Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Hồ sơ tư liệu 10:50 13/10/2022 .
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm: Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân; giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược.

Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh do Viện Lịch sử Quân sự cung cấp (Báo QĐND)

Sau gần hai tháng liên tục tiến công, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã hệ thống kìm kẹp của quân Pháp ở Tây Bắc, đập tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị”, “Xứ Mường tự trị”, “Xứ Nùng tự trị” của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với Căn cứ địa Việt Bắc; phá vỡ “bình phong” che chở cho địch ở Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho ta giành thế chủ động trên chiến trường.

Chiến thắng Tây Bắc khẳng định bước phát triển mới trong tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng. Đó là kết quả của việc nắm vững quy luật vận động cách mạng và chiến tranh giải phóng ở nước ta; khẳng định bước phát triển của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 70 năm đã trôi qua, chiến thắng Tây Bắc 1952 càng khẳng định tầm vóc lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, để lại nhiều bài học quý về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một là, quán triệt, thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trong tình hình mới

Chiến thắng Tây Bắc 1952 bắt nguồn từ tầm nhìn chiến lược, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng, trong đó nội dung cốt lõi là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Trong tình hình mới, để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chiến lược, đề án, nhất là Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia...

Tiến hành rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược phải luôn bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình; dự báo chính xác các nguy cơ, thách thức, các tình huống chiến lược và loại hình tác chiến mới, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, lý luận xây dựng nền quốc phòng toàn dân và các chiến lược chuyên ngành để chủ động đối phó hiệu quả với các tình huống.

Hai là, chú trọng xây dựng tiềm lực quốc phòng ngày càng vững mạnh

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân cả nước vừa chiến đấu, vừa tích cực tham gia xây dựng chính quyền, phát triển văn hóa, giáo dục; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Ở vùng tự do, hậu phương, căn cứ địa, ta vừa ra sức xây dựng nền kinh tế kháng chiến, vừa phát triển công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường. Sau hơn bảy năm “kháng chiến, kiến quốc”, tiềm lực của ta ngày càng lớn mạnh; căn cứ địa, hậu phương của chiến tranh nhân dân ngày càng vững chắc.

Trong Chiến dịch Tây Bắc, ta phát huy được sức mạnh của toàn dân và hệ thống chính quyền các cấp; huy động được hàng trăm nghìn lượt dân công phục vụ tiền tuyến; các địa phương đã cung cấp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược… góp phần bảo đảm hậu cần cho chiến dịch.

Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới, phải thường xuyên chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đó là nền quốc phòng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển theo hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Đặc biệt, phải thường xuyên chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; coi trọng xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị-tinh thần, ưu thế tuyệt đối của chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc; quan tâm xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học-công nghệ, tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, rộng khắp

Thực hiện chủ trương “động viên toàn dân, vũ trang toàn dân” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, trong Chiến dịch Tây Bắc, ta có điều kiện tập trung lực lượng tiến công địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, buộc địch phải điều lực lượng ứng cứu, tạo cơ hội cho ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ.

Vận dụng vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân phù hợp tình hình mới, phải thường xuyên chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, khoa học, tạo sức mạnh tổng hợp cao.

Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Làm tốt công tác quy hoạch và tiếp tục tăng cường xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng. Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, đặc biệt chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”. Bố trí các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương bảo đảm hợp lý. Phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự địa phương các cấp trong tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, tổ chức triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

Qua bảy năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang có bước trưởng thành lớn mạnh toàn diện. Trải qua các đợt học tập chính trị, huấn luyện quân sự, bộ đội ta nắm vững và sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị, thành thạo kỹ thuật, chiến thuật.

Trình độ tổ chức, chỉ huy của đội ngũ cán bộ tiến bộ rõ rệt; các hình thức chiến thuật được phát triển về lý luận và thực tiễn. Về quy mô, ta đã tiến lên đánh tập trung quy mô đại đoàn, có hiệp đồng giữa bộ binh, pháo binh và công binh. Đến năm 1952, ta xây dựng được sáu đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công pháo cùng một số trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc Bộ; bộ đội chủ lực ở các liên khu, phân khu và bộ đội địa phương, dân quân du kích phát triển toàn diện, rộng khắp. Sự trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang ba thứ quân là một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng Tây Bắc 1952.

Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phải tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý. Đặc biệt, phải quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Phải xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Giữ vững và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang.

Tăng cường công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, nhạy bén, quyết đoán trước mọi diễn biến của tình hình.

Xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội; phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao.

Tăng cường xây dựng chính quy kết hợp chặt chẽ với rèn luyện kỷ luật; nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật bảo đảm tốt cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, trở thành một trong những trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Vận dụng những bài học kinh nghiệm quý từ chiến thắng Tây Bắc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nhiệm vụ quân sự-quốc phòng; phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng, Tiến sĩ PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.

Phát động cuộc thi "Chữ đẹp Việt" cho học sinh tiểu học trên toàn quốc

Giáo dục  |  18:17 24/11/2024

Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11

Chính trị  |  13:43 24/11/2024

Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC