Trống đồng Tiên Nội I được tìm thấy vào ngày 23/12/1988 do ông Đinh Văn Nhân ở thôn Trì, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, trong quá trình đào đất đắp nền nhà ở cánh đồng Cầu Đất đã phát hiện ra. Ban đầu trống được lưu giữ tại UBND huyện Duy Tiên (hiện là thị xã Duy Tiên). Ngày 7/4/1997, Bảo tàng tỉnh Hà Nam được thành lập, UBND huyện Duy Tiên đã bàn giao chiếc trống cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị cổ vật. Trống đồng Tiên Nội I hiện nằm trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam và là 1 trong 9 chiếc trống đồng được phát hiện trên địa bàn thị xã Duy Tiên.
Trống đồng Tiên Nội I đang ở trong tình trạng khá tốt, có hình dáng cân đối, đề tài trang trí độc đáo. Trống có chiều cao gần 53cm, đường kính đáy là 69cm, đường kính mặt là 68,2cm, được phân biệt thành các bộ phận rõ ràng, bao gồm mặt trống và thân trống, trong đó, thân trống gồm các bộ phận như: tang, quai, lưng và chân trống.
Cũng giống như phần lớn các trống đồng loại Heger I được phát hiện ở Việt Nam, Trống đồng Tiên Nội I được trang trí nhiều băng hoa văn với nhiều mô típ. Chủ đề trang trí là hoa văn kỷ hà (hoa văn tam giác, chữ V, hình tròn tiếp tuyến, đường tròn đồng tâm, hồi văn, các đoạn thẳng song song, các đoạn thẳng chéo nhau song song) và tả thực (các băng trang trí động vật như chim, cá, bồ nông và con người). Tuy nhiên, phong cách trang trí trên mặt Trống đồng Tiên Nội I ở vành hoa văn số 7 lại thể hiện tính độc đáo khi lần đầu tiên được ghi nhận trên một trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam.
Chuyên gia về trống đồng Đông Sơn, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thành viên Hội đồng thẩm định cho biết: Sau khi khảo sát chúng tôi đều chung nhận định đây là chiếc trống đồng quý hiếm với hình tượng “băng hoa văn chim Lạc – Cá”, có thể nói là duy nhất trong số những trống đồng Đông Sơn được phát hiện cho đến nay. Hoa văn chim Lạc và cá ở vành 7 trên mặt trống đồng gợi lên nhiều ý nghĩa sâu xa về tư duy của người Việt cổ. Còn số 7 dường như thể hiện con số dương, con số của sự phát triển. Đó còn là triết lý âm dương kết hợp trong vũ trụ quan của người Việt cổ khi chim Lạc biểu hiện cho dương, con cá biểu hiện cho âm. Con cá không ở biểu hiện thường thấy là trong môi trường nước mà đã được đẩy lên không trung ở dưới mỏ chim Lạc. Mặt khác, 6 cặp chim Lạc – Cá cũng gợi liên tưởng về sự chuyển động của thời gian một năm 12 tháng cũng như ý niệm về hệ số đếm toán học xa xưa. Hoa văn đoạn thẳng song song, vòng tròn đồng tâm gợi liên tưởng nhận thức sơ khai về vũ trụ luận của người tối cổ.
Còn TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thành viên Hội đồng thẩm định lại nhận định: Sự độc đáo của Trống đồng Tiên Nội I còn tập trung ở vành 4 trên mặt trống vì chưa từng gặp trên bất kỳ một mặt trống đồng Đông Sơn nào. Với đồ án từng đôi chim Lạc được cách điệu hóa cao cùng họa tiết chữ S, hình tròn đồng tâm mà việc giải mã ý nghĩa của chúng cũng đang được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Cho đến nay, ở nước ta đã phát hiện và công bố hàng trăm chiếc trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn, Hà Nam là một trong những tỉnh phát hiện, bảo quản nhiều trống đồng Đông Sơn nổi tiếng nhất hiện nay (21 trống đồng), trong đó, tiêu biểu nhất là Trống đồng Ngọc Lũ. Các trống đồng được tìm thấy đã phần nào chứng minh quá trình chiếm lĩnh và khai phá đồng bằng của cư dân văn hóa Đông Sơn hơn 2.000 năm trước. Đây cũng là sử liệu vật thật có vai trò quan trọng giúp các nhà nghiên cứu hiểu biết hơn về bối cảnh lịch sử của vùng đất Hà Nam thời đại Hùng Vương.
Trống đồng Tiên Nội I đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam là hiện vật gốc độc bản. Hoa văn trang trí độc đáo, biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Tiêu bản trống còn có giá trị nghiên cứu về nhiều khía cạnh, như kỹ thuật đúc đồng, sự thành thạo trong pha trộn hợp kim của cư dân Lạc Việt.
Do đó, Trống đồng Tiên Nội I cùng với Bia đá chùa Giầu – tấm bia vừa mang giá trị thư tịch vừa có giá trị nghệ thuật trang trí độc đáo và duy nhất mà đến nay chưa phát hiện được tấm bia nào ở thời Trần có hình thức trang trí tương tự - hội đủ các điều kiện để đề nghị Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.