Sen muộn

Thư viện ảnh 05:07 30/07/2022 Giang Nam
Người trồng sen nói năm nay sen nở muộn, chẳng biết có phải do thời tiết. Người chơi sen thì bảo, hai năm rồi như vậy, đời sen rất ngắn. Giờ là cuối tháng 7, quỳ đang độ tàn, bách diệp cũng chẳng còn lộng lẫy. Đàn cá dưới ao sen như đã thấy được trời xanh. Người chơi sen, yêu sen, thích chụp ảnh sen cuối hạ phải mò mẫm đi tìm những ao, đầm sen mới.

Đầm sen muộn giờ mới bắt đầu khi sen ta đang độ tàn.

Nằm ở phía Tây thành phố Phủ Lý, đi qua con sông Nhuệ là đất Phù Vân, nổi tiếng với nghề trồng hoa. Những ngày cuối tháng 7, nắng vẫn vàng như nghệ, những tay chụp ảnh dịch vụ vẫn dẫn khách tìm về Phù Vân để chụp ảnh sen.

Một tay máy từ Hà Nội giới thiệu: “Mình đã đi một lượt ở Hà Nam, những đầm sen đẹp nhất ở Duy Minh, Hoàng Đông, Duy Hải của Duy Tiên hay bên Lam Hạ, Tiên Hải của thành phố… đều đang độ tàn, không còn hoa đẹp nữa. Chỉ còn đầm sen này hoa vừa nở như mới bắt đầu vào vụ.”

Đầm sen của vợ chồng anh Phạm Phúc Kiên, thôn 5, xã Phù Vân chỉ rộng hơn 7 sào Bắc bộ. Không giống các đầm sen khác, đầm này được cải tạo từ chân ruộng trũng, nước không nhiều, phù hợp với các loài sen cảnh, sen ngoại.

Chị Trần Thị Tứ và con gái hái sen trong chiều chuẩn bị phục vụ khách chụp ảnh.

Hai năm trước, vợ chồng anh Kiên bắt đầu đầu tư vào đầm sen này. Kinh nghiệm không có, tự học nơi này nơi kia, tự đặt mua củ sen từ Bình Định, Đồng Tháp, một số tỉnh xa gửi về. Giá cả đủ loại, từ 300 nghìn đồng/củ đến hơn 1 triệu đồng/củ… Theo hướng dẫn, anh chị trồng trên chậu, ra mầm thành cây rồi mới đem tra xuống ruộng.

Chị Trần Thị Tứ, vợ anh Kiên nói: “Cũng thất bại vài lần mới thành công. Giờ này năm ngoái, đầm sen này mới bắt đầu trồng. Bây giờ cho thu hoạch đúng lúc sen ta đang độ tàn. Nhưng vì là đầm mới nên nhiều khách vẫn chưa biết đến nhiều đâu…”

Anh Kiên cũng be bờ, bắc cầu tạo cảnh giữa đầm để khách thăm quan, chụp ảnh. Mỗi lượt vào đây, khách trả phí 50.000 đồng/người, chưa kể tính tiền hoa thuê nếu có nhu cầu. Khách yêu hoa có thể mua hoa tươi về cắm chơi. Chị Tứ bảo: “Sen muộn! Nhưng thực ra với giồng giống sen này, lúc nào cũng là bắt đầu. Nó nở quanh năm…”

Chị Tứ cắm hoa, tạo cảnh cho khách.

Những bông sen bách diệp đủ màu sắc: Hồng, đỏ, trắng, trắng xanh, cánh trắng viền hồng… Sức sống của nó cũng mạnh mẽ chẳng kém sen ta. Không gọi tên được hết các loại sen, chị Tứ gọi chung nó là “sen ngoại”. Sự hồn nhiên của người trồng sen đất này là vậy.

Nghe vợ chồng anh chị nói chuyện trồng hoa đến chuyển hướng sang thuê đất ruộng làm sen dịch vụ chẳng thấy gì mang tính “dự án”. Nó cứ bột phát, dù có tính toán cho chuyện làm ăn, nhưng vẫn chưa bài bản, chưa khoa học. Con đường vào đầm bé nhỏ rộng chừng hơn một mét, hai bên cỏ mọc, một con lươn rạch lối đi lởm chởm đất đá rộng chừng 40 phân. Tay lái nào cứng cáp mới đi xe máy vào đó mà không thấy sợ. Vì thế, lần thứ hai trở lại đầm sen này, tay máy ảnh người Hà Nội này chỉ đi xe máy cho tiện.

Dù vậy, cái hay đầm sen này là tạo cho người chơi một cảm giác thôn dã đến bình dị. Người ta  chỉ đi trên những bờ đầm, chủ nhân chưa kịp tác tạo nó giống như chốn này, chốn khác, khách chơi sen chân vấp vào cỏ, mắt thích thú nhìn những mầm sen mới đâm chồi lên mặt đất. Một cảm giác bứt phá, cố gắng để chiến thắng hoàn cảnh của loài cây này làm cho người thấy có thêm nghị lực và tình yêu với cuộc sống hơn.

Nhiều loại sen cùng nở trong một đầm.

Sen muộn. Giờ không còn cho ta một cảm thức tàn lụi về mùa nữa. Từ đầm sen này, nó mang đến cho ta một cái nhìn mới về sự bắt đầu. Muộn không phải là chuẩn bị kết thúc mà nó có thể là sự bắt đầu của một hành trình khác quy luật…

TIN MỚI CẬP NHẬT

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Quốc tế  |  06:11 23/11/2024

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.

Ghi nhận ở HTXDVNN Đồn Xá

Nông nghiệp  |  05:30 23/11/2024

Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam xây dựng trường học không khói thuốc

Xã hội  |  05:28 23/11/2024

Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC