. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, cá trắm đen được áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ cách làm này, năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với cách nuôi truyền thống. Chỉ tính riêng năng suất cá trên diện tích nuôi trồng của doanh nghiệp đã đạt hơn 10 tấn/ha/năm. Giá bán sản phẩm tăng 5 – 10% so với bên ngoài.
Ông Bùi Văn Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng cho biết: Việc áp dụng phương pháp thâm canh và ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao được năng suất thủy sản trên diện tích nuôi trồng. Đặc biệt, xây dựng chuỗi giá trị đáp ứng được chất lượng nguyên liệu cá trắm đen phục vụ làng nghề Hòa Hậu, trọng lượng cá đồng đều, thịt săn chắc ít mỡ…
Với HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) cũng thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị, nhưng đi sâu thêm vào mảng chế biến. Trên diện tích hơn 6 ha đang sản xuất, HTX xây dựng 8 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, sản lượng cá 15 tấn/bể/lứa (thời gian nuôi 6 tháng) với 2 loại chủ lực, gồm: Rô phi đơn tính và cá trắm trắng. HTX đầu tư xây dựng khu chế biến đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà lạnh bảo quản sản phẩm… Khoảng 60 – 70% lượng cá thu hoạch được HTX đưa vào chế biến các sản phẩm, như: Ruốc cá, chả cá và cá kho. Đồng thời, HTX liên kết đưa các sản phẩm chế biến vào hệ thống Siêu thị VinMart. Mỗi tháng HTX xuất bán vào siêu thị 1,5 tấn chả cá, hơn 1 tấn ruốc cá và 1 tấn cá kho. Lượng cá còn lại HTX liên kết tiêu thụ cho bếp ăn các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, 5 doanh nghiệp lớn tại các khu công nghiệp, cửa hàng bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Từ cách làm này, giá trị sản phẩm thủy sản của HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng tăng trên 20% so với xuất bán thô, nhỏ lẻ ngoài thị trường tự do. Không những vậy, giá bán luôn bảo đảm sự ổn định rất ít bị tác động lên, xuống của thị trường tự do. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, việc mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật gắn với chuỗi giá trị tạo sự ổn định trong sản xuất. Vấn đề chính của HTX là bảo đảm đủ nguồn hàng và chất lượng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp và các đầu mối tiêu thụ.
Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã cho thấy cách làm phù hợp, hiệu quả. Từ đó mở ra hướng đi giúp thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển trong những năm tới. Đặc biệt, thủy sản của tỉnh được phát triển, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đó là nhận định của ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT).
Xác định là một trong những hướng phát triển chính của ngành nông nghiệp tỉnh, nuôi trồng thủy sản đã được quan tâm đầu tư hợp lý. Mục tiêu chính là hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT đánh giá: Thời gian qua, nuôi trồng thủy sản được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, khoa học kỹ thuật và nguồn lực. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện nay đang được khai thác hiệu quả, nâng cao cả về năng suất, sản lượng, cũng như giá trị…
Nổi bật, thực hiện chủ trương và kế hoạch chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn tỉnh đã chuyển được gần 710 ha. Những diện tích này người dân đã áp dụng phương pháp làm ao nổi, đắp bờ cao, vừa không phá vỡ mặt bằng ruộng, vừa có thể gieo lúa trên ruộng, sau đó đưa cá lên khai thác nguồn thức ăn từ cây lúa. Hiệu quả của diện tích chuyển đổi đem lại cao gấp 3 – 4 lần cấy lúa trước đây. Điển hình, tại xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) đã hình thành vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản tập trung có diện tích 40 ha, với 13 hộ tham gia sản xuất. Trên diện tích này, các hộ đã quy hoạch, đắp lại bờ vùng, bờ thửa, đưa nước vào nuôi thủy sản. Việc nuôi thủy sản cũng được người dân áp dụng biện pháp thâm canh đa dạng loại cá, như: Trắm trắng, trắm đen, chép… Tại đây đã thành lập HTX chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, có sự liên kết, hỗ trợ giữa các thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá. Được biết, các hộ tại vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Yên Nam đang tiếp tục tìm hướng phát triển mới qua việc đưa tôm càng xanh vào nuôi thử nghiệm, hướng tới nhân ra diện rộng.
Ông Vũ Văn Và, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Yên Nam, có diện tích nuôi thủy sản trong vùng chuyển đổi cho biết: Chủ trương của tỉnh cho các địa phương quy hoạch vùng đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang nuôi thủy sản rất phù hợp với nhu cầu và điều kiện sản xuất của địa phương. Nuôi trồng thủy sản chứng minh được hiệu quả, ít bị ảnh hưởng bởi giá cả hay dịch bệnh so với chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Trong đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tỉnh đã xây dựng đề án và hỗ trợ phát triển nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” giai đoạn 2015 - 2020. Các mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua cá giống, hóa chất phòng, trị bệnh cho cá và hướng dẫn kỹ thuật cho các mô hình có diện tích từ 1 ha trở lên, xây tối thiểu 2 bể nuôi. Mức hỗ trợ mỗi mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” 210 triệu đồng/mô hình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 20 mô hình, với tổng số 48 bể nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Từ việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, năng suất cá tăng gấp 2 – 3 lần nuôi thâm canh tại ao, đầm bình thường. Sản phẩm cá nuôi theo công nghệ “sông trong ao” cũng đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP do kiểm soát tốt từ nguồn con giống, nước nuôi, đến thức ăn... Ngay chất thải của cá cũng được thu gom, giảm thiểu tối đa khả năng gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Đây là điều kiện để hình thành chuỗi giá trị, đưa sản phẩm thủy sản vào hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản sạch…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) cho biết thêm: Khi sản xuất theo công nghệ mới đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận sản phẩm OCOP là điều kiện quan trọng để hệ thống Siêu thị VinMart chấp nhận nhập sản phẩm chế biến từ thủy sản của HTX.
Hình thức nuôi cá lồng trên sông Hồng cũng được khuyến khích phát triển. Toàn tỉnh có tổng số 590 lồng cá, tổng thể tích 75 nghìn m3, năng suất đạt 5 – 7 tấn cá/lồng, tương đương 1 ha nuôi cá trong nội đồng. Những loại cá nuôi trên hệ thống lồng bè đều có giá trị kinh tế cao, như: Cá lăng, chép giòn, diêu hồng, trắm trắng… Các địa phương trong tỉnh cũng khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất chuyên ngành về thủy sản. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được khoảng 10 HTX chuyên ngành thủy sản tại những vùng nuôi thủy sản tập trung. Từ việc đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản đúng hướng đã giúp phát huy tốt hiệu quả diện tích mặt nước. Chỉ tính riêng năng suất cá ở những diện tích nuôi thâm canh, chuyên canh hiện nay đã đạt bình quân khoảng 10 tấn/ha/năm, tăng gấp 2 lần trước đây, nhiều diện tích nuôi thâm canh cao đạt từ 18 – 20 tấn cá/ha/năm. Lượng sản phẩm thủy sản lớn, chất lượng đã tạo sức cạnh tranh và góp mặt ở nhiều thị trường, kể cả siêu thị, các nhà hàng, khu du lịch… Đây chính là những yếu tố giúp nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển.
Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 5.550 ha, giá trị sản xuất 805 tỷ đồng, tăng 1% so với ước thực hiện của năm 2022. Nuôi trồng thủy sản vẫn duy trì các hình thức nuôi thâm canh, chuyển đổi vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, áp dụng công nghệ “sông trong ao”, khai thác nuôi cá lồng trên sông Hồng… Qua trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT): Trong quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây là những vấn đề đang kìm hãm, chưa khai thác hết được tiềm năng diện tích mặt nước hiện có.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn đang chịu tác động rất lớn bởi nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Cụ thể, điều kiện nuôi thủy sản tại nhiều vùng chưa được bảo đảm, nhất là nguồn nước. Đa phần diện tích nuôi thủy sản trong khu vực nội đồng nước cung cấp cho các ao nuôi phụ thuộc vào hệ thống kênh mương phục vụ trồng trọt, chủ yếu là 2 vụ lúa. Vì thế, nước trong các ao nuôi thường thiếu vào mùa khô, đòi hỏi cần cung cấp bổ sung thường xuyên, nhất là giữ ấm cho thủy sản khi vào đông. Cùng với đó, nguồn nước tại không ít vùng bị ô nhiễm, nhất là khu vực huyện Kim Bảng, một phần thị xã Duy Tiên được lấy từ sông Nhuệ. Như tại phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, trước đây vốn có thế mạnh nuôi trồng thủy sản do diện tích ao, đầm lớn lên đến hàng chục ha. Những năm gần đây, việc nuôi thủy sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn, không phát triển được do nước sông Nhuệ vừa thiếu, vừa ô nhiễm nặng. Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Nguồn nước không bảo đảm cả về số lượng và chất lượng đang là hạn chế lớn cho những vùng sản xuất ven sông Nhuệ của thị xã. Phòng đã tham mưu với UBND thị xã quy hoạch và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ra các địa phương ven sông Hồng. Đồng thời, hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn để vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, vừa tạo sự tương trợ về nguồn nước giữa các ao nuôi trong quá trình sản xuất.
Về chủ quan, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản của người dân, nhất là những diện tích nhỏ lẻ vẫn theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, tận dụng. Nhiều diện tích nuôi thủy sản người dân kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn. Điều này dẫn đến khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh và chất lượng sản phẩm… Một trong những khó khăn nữa, giá vật tư đầu vào, đặc biệt là thức ăn nuôi thủy sản tăng cao. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, thức ăn cho thủy sản đã tăng 4 lần, mỗi lần tăng từ 250 – 500 đồng/kg. Về giá bán sản phẩm thủy sản, tuy năm 2022 đã tăng so với năm trước, nhưng thiếu ổn định và chưa tương xứng với chi phí đầu vào… Hiện đang xảy ra tình trạng một số diện tích mặt nước người dân hạn chế đầu tư. Ngoài ra, đa số các mô hình nuôi trồng thủy sản được triển khai trên quỹ đất công ích, đất sản xuất đa canh có thời gian thuê ngắn. Vì thế, các hộ không được đầu tư thay đổi mặt bằng dẫn đến rất khó áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật…
Để nuôi trồng thủy sản phát huy thế mạnh, hiệu quả, đóng góp vào giá trị và tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi thâm canh, diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tại những vùng quy hoạch. Khi thủy sản được tạo thành vùng tập trung thuận lợi hơn trong quá trình điều tiết nước vào các ao nuôi, người dân tập trung lựa chọn các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản, được thị trường ưa chuộng, như: Cá trắm đen, trắm trắng, chép lai, cá lăng, rô phi đơn tính… Đồng thời, tăng cường các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Đây được coi là yếu tố quan trọng để bù vào mức tăng giá của thức ăn và giá bán bấp bênh… Các địa phương khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác chuyên ngành thủy sản tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các thành viên cùng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, hạn chế tối đa rủi ro… Quan trọng hơn, hình thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, tập trung, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.
Nội dung: Mạnh Hùng
Ảnh: Mạnh Hùng
Thiết kế: Quốc Khánh
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.