Mỹ đứng ngồi không yên khi Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba (Kỳ 1)

Hồ sơ tư liệu 07:39 18/10/2022 Theo VOV.VN
Năm 1962, để bảo vệ Cuba và răn đe Mỹ, Liên Xô lặng lẽ chuẩn bị điều tên lửa hạt nhân đến quốc gia Caribe này. Phát hiện ra điều đó, Mỹ đứng ngồi không yên, phản ứng gay gắt với Liên Xô và cấp tốc thực hiện biện pháp ngăn chặn.

Thế đối đầu nguy hiểm đó kéo dài trong 13 ngày vào tháng 10/1962. Thảm họa hạt nhân được tránh vào phút chót nhờ vào các động thái ngoại giao quyết liệt và thận trọng vào những thời điểm quyết định. Tháng 10/2022 này là tròn 60 năm sự kiện đó.

Tầm bắn của tên lửa hạt nhân bố trí trên lãnh thổ Cuba năm 1962. Đồ họa: Thư viện JFK.

Bối cảnh

Căng thẳng bắt đầu leo thang giữa Mỹ và Cuba vào thập niên 1950 sau khi nhà cách mạng Fidel Castro lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista rồi đánh bại lực lượng lưu vong đổ bộ lên Vịnh Con Lợn năm 1961.

Khi ấy, các phần tử lưu vong, với sự hậu thuẫn của CIA, nỗ lực đánh chiếm Vịnh Con Lợn với mục tiêu chế áp và lật đổ chính quyền cách mạng của Cuba. Tuy nhiên họ đã bị các lực lượng vũ trang Cuba đè bẹp trong vài ngày.

Sau đó, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã ký một thỏa thuận ngầm vào tháng 7/1962 với Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev mà theo đó, các tên lửa hạt nhân của Liên Xô sẽ được bố trí trên lãnh thổ Cuba.

Động thái trên của Liên Xô có 2 mục đích. Thứ nhất, Liên Xô muốn ngăn Mỹ thực hiện một cuộc xâm chiếm nữa nhằm vào Cuba. Thứ hai, Liên Xô muốn mở rộng năng lực răn đe hạt nhân của mình.

Hoạt động xây dựng điểm bố trí tên lửa hạt nhân khởi động vào mùa hè 1962.

Tình báo Mỹ mau chóng phát hiện ra bằng chứng về việc Liên Xô bố trí vũ khí ở Cuba, bao gồm cả hệ thống phòng không.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào ngày 4/9 năm đó ra thông cáo lên án nỗ lực của Liên Xô tăng cường sức mạnh quân sự cho Cuba và tuyên bố “những vấn đề nghiêm trọng nhất sẽ phát sinh” nếu Cuba có được năng lực tiến công.

Ông Kennedy nói: “Chính sách của Mỹ tiếp tục không cho phép chính quyền Castro xuất khẩu các giá trị của mình thông qua vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các biện pháp cần thiết sẽ được áp dụng để ngăn họ thực hiện bất cứ hành động nào chống lại bất cứ nơi nào của Tây Bán cầu”.

Diễn biến ban đầu

Ngày 14/10/1962, một máy bay trinh sát của Mỹ chụp được các bức ảnh cho thấy các công trường xây dựng ở Cuba, nơi sẽ đặt tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung và tầm xa.

Cuộc đối đầu Mỹ - Xô chính thức bắt đầu vào ngày 16/10 khi Tổng thống Kennedy được báo cáo vắn tắt về các bức ảnh đó.

Ông Kennedy lo lắng tìm cách duy trì trạng thái bề ngoài bình thường như mọi khi tại Nhà Trắng. Ông giữ nguyên lịch trình chính thức của mình nhưng thường xuyên gặp gỡ với các cố vấn đề xây dựng chiến lược đối phó.

Các tham mưu trưởng của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân quân đội Mỹ hối thúc Tổng thống Mỹ Kennedy tiến hành một cuộc không kích mở màn cho cuộc xâm lược đầy đủ nhằm vào Cuba, nhưng những người khác kêu gọi chỉ phong tỏa Cuba bằng hải quân.

Ngày 17/10, có thêm các bức ảnh trinh sát ghi lại bằng chứng về các địa điểm mới bố trí tên lửa và khoảng 16-32 tên lửa trên lãnh thổ Cuba.

Các đơn vị quân sự Mỹ bắt đầu di chuyển sang các căn cứ quân sự ở Đông Nam nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Kennedy vẫn duy trì lịch trình bình thường, dự lễ nhà thờ, ăn trưa với Thái tử Libya và di chuyển tới Connecticut để vận động tranh cử quốc hội.

Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko thăm Tổng thống Kennedy tại Nhà Trắng vào ngày 18/10 và tuyên bố rằng viện trợ của Liên Xô cho Cuba không tạo ra mối đe dọa cho Mỹ, chỉ mang tính phòng thủ. Ông Kennedy không tiết lộ mức độ xây dựng, bố trí vũ khí hạt nhân ở Cuba. Ông lặp lại cảnh báo ông đưa ra vào ngày 4/9 trước đó, khi ông tuyên bố “các vấn đề nghiêm trọng nhất sẽ phát sinh” nếu phát hiện ra các vũ khí hạt nhân tiến công trên đất Cuba.

Mỹ phản ứng gay gắt và thực hiện cách ly hải quân

Vào ngày 20/10, Tổng thống Kennedy và các cố vấn của mình quyết định tiến trình hành động sau: Thực hiện cách ly hải quân nhằm ngăn Liên Xô giao vũ khí khí tài cho Cuba.

Về mặt chính thức, chính quyền Kennedy sử dụng thuật ngữ “cách ly” thay cho “phong tỏa” vì thuật ngữ “phong tỏa” sẽ đồng nghĩa về pháp lý với trạng thái chiến tranh. Một cuộc cách ly sẽ cho phép Mỹ tiếp tục nhận được ủng hộ từ Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (gồm 35 thành viên).

Ngày 22/10, Tổng thống Kennedy thông báo cho nội các, quốc hội và công chúng các bằng chứng về tên lửa Liên Xô ở Cuba rồi tuyên bố cách ly hải quân.

Trong chương trình truyền hình buổi tối, ông Kennedy mạnh mẽ phát biểu với công chúng, khẳng định rằng lệnh cách ly này sẽ được áp dụng đến khi các điểm tên lửa được dỡ bỏ và Liên Xô ngừng cung cấp vũ khí cho Cuba.

Nhà lãnh đạo Kennedy nói thêm rằng bất cứ cuộc tấn công nào bằng tên lửa từ Cuba sẽ được giải thích là một cuộc tấn công từ Liên Xô và khi ấy Liên Xô sẽ đáng bị “trả đũa đầy đủ”.

Theo ông Kennedy, việc Liên Xô bí mật triển khai tên lửa nói trên vi phạm các cam kết của Liên Xô cũng như thách thức chính sách của Mỹ và Tây Bán cầu. Ông Kennedy coi Cuba là một nơi có mối quan hệ đặc biệt và lịch sử với Mỹ và các nước Tây Bán cầu.

Tổng thống Kennedy đánh giá, động thái triển khai vũ khí chiến lược đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Liên Xô là một sự thay đổi hiện trạng mà Mỹ không thể chấp nhận được.

Nhà lãnh đạo Kennedy cũng gửi thư cho nhà lãnh đạo Xô viết Khrushchev, hối thúc chính quyền Liên Xô không thực hiện hành động có thể “mở rộng hoặc làm sâu sắc cuộc khủng hoảng vốn đã nghiêm trọng này”.

Bức thư của Tổng thống Kennedy có đoạn: “Trong các cuộc thảo luận và trao đổi của chúng tôi…, điều khiến tôi quan tâm nhất là khả năng chính phủ của ngài sẽ không hiểu đúng ý chí và quyết tâm của Mỹ trong bất kỳ tình huống nào đưa ra, bởi lẽ tôi không cho rằng ngài và bất cứ người có lý trí nào khác sẽ cố tình đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh mà trong đó rõ ràng không nước nào sẽ chiến thắng và có thể dẫn tới các hậu quả thảm họa cho toàn thế giới, bao gồm cả bên tấn công”.

Tổng thống Kennedy ngày 23/10 chính thức ký Tuyên cáo 3504 cho phép cách ly hải quân. Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ phê chuẩn bản tuyên bố này.

Sau đó, Tổng thống Kennedy yêu cầu nhà lãnh đạo Xô viết Khrushchev ngừng bất cứ chuyến tàu thủy nào của Liên Xô trên hành trình tới Cuba vì khi đó Mỹ sẽ buộc phải khai hỏa và phát động chiến tranh giữa hai quốc gia./. (Còn nữa)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Trung Quốc trang bị những 'vũ khí' gì cho cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ?

Quốc tế  |  06:06 24/11/2024

Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu 10 yếu tố hình thành trạng thái hạnh phúc cho người học

Giáo dục  |  05:45 24/11/2024

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".

Đổi mới công tác nữ công theo hướng thiết thực, hiệu quả

Đoàn - Hội  |  05:43 24/11/2024

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC