Tình yêu không giới hạn…
Đêm 12/10, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 chính thức khai mạc vào 20h. Đúng giờ này, trong khán phòng gần 1.000 chỗ ngồi của Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh không còn một chỗ trống. Khán giả chen nhau ở các lối đi, các cửa ra vào để xem chèo. Sau lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng và truyền hình trực tiếp, vở diễn “Những vì sao không tắt” do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam biểu diễn đã mở đầu cuộc thi.
Vở chèo nói về cuộc chiến đấu, hy sinh của bộ đội và các nữ dân quân Lam Hạ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1966-1967). Qua 6 màn diễn, khán giả được trở lại câu chuyện xảy ra trên chính vùng đất quê hương mình với biết bao niềm tự hào từ hơn nửa thế kỷ đi qua.
Màn thứ 5 của vở diễn lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi diễn tả cuộc chiến cam go, khốc liệt giữa bộ đội và dân quân Lam Hạ với kẻ thù. Máu và nước mắt của đồng bào nhỏ xuống vùng đất này để mỗi cuộc đời người dân Lam Hạ nói riêng, Hà Nam nói chung hôm nay được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Mất mát thuộc về những gia đình liệt sỹ - các anh hùng. Nhưng tình yêu, sự hy sinh của các anh, các chị đã đi vào lịch sử, thắp sáng niềm tự hào cho các thế hệ người Hà Nam…
Bà Nguyễn Thị Nga, người dân Lam Hạ ngồi trong khán phòng đã khóc vì xúc động. Bà nói: “Bình thường không ai biết hết những chuyện của hơn 50 năm về trước. Người dân chúng tôi hàng ngày đi qua Đền thờ các cô, nhìn thấy ụ pháo được phục dựng lại, thấy tượng đài mới xây dựng nguy nga … nhưng có ai biết họ đã hy sinh như thế nào, sống với thanh xuân của mình như thế nào đâu. Mãi đến hôm nay, chúng tôi mới biết về số phận mỗi cô, nỗi niềm mà họ mang theo về bên kia thế giới. Thương hết nước mắt…”
Đến cuối vở diễn, khán giả vẫn bịn rịn chưa muốn đứng lên. Đêm đã muộn. Rất nhiều người trong số đó bồi hồi, chờ đợi những vở diễn tiếp theo. Ông Nguyễn Xuân Cảnh, phường Liêm Chính phấn khởi: “Tôi mê văn công lắm! Bao nhiêu năm nay không được xem chèo như thế này, nhìn thấy diễn viên xúng xính trong áo quần và ánh đèn sân khấu, nhớ kinh khủng! Bây giờ Hà Nam được đăng cai cuộc thi chèo của các đoàn chuyên nghiệp thì dân chúng tôi vui không kể được. Tôi sẽ cố gắng đi hết các buổi, già rồi, ở nhà cũng buồn, đến đây thưởng thức chèo là quá mỹ mãn!”.
Có rất nhiều khán giả vui vẻ và hồn nhiên như ông Cảnh. Họ là những người cao tuổi, có một quãng đời sống với loại hình nghệ thuật này nên ai cũng nhớ “Ăn no rồi lại nằm khoèo/Nghe giục trống chèo vác bụng đi xem”.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, người đạo diễn vở chèo “Những vì sao không tắt” cho đoàn nghệ thuật Hà Nam hạnh phúc chia sẻ: Khán giả Hà Nam thực sự đáng yêu! Họ đã cho các nghệ sỹ sân khấu chúng tôi một nguồn năng lượng tươi mới và hy vọng để tiếp tục cống hiến, cháy hết mình trên sân khấu. Cứ nhìn vào không khí của mỗi buổi diễn ở đây thì thấy, Chèo vẫn sống mạnh mẽ, bền bỉ trong lòng nhân dân”.
“Cốt cách người Hà Nam là thế…”
Theo dõi Liên hoan Chèo toàn quốc đến ngày thứ 12, chúng tôi luôn thấy một cụ ông đi lại khó khăn, lê từng bước chân đến khán phòng mỗi buổi diễn cùng với một cụ bà. Bà cụ nhà ông nói, ông đã 93 tuổi rồi, nhà ở khu nhà thờ của thành phố, hôm nào ông cũng đòi đi sớm để có chỗ ngồi. Cụ thích Chèo lắm, bây giờ mới được xem nhiều vở do các đoàn sân khấu chuyên nghiệp biểu diễn nên không thể bỏ được.
Ông cụ tên là Vũ Đức Quang. Ông nói: “Không chỉ có người già thích chèo đâu nhé, hôm nay Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vở “Hồng Hà nữ sỹ”, các cháu học sinh đến đông lắm. Câu chuyện sân khấu kể về nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, các cháu chắc đang học Chinh phụ ngâm nên xem vở này sẽ hiểu được cuộc đời và tài năng của bà. Hay lắm! Từng câu nói, từng giai điệu của chèo thấm vào lòng người xem như thức tỉnh một quá khứ rực rỡ của hát chèo, của tinh thần con người sau bao nhiêu năm bận rộn với cuộc sống kiếm tiền, bị hòa trộn lôi kéo vào những loại hình nghệ thuật hiện đại xô bồ…Tôi không thích những thứ âm nhạc ấy.”
Cũng giống như vợ chồng cụ Quang, vợ chồng bà Đỗ Thị Bích ở ngõ 11, đường Biên Hòa cũng chẳng muốn bỏ buổi chèo nào. Bà Bích người Nam Định, lấy chồng về Đức Lý, Lý Nhân. Vùng quê này có một chiếu chèo nổi tiếng làng Ngò. Vì thế, hai ông bà mê chèo, thích chèo, đắm đuối với chèo cũng chẳng có gì là khó hiểu. Lại hay, bà Bích vốn am hiểu văn chương, từng là giáo viên nên khi giở lại những câu chuyện lịch sử về các nhân vật như Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Nguyễn Đình Nghị, Nguyên phi Ý Lan, kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, Đoàn Thị Điểm…bà như thuộc lòng các tích. Ngồi xem mà như đọc lại sách văn, sách sử, hiểu tường tận nội dung và nghệ thuật sân khấu.
Bà Bích nói: “Các vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam diễn hay nhờ kịch bản hay. Một số đoàn khá ấn tượng như Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát chèo Nam Định… Tôi về hưu rồi, có thời gian rỗi nên đến đây mỗi buổi. Bỏ thì tiếc, vì không biết đến bao giờ, Hà Nam mới lại đăng cai tổ chức một hoạt động sân khấu truyền thống đặc sắc, mang tính chuyên nghiệp thế này. Nói thật, nếu là hội diễn các loại hình nghệ thuật hiện đại, chắc tôi không đến nhiều thế này đâu…”
Chứng kiến cảnh người già, trẻ con, trai gái rập rùi đến khán phòng xem chèo, Trung tá Phạm Xuân Dương, diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội cảm động: “Tôi đã từng đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều liên hoan, nhưng chưa ở đâu khán giả lại đặc biệt như Hà Nam. Họ đến khán phòng xem nghiêm túc, trật tự và đông kinh khủng. Hầu như buổi nào cũng chật kín cả hai tầng khán đài. Tôi nghĩ, Liên hoan thành công có phần đóng góp quan trọng của khán giả Hà Nam…”
Yêu chèo, say chèo là tình cảm của người Hà Nam với nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại. Nhưng thấu hiểu chèo, mê chèo thì lại là câu chuyện của tư duy và văn hóa. Cái cách mà người Hà Nam đi xem chèo không chỉ thể hiện văn hóa thưởng thức nghệ thuật, mà còn bộc lộ cốt cách, tâm hồn con người luôn gắn bó với tự nhiên, lao động và các mối quan hệ xóm làng gần gũi thân quen.
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.