Năm học 2022-2023, cấp học mầm non của huyện Lý Nhân có tổng số 761 giáo viên, trong đó có 93,16% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên. Về CSVC, TTB, toàn cấp học có 418 phòng học, bảo đảm có đủ 1phòng/1 nhóm, lớp; có 78 phòng phục vụ học tập; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ thiết bị theo yêu cầu, 99% số lượng bộ danh mục các nhóm, lớp dưới 5 tuổi đủ số lượng, 100% các trường mầm non có khu phát triển vận động và khu vui chơi cho trẻ trải nghiệm ngoài trời.
Việc triển khai Chương trình GDMN mới trên địa bàn được dự báo có nhiều thuận lợi khi toàn huyện có 22/22 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó 77,2% trường đạt chuẩn mức 2. Điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục.
Cô giáo Phạm Thị Thương Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Lý (Lý Nhân) cho biết: Chương trình GDMN mới sẽ có nhiều nội dung được phát triển từ chương trình hiện hành. Theo chương trình khung, nhà trường sẽ tự xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch phát triển nhà trường để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, không bỏ sót các nội dung theo quy định, sẽ triển khai chương trình khi có hướng dẫn. Trước mắt, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên các nhóm lớp chủ động học, nghiên cứu nâng cao kiến thức, chuyên môn; có kế hoạch rà soát điều kiện CSVC, TTB, ĐDĐC để việc thực hiện chương trình thuận lợi, có chất lượng ngay từ năm học đầu tiên.
Không chỉ ở Trường Mầm non Đức Lý, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh cũng có sự chủ động cao trong việc chuẩn bị các điều kiện cho thực hiện Chương trình GDMN mới. Cùng với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), việc xây dựng Chương trình GDMN mới hướng tới việc thể hiện các phẩm chất và năng lực chung mang tính cốt lõi, nền tảng, cần thiết, phù hợp với lứa tuổi của trẻ và thể hiện tiếp cận năng lực bảo đảm tính liên thông với chương trình GDPT.
Theo đó, các cơ sở GDMN và đội ngũ giáo viên sẽ được nâng cao hơn về tính chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ, thực tế địa phương. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cơ bản cho toàn cấp học như: thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình giáo dục và tổ chức học 2 buổi/ngày; phát huy hiệu quả các chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Phát triển giáo dục vận động cho trẻ mầm non”; 100% các lớp mẫu giáo được sử dụng Bộ chuẩn giáo dục trẻ em; 100% giáo viên thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nội dung giáo dục khác vào chương trình GDMN.
Bên cạnh đó, các nhà trường và giáo viên xác định cần đổi mới hơn nữa phương pháp giáo dục, có sự lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, giúp trẻ được tích cực hoạt động giao lưu, vui chơi, kích thích sự phát triển các giác quan và các chức năng tâm lý, sinh lý. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đánh giá sự phát triển của trẻ nhằm theo dõi sự phát triển của trẻ, làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục; thực hiện lồng ghép giáo dục dinh dưỡng với chế độ vận động, nâng cao thể chất cho trẻ; khai thác sử dụng hiệu quả các TTB, ĐDĐC hiện có và đẩy mạnh phong trào tự làm ĐDĐC; thực hiện nghiêm việc rà soát, xây dựng và sử dụng hiệu quả môi trường giáo dục.
Mặc dù chưa được triển khai thực hiện nhưng theo nhận xét của nhiều cán bộ, giáo viên, chương trình GDMN mới sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển của trẻ em mẫu giáo và chất lượng giáo dục mầm non.
Tuy vậy, thực tế vẫn đặt ra không ít khó khăn đối với các nhà trường và cấp học khi triển khai thực hiện chương trình. Theo bà Lê Thị Minh Thư, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lý Nhân, những khó khăn có thể dự báo được trên nhiều mặt. Như ở huyện Lý Nhân, do công tác quy hoạch đã triển khai nhưng việc thực hiện theo lộ trình do đó một số cơ sở GDMN khuôn viên chật hẹp nên việc xây dựng phòng học cho các nhóm, lớp và môi trường bên ngoài lớp học còn hạn chế; các cơ sở GDMN cơ bản đáp ứng trang thiết bị tối thiểu nhưng thiết bị các phòng chức năng còn thiếu và chưa đồng bộ, đa số các cơ sở GDMN chưa được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, thiết bị tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên mầm non gần như đã đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn nhưng chưa có nhiều điều kiện và cơ hội để học tập, tiếp cận, giao lưu với các cơ sở GDMN có môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến và vẫn chưa có đủ số lượng theo định mức quy định; số lượng trẻ/nhóm, lớp còn cao làm ảnh hưởng tới việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thời gian tới, ngành và cấp học sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện Chương trình GDMN mới. Trong đó, chỉ đạo các trường mầm non tạo điều kiện cho đội ngũ đi học đạt trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn theo lộ trình; quan tâm bồi dưỡng phát huy đội ngũ cốt cán từ tổ, trường, huyện; tích cực đổi mới nội dung và phương thức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN mới và có sự quan tâm nhiều hơn tới công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên làm việc tại cơ sở GDMN ngoài công lập. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh và các địa phương có kế hoạch tuyển giáo viên những năm học tiếp theo bảo đảm đủ giáo viên/nhóm, lớp theo quy định hiện hành.
Về CSVC, TTB dạy học, các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh đã tham mưu với UBND huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quan tâm quy hoạch dành quỹ đất, mở rộng diện tích để xây dựng trường mầm non; tập trung đầu tư kinh phí để xây dựng CSVC, mua sắm ĐDĐC, TTB tối thiểu, đồ chơi ngoài trời, quy hoạch sân vườn; phát triển GDMN ngoài công lập trên địa bàn phù hợp. Chỉ đạo các trường mầm non tham mưu với địa phương dồn điểm trường ở những nơi thuận lợi, tạo điều kiện đầu tư TTB, CSVC khi dồn các điểm trường; tiếp tục xây dựng đủ phòng học, các phòng phục vụ học tập, phòng chức năng và khối công trình phụ trợ, cải tạo cảnh quan môi trường an toàn cho trẻ. Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và chuẩn bị tốt các điều kiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.