Cũng như nhiều học sinh, sinh viên khác có nhu cầu về việc làm thêm trong kỳ nghỉ hè, em Trần Thị Lan, xã La Sơn (Bình Lục) tìm được công việc làm mi giả tại nhà thông qua mạng xã hội facebook. Được biết, Lan đang là sinh viên một trường đại học trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Do gia đình Lan có đông anh chị em, hoàn cảnh rất khó khăn nên kỳ nghỉ hè nào Lan cũng tìm việc làm thêm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Đọc được thông tin tuyển người làm mi giả tại nhà do chủ một tài khoản facebook đăng tải trên mạng với hình ảnh, video giới thiệu, hướng dẫn tỉ mỉ cách làm, Lan đã liên hệ nhận làm vì thấy công việc này phù hợp với mình, lại dễ học, dễ làm. Những giao dịch giữa Lan và chủ cơ sở làm mi giả trong việc gửi nguyên liệu làm mi hay tiền công đều được thực hiện qua việc chuyển khoản ngân hàng và gửi bưu điện. Lan chia sẻ: Khi làm công việc này, em phải nộp phí cho chủ cơ sở làm mi giả 200.000 đồng tiền mua nguyên liệu (tóc) để làm mi. Với số tiền này, em nhận nguyên liệu về nhà làm được từ 600-700 cặp mi giả trong thời gian 2 tuần. Tiền công cho mỗi cặp mi là 900 đồng, sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu, em có thu nhập khoảng 400.000 đồng. Dù thu nhập không cao, bình quân chỉ 30.000 đồng/ngày nhưng nhờ công việc này, em có thể làm ngay tại nhà, thuận tiện để vừa làm, vừa giúp bố mẹ các công việc nhà.
Theo giới thiệu của một người quen, mới đây, bà Trần Thị Hương, phường Lê Hồng Phong (TP. Phủ Lý) cũng đã tìm được một công việc phù hợp để làm tại nhà. Với việc nhận may túi thổ cẩm cho một xưởng may trên địa bàn thành phố Phủ Lý, mỗi tháng bà Hương có nguồn thu nhập trên dưới 2 triệu đồng.Qua trò chuyện với bà Hương, được biết, trước đây, bà làm thợ may. Thế nhưng, vài năm nay, đồ may mặc sẵn trên thị trường ngày càng nhiều, phong phú, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, giá cả lại phải chăng nên người dân không còn nhu cầu cắt may quần áo nữa. Vì tuổi đã cao, không thể đi làm công nhân trong các khu công nghiệp được nên những năm qua, để có nguồn thu, bà Hương đã tìm hiểu, nhận làm hàng mỹ ký, thêu tranh… tại nhà. Tuy nhiên, những công việc này phù hợp với giới trẻ hơn vì đòi hỏi sự nhanh tay, tinh mắt. Từ khi nhận may túi thổ cẩm với tiền công là 2.000-5.000 đồng/chiếc túi (tùy kích cỡ túi), kết hợp nhận may váy trẻ em cho một hiệu may gần nhà với thù lao 20.000-25.000 đồng/chiếc, bà Hương đã có nguồn thu khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình.
Dù đang kinh doanh hàng tạp hóa nhưng bác Trần Thị Cúc, phường Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý) vẫn nhận làm thêm việc đóng gói bút chì tại nhà cho một nhà máy sản xuất bút chì ở KCN Châu Sơn (thành phố Phủ Lý). Nói về công việc của mình, bác Cúc cho hay: Tôi ngồi ở nhà bán quán cả ngày. Nhiều hôm quán vắng khách, tôi cứ ra ra vào vào, cũng thấy buồn tay, buồn chân lắm. Hai năm nay, từ khi làm thêm công việc đóng gói bút chì, tôi thấy tinh thần thoải mái hơn, lại có thu nhập phụ thêm cho con cái. Công việc đóng gói bút chì khá đơn giản, chỉ cần cho từng chiếc bút vào mỗi chiếc túi ni lông nhỏ rồi xếp gọn gàng vào thùng để nhân viên nhà máy đến chuyển đi là xong. Ngoài việc bán hàng và làm việc nhà, mỗi ngày tôi cũng tranh thủ được tầm 4-5 tiếng thời gian rảnh để đóng được 6.000-8.000 chiếc bút, cho thu nhập 40.000-50.000 đồng. Vì công việc dễ làm nên nhiều khi các bà, các chị trong khu phố đến chơi cũng ngồi quây quần làm giúp cho vui. Con gái tôi đang là học sinh cũng tranh thủ ngày nghỉ đóng bút chì giúp mẹ.
Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công dài hạn và địa điểm kinh doanh, không ít doanh nghiệp, cơ sở, cửa hàng… đã tuyển dụng nhân công làm việc ngay tại nhà. Ngoài việc làm mi giả, đóng gói bút chì, may gia công, còn rất nhiều công việc khác đang được nhiều người lựa chọn làm thêm để tăng thu nhập như: làm mỹ ký, đính đá vào áo, váy, thêu tranh, móc túi cước… Tuy thu nhập không cao, bình quân 1-2 triệu đồng/tháng nhưng những công việc này cũng phần nào giải quyết được nhu cầu về việc làm thêm cho một lực lượng lớn lao động tại cơ sở khi họ có quỹ thời gian eo hẹp hay không đủ điều kiện để đi làm ở các công ty.
Hân Hân
Chiều 27/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn VI cho Nhà đầu tư Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam (thuộc Tổng công ty Western Pacific). Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý các KCN tỉnh; Thị ủy Duy Tiên và ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Tổng công ty Western Pacific.
Chiều 27/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương (QP, QSĐP). Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự, chỉ đạo hội nghị có Thiếu tướng Phạm Hoàng Long, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3; lãnh đạo các cơ quan chức năng của Quân khu 3; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã...
Sáng 27/11, tại Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba sao, huyện Kim Bảng), chùa Tam Chúc đã phối hợp với Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật tổ chức khai mạc Lễ hội giao lưu Văn hóa Phật giáo Việt Nam – Nhật Bản.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.