Địa chí huyện Bình Lục: Thương mại - du lịch - tài chính - ngân hàng

Địa chí 05:19 08/06/2022 Địa chí huyện Bình Lục
Phần thứ ba – Kinh tế: Chương V. Thương mại - du lịch - tài chính - ngân hàng

CHƯƠNG V: THƯƠNG MẠI – DU LỊCH – TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG

A. Thương mại

1. Trước năm 1960, từ nền kinh tế tự cung tự cấp, hoạt động thương mại của huyện Bình Lục chủ yếu qua các chợ nông thôn. Sau năm 1960 cùng với việc cải tạo các thành phần kinh tế là cơ chế quản lý kế hoạch hoá. Hoạt động thương mại chủ yếu là thu mua và phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ theo các chính sách và phương thức phân phối. Nhà nước tăng cường công tác quản lý thị trường, cải tạo tiểu thương, ổn định giá cả. Thương mại hoạt động thông qua hệ thống các cơ sở quốc doanh và HTX mua bán. Từ năm 1972, lưu thông phân phối đã bắt đầu chuyển hướng sang chủ động sản xuất và kinh doanh. Mạng lưới HTX mua bán ổn định,  một số nơi đã tìm hàng để mua, tìm người để bán và kinh doanh có lãi. Ngành thương nghiệp nói chung và HTX mua bán nói riêng đã có cố gắng trong phục vụ sản xuất và đời sống. Việc thu mua nông sản, phân phối lương thực và các nhu cầu khác đảm bảo ổn định giá cả thị trường có tổ chức, đồng thời tham gia vào công tác xuất khẩu. Từ năm 1980 thương nghiệp quốc doanh và HTX mua bán được cùng cố thêm một bước về tổ chức và nâng cao ý thức phục vụ. Thu mua lương thực thực phẩm nông sản có chuyển biến, khai thác và  cung ứng vật tư cho sản xuất theo hướng phục vụ trực tiếp. Chỉ riêng thu mua nghĩa vụ lương thực cho nhà nước, bình quân 1976 -  1980 mỗi năm Bình Lục đóng góp 9000 tấn lương thực, năm 1981 đạt 12.236 tấn; khối lượng hàng hóa và doanh số cũng tăng lên 135 – 163 triệu/năm.

Giai đoạn 1986 -  1990 là giai đoạn chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang thực hiện cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, công tác phân phối lưu thông gặp nhiều bất cập, lúng túng. Các ngành phân phối lưu thông trong huyện đã chuyển đổi phương thức, quyên góp cổ phần để tăng vốn, sắp xếp lại tổ chức, lao động, khoán định mức cho từng bộ phận và nhân viên. Tinh thần thái độ phục vụ văn minh thương nghiệp có tiến bộ. Ngành lương thực sau khi chấn chỉnh sắp xếp lại cán bộ chủ chốt, bước đầu kinh doanh phục vụ có hiệu quả. Từ năm 1995, các thành phần kinh tế được khuyến khích hoạt động thương mại và dịch vụ theo cơ chế thị trường đã đáp ứng vượt nhu cầu của sản xuất và đời sống. Sức mua của nhân dân ngày một tăng, thương nghiệp tư nhân phát triển nhanh chóng. Các đơn vị thương mại quốc doanh dần thích ứng với cơ chế thị trường. Các xã trong huyện đã quan tâm cùng cố và mở rộng một số chợ nông thôn, hình thành thị tứ tạo điều kiện cho hoạt động thương mại phát triển. Hoạt động thương mại dịch vụ ngày càng sôi động. Đại hội đảng bộ Bình Lục lần thứ 24 năm 2000 đã xây dựng chỉ tiêu: giá trị dịch vụ thương mại chiếm 28 % GDP đến năm 2005, nhưng thực tế đã đạt 30 %, tăng 2 % so với mục tiêu đại hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân 5 năm từ 2010 – 2015 đạt 799 tỷ đồng/năm, riêng năm 2009 đạt 923 tỷ đồng, tăng 47 % so với năm 2005. Trong giai đoạn này huyện đã nâng cấp đưa vào sử dụng chợ Phủ, 10 chợ tại các xã và trung tâm thương mại thị trấn Bình Mỹ. 

Biểu so sánh tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ một số giai đoạn

Đơn vị tính: tỷ đồng

Sự sôi động và tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đã phản ánh xu thế tăng nhanh của thị trường nội địa và xu hướng phát triển nhanh của các hoạt động thương mại trên thị trường nội địa. Điều đó đã là nhân tố tác động quan trọng đối với phát triển hàng hóa và phát triển thị trường, khích cầu tiêu dùng và sức mua của nhân dân.

2. Hệ thống kinh doanh thị trường nội địa huyện Bình Lục

Từ sau năm 1960 cùng với sự phát triển của các HTX mua bán, các cơ sở thương nghiệp quốc doanh huyện Bình Lục ra đời, làm nhiệm vụ thu mua, phân phối hàng hóa vật tư cho sản xuất và phục vụ nhân dân theo chính sách. Mô hình tổ chức là các “ cửa hàng”. Toàn huyện có tám cửa hàng thương nghiệp quốc doanh:

1. Cửa hàng bách hóa tổng hợp

2. Cửa hàng vật tư nông nghiệp

3. Cửa hàng vật liệu chất đốt

4. Cửa hàng công nghệ thực phẩm 

5. Cửa hàng lương thực Bình Lục 

6. Cửa hàng lương thực cầu Sắt 

7. Cửa hàng lương thực Ngô Khê 

8. Cửa hàng dược phẩm Bình Lục

Từ năm 1980 thực hiện quyết định 217 của hội đồng bộ trưởng khuyến khích tự chủ trong sản xuất kinh doanh, chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh, các công ty lần lượt ra đời gồm:

1. Công ty thương nghiệp huyện sau đổi thành công ty thương mại huyện Bình Lục

2. Công ty vật tư nông nghiệp 

3. Công ty dược Bình Lục

4. Trạm ngoại thương

Từ năm 2000 –  2005, UBND tỉnh Hà Nam triển khai phương án đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước với các hình thức: cổ phần hóa, giao, bán, khoán doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước ở huyện Bình Lục quy mô nhỏ hầu hết áp dụng hình thức bán doanh nghiệp. Riêng công ty lương thực Bình Lục sáp nhập vào công ty lương thực Hà Nam Ninh để cổ phần hóa. Các công ty sau khi nhận mua doanh nghiệp đã tiến hành sắp xếp lại, tiến hành giao khoán cho cán bộ, nhân viên tự kinh doanh, thuê đất và thực hiện nộp thuế cho nhà nước. Khi chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, các HTX mua bán suy yếu dần và tự giải thể. 

Như vậy, đến nay lực lượng tham gia thương mại hoàn toàn do các công ty tư nhân và các hộ cả thể kinh doanh. Theo số liệu đăng ký kinh doanh từ phòng tài chính kế hoạch huyện thì đến 31/12/2019 số hộ đăng ký hành nghề buôn bán là 2104 hộ, số đăng ký hành nghề cung cấp dịch vụ là 192 hộ với tổng số vốn đăng  ký kinh doanh là 425.420 triệu đồng.

3. Cơ sở vật chất của thị trường nội địa

3.1. Thị tứ: chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng với sự phát triển của hoạt động giao thông đã hình thành một số khu vực tập trung buôn bán gọi là thị tứ. Nhiều hộ kinh doanh quy mô tương đối lớn, nhiều mặt hàng phục vụ cho cả vùng. Tuy chưa có tên chính thức về mặt hành chính, song có thể kể đến một số khu vực buôn bán ( gọi là thị tứ) lớn như sau:

Khu vực Dốc Mỹ xã Tràng An (đã được công nhận đô thị loại 5 năm 2019)

Khu vực Ngã tư Ba Hàng xã Tiêu Động (đô thị loại 5 năm 2019)

Khu vực Ngã tư Đô hai xã An lão (đô thị loại 5 năm 2019)

Khu vực cầu Họ xã Trung Lương

Ngoài ra còn có trung tâm thương mại thị trấn Bình Mỹ được xây dựng trên nền của cửa hàng bách hóa tổng hợp Bình Lục trước đây. Dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã và thậm chí cả đến từng thôn là một mạng lưới các hộ kinh doanh buôn bán từ vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc trừ sâu... đến hàng hóa phục vụ tiêu dùng cho nhân dân như lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ, điện tử, và các nhu cầu khác.

3.2. Hệ thống chợ

Trước cách mạng tháng 8, toàn huyện có 22 chợ nông thôn. Trong quá trình phát triển KTXH, một số chợ mai một đi. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư nâng cấp các chợ nông thôn. Năm 2011 đã cho xây dựng chợ đầu mối trung chuyển gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu (dân gian gọi tắt là chợ Lợn) hiện nay toàn huyện còn 11 chợ:

Chợ Sông (xã Tràng An)

Chợ Nội (xã Đồng Du)

Chợ Quắn (xã Hưng Công)

Chợ Chủ (xã Ngọc Lũ)

Chợ Vọc (xã Vũ Bản)

Chợ An Nội (xã An Nội)

Chợ Họ (xã Trung Lương)

Chợ Phủ (thị trấn Bình Mỹ)

Chợ Dằm (xã Tiêu Động)

Chợ An Lão (xã An Lão)

Chợ Lợn (xã Bối Cầu)

3.3.  Ngoài ra còn có hình thức mua bán hàng hóa qua mạng ( thương mại điện tử) đang phát triển cung cấp hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.

II. Xuất nhập khẩu

1. Xuất khẩu

Công tác xuất khẩu đã được đưa thành một mục tiêu của đại hội đảng bộ huyện Bình Lục lần thứ 13 ( từ ngày 12 – 14/10/2970) xác định rõ hàng hóa xuất khẩu là lợn sữa, gà thiến, ngỗng, thảm bẹ ngô, sừng, ren. Tuy số lượng hàng xuất khẩu không lớn nhưng hằng năm đã được tập trung chỉ đạo. Năm 1975, 1976 tập trung vào các mặt hàng mỹ nghệ, mành tre, trứng vịt và tinh dầu.

Năm 1977 diện tích trồng cây tinh dầu tăng lên 108 ha, Năm lò chưng cất tinh dầu được xây dựng, nhờ vậy kim ngạch xuất khẩu vượt  kế hoạch và tăng hơn năm trước 30,27%. Giai đoạn 1978 – 1979 ngoài tăng nhanh các mặt hàng truyền. Còn khai thác thêm mặt hàng mới như rũa cưa An Đổ, thảm mành Ngô Khê, trồng đay dệt thảm ở Ngọc Lũ, Bồ Đề; tận dụng diện tích trồng hương nhu, bạc hà, trưng cất tinh dầu. Tổng giá trị kim ngạch tăng 30,7%. Hai năm 1984 – 1985 tổng giá trị bình quân 18.428.000 đồng tăng 2,82 lần năm 1982. Giai đoạn 1986 - 1988 xuất khẩu đã trở thành một chương trình lớn của đại hội đảng bộ huyện, đạt chỉ tiêu cả về sản phẩm và hiệu quả, nhất là xuất khẩu dược liệu và hàng thủ công mỹ nghệ. Diện tích trồng cây có sản phẩm xuất khẩu được mở rộng như khoai tây 336 ha, đậu 150 ha, lạc 274 ha, dược liệu 48 ha. Tổng diện tích làm hàng xuất khẩu ổn định trên 828 ha năm 1988, tăng 15% so với năm 1986; quản lý 5000 cây nhãn có giá trị xuất khẩu cao và phát động phong trào trồng cây tinh dầu, dành diện tích cấy các giống đặc sản tám nếp để tạo hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời liên doanh liên kết với các địa phương khác để lấy nguyên liệu tổ chức gia công chế biến hàng xuất khẩu. Bên cạnh mặt hàng then chốt như long nhãn, lạc vỏ, dược liệu, đã phát triển thêm nhiều mặt hàng mới như khăn mặt, thêu ren, hạt cườm đeo cổ, vòng ngà đeo tay vv...Năm 1988 tổng giá trị xuất khẩu tăng ba lần so với năm 1987. Công tác xuất khẩu đã mở ra triển vọng bổ sung ngân sách địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, tận dụng lao động, thúc đẩy các ngành nghề thủ công phát triển, đồng thời phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Hình thức xuất khẩu trong giai đoạn này là ủy thác và mua đứt bán đoạn. Ngoài trạm ngoại thương huyện thu mua hàng xuất khẩu còn có công ty dược tham gia thu mua hàng dược liệu xuất khẩu. Do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ nên khi mất thị trường truyền thống là các nước Đông âu và Liên Xô cũ, Thị trường xuất khẩu không còn. Công tác xuất khẩu của huyện Bình Lục khó khăn.

Thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, xác định rõ vai trò vị trí của doanh nghiệp tư nhân, huyện Bình Lục tích cực xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, đầu tư vào các cụm công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp, may mặc. Hàng nông sản như dưa chuột, hàng thủ công mỹ nghệ như thêu ren, sừng chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Bình quân 5 năm 2005 – 2010 là 1.050.000 USD tốc độ tăng 16 %/năm, Riêng năm 2009 đạt 1.102.000 USD tăng 50% so với năm 2005. Bình quân 5 năm 2010 – 2015 giá trị xuất khẩu 5,06 triệu đô la tăng 5 lần so với bình quân năm năm 2005 – 2010. Năm 2020 giá trị xuất khẩu là 25 triệu USD tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2015 đến 2020 là 18,9 %/năm.

Biểu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu

2. Nhập khẩu

Từ sau năm 2005 các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện, giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng dần. Hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư, thiết bị, trong đó chủ yếu là ngành may mặc.

III. Các luồng hàng hoá

1. Các luồng hàng hoá bán ra ngoài địa bàn huyện

Là huyện nông nghiệp nên hàng hóa ra ngoài huyện là hàng nông sản như lúa gạo, thịt lợn, gia cầm, rau, trong đó chủ yếu là thịt lợn do các tư nhân thu gom phát luồng chủ yếu vào thị trường Hà Nội và xuất khẩu sang Trung Quốc. Các sản phẩm công nghiệp lưu thông ra khỏi địa bàn huyện chủ yếu là hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ. Nói chung hàng hóa bán ra ngoài địa bàn huyện khối lượng không lớn, giá trị thấp.

2. Các luồng hàng hóa từ bên ngoài vào Huyện: đời sống người dân dần được nâng cao, công nghiệp đang phát triển, Bình Lục là một thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng tương đối lớn. Các mặt hàng thiết yếu thông thường như lương thực, thực phẩm, hoa quả, muối, dầu, vải, giấy vở học sinh, đồ dùng gia đình; các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như tivi ,tủ lạnh, điện thoại, điên tử , các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu; các hàng hóa nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp vv...

Hàng công nghiệp tiêu dùng cung ứng cho thị trường huyện Bình Lục chủ yếu là các nguồn hàng sản xuất từ trong nước, có một phần nguồn gốc từ Trung Quốc qua các cơ sở đại lý của nhà sản xuất hoặc tư nhân thông qua các tuyến cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh. Hàng xăng dầu vật tư nông nghiệp do các công ty nhà nước hoặc các nhà máy sản xuất cung ứng thông qua các đại lý, doanh nghiệp tư nhân. Hàng hóa nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp do các nhà máy hợp đồng với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp khác.

Nói chung hàng hóa từ bên ngoài vào địa bàn huyện đa dạng, khối lượng lớn hơn rất nhiều so với hàng hóa từ việc bán ra và không mang tính trung chuyển mà phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng của dân cư trong huyện.

B. Du lịch

Huyện Bình Lục có thắng cảnh là núi Nguyệt Hằng xã An Lão, có di tích văn hóa là từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến, các di tích lịch sử như đình Triều hội xã Bồ Đề, nhà thờ Bác Hồ tại Cát Tường xã An Mỹ; có làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai xã An Lão. Nhưng chưa có hoạt động du lịch. Hiện nay xung quanh địa bàn huyện có nhiều khu du lịch hấp dẫn và dịch vụ chất lượng cao, mặt khác trong huyện cũng chưa có tổ chức cá nhân nào kinh doanh du lịch. Do vậy du lịch mới chỉ là tiềm năng.

C. Tài chính, tín dụng

Bình Lục là huyện thuần nông nên nguồn thu ngân sách rất hạn chế. Mặt khác do khó khăn chung của cả tỉnh nên nguồn thu trợ cấp từ ngân sách cấp trên không nhiều. Mặc dù vậy trong suốt quá trình phát triển kinh tế xã hội, công tác tài chính luôn đáp ứng kịp thời. Sự nghiệp giáo dục, y tế, chính sách xã hội là những lĩnh vực luôn được quan tâm ưu tiên trong cơ cấu chi thường xuyên của ngân sách. Những năm gần đây, bên cạnh các lĩnh vực trên chi ngân sách còn tập trung cho đầu tư phát triển. Trong đó chi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thủy lợi để thúc đẩy các ngành phát triển theo hướng hiện đại hóa. Chi cho sự nghiệp kinh tế, đầu tư hỗ trợ làng nghề và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chi nuôi dưỡng nguồn thu để tăng cường thu cho ngân sách xã. Số lượng và tỷ trọng các khoản chi được thể hiện trong biểu sau: 

Biểu chi ngân sách một số năm. Đơn vị tính: triệu đồng

Nguồn: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bình Lục

Về thu ngân sách: mặc dù đối tượng thu trên địa bàn không nhiều, song huyện rất chú trọng công tác thu ngân sách. Ngay từ năm 1984 – 1985 huyện đã xác định tài chính, tiền tệ, tín dụng cố gắng khơi tăng nguồn thu, mạnh dạn đầu tư cho các cơ sở sản xuất kinh doanh đúng hướng nhằm xây dựng huyện thành một cấp ngân sách. Tuy vậy do nhu cầu chi rất lớn, nên từ đó tới nay chưa năm nào thu trên địa bàn cân đối với nhiệm vụ chi, nhất là từ khi miễn giảm thuế nông nghiệp theo di chúc của Hồ chủ tịch. Từ năm 2005, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần dân phát huy tác dụng. Số lượng doanh nghiệp và dân doanh đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ trên địa bàn phát triển nhanh, nguồn thu ngân sách cũng tăng nhanh. Năm 2009 số thu trên địa bàn đạt 30,244 tỷ đồng tăng 128 % so với năm 2005; Bình quân 5 năm 2005 – 2010 tăng 25,6%; 2010 - 2015 tăng 16,5; 2015 - 2020 tăng bình quân 11,9% so với cùng giai đoạn trước. Về cơ cấu các khoản thu năm 2010 số thu từ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh hàng hóa chỉ chiếm 12,98%, đến năm 2019 đã đạt 41%, xu hướng tỷ trọng ngày càng tăng; tuy nhiên nguồn thu ngân sách chưa thật ổn định vì khoản thu không thường xuyên như tiền sử dụng đất vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách địa phương: Năm 2010 thu tiền sử dụng đất chiếm 85,02%; năm 2019 chiếm 26,7%, xu hướng tỷ trọng ngày càng giảm.

Biểu số liệu thu ngân sách các năm. Đơn vị: triệu đồng

Nguồn: Chi cục Thuế Bình Lục

D.  Tín dụng ngân hàng

Ra đời ngay sau khi hệ thống tài chính và ngân hàng được nhà nước thành lập, chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn là ngân hàng duy nhất trên địa bàn. Cùng với hệ thống hợp tác xã tín dụng, chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã có đóng góp tích cực vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Đến năm 1996 ngân hàng người nghèo được thành lập nằm trong ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, với sự chỉ đạo của hội đồng quản trị ngân hàng người nghèo, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Năm 2003 phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện được thành lập, hoạt động của ngân hàng người nghèo tách khỏi chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Từ ngày 1/4/2009 ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức lại hệ thống, chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Lục trực thuộc chi nhánh Hà Nam 2 (tên gọi Agribank chi nhánh Hà Nam 2). Đến thời điểm 31/12/2019 trên địa bàn huyện Bình Lục có bốn tổ chức tín dụng

    1. Agribank chi nhánh huyện Bình Lục trực thuộc Agribank chi nhánh Hà Nam 2

     2. Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện

     3. Quỹ tín dụng nhân dân xã Ngọc Lũ

    4. Quỹ tín dụng nhân dân xã Bồ Đề.

    5. Phòng giao dịch ngân hàng Liên Việt.

Hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên cơ sở huy động vốn tiết kiệm của các thành viên và cho vay các món vay nhỏ, thủ tục nhanh gọn, gần gũi với người dân. Phòng giao dịch ngân hàng Liên Việt làm nhiệm vụ huy động vốn, tiếp nhận hồ sơ vay của các đối tượng để trình ngân hàng Liên Việt duyệt vay.Agribank chi nhánh huyện Bình Lục và phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện đều có các điểm giao dịch tín dụng ở tất cả các xã để thuận tiện cho việc huy động tiền gửi và cho vay các đối tượng.

Trụ sở Agribank chi nhánh huyện Bình Lục.

I. Agribank chi nhánh huyện Bình Lục

1. Mạng lưới hoạt động: gồm có trung tâm agribank huyện và hai phòng giao dịch:

 - Trung tâm Agribank huyện : quản lý và phụ trách kinh doanh tại 10 xã thị trấn gồm Tràng An, Bình Nghĩa, An Đổ, Trung Lương, Bối cầu, Mỹ Thọ, Đồn Xá, An Mỹ, Đồng Du và thị trấn Bình Mỹ.

- Phòng giao dịch Tiêu Động: quản lý và phụ trách kinh doanh tại 3 xã: La Sơn, An Lão, Tiêu động.  

 - Phòng giao dịch Ngọc Lũ quản lý và phụ trách kinh doanh tại 6 xã: Hưng Công, An Ninh, Vũ Bản,  An nội, Bồ Đề, Ngọc Lũ.

2. Hoạt động kinh doanh (thời điểm 31/12). 

Đơn vị: triệu đồng

3. Dư nợ cho vay theo ngành kinh tế (đến 31/12/2019)

Tổng số khách hàng đến 31/12/2019 là 6.183 trong đó pháp nhân là 27 và hộ sản xuất và cá nhân 6.156 khách hàng

II. Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Bình Lục

1. Tổ chức mạng lưới

Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội là đơn vị trực thuộc chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội huyện, do phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện làm trưởng ban, thành viên là thủ trưởng các ban ngành đoàn thể; thành lập hai tổ giao dịch lưu động đặt lịch trực cố định tại các điểm giao dịch tín dụng ở tất cả các xã thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Cơ chế hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội là ủy thác bán phần cho các hội đoàn thể nhằm tiết kiệm chi phí và phát huy sức mạnh tổng thể của xã hội vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt các chính sách xã hội. Ủy ban nhân dân các xã thị trấn và các hội đoàn thể đã thành lập 328 tổ tiết kiệm và vay vốn. Phòng giao dịch phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức tập huấn cho các cán bộ hội và ban quản lý tổ hiểu quy trình vay, để từ đó thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi, chuyển tải đồng vốn đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng thuận tiện, nhanh chóng, đồng thời cũng huy động tiết kiệm. Đối tượng cho vay thuộc tám chương trình tín dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay để giải quyết việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo quyết định 167 và quyết định 33 của thủ tướng chính phủ.

2. Về hoạt động

a. Theo báo cáo của phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện từ hai chương trình tín dụng năm 2003  đến 30/6/ 2017 nguôn vốn đã tăng từ 22.048.triệu đồng lên 269.763.triệu đồng cho 8 chương trình, tăng 12,2 lần, trong đó:

+ nguồn từ ngân sách trung ương: 3060 triệu, chiếm, 1,13 %; 

+ nguồn cân đối từ trung ương để cho vay các chương trình tín dụng :245.295 triệu chiếm 90,92 %;

+ nguồn huy động tiết kiệm tại địa bàn 21.428 triệu đồng chiếm 7,94%; trong đó huy động qua tổ tiết kiệm và vay vốn là 6.679 triệu đồng.

Tổng doanh số cho vay 773.797 triệu đồng. Số lượt hộ được vay 43.671 lượt hộ. Mức bình quân cho vay một lượt hộ 15 năm là 17,7 triệu đồng. 

Tổng dư nợ đến 30/6/2017 là 248.354 triệu đồng:

Mức dư nợ bình quân các chương trình tín dụng trên một hộ được nâng lên: Năm 2003 là 5,9 triệu đồng/hộ, đến 30/6/2017 là 27 triệu đồng/ hộ, tạo điều kiện cho các hộ chủ động mua sắm vật tư, con giống phục vụ cho phát triển kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu ngày càng giảm: năm 2004 là 0,75 %SD trên tổng dư nợ thì đến 30/6/ 2017 là 0,12%.

Việc uỷ thác qua các hội đoàn thể: phòng giao dịch huyện đã ký hợp đồng uỷ thác bán phần qua các hội đoàn thể là: hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Tổng dư nợ uỷ thác đến 30/6/2017 là 247.814 triệu đồng chiếm 99,8% tổng dư nợ tăng 22.386 triệu đồng so với năm 2003. Kết quả thực hiện kế hoạch thu nợ, thu lãi qua các năm đều thực hiện tốt. Tỷ lệ thu nợ, thu lãi đều đạt 99,9%. 

b. Tình hình thực hiện năm 2019

Biểu 1: Về nguồn vốn và cho vay 2019

Đơn vị tính: triệu đồng

Biểu 2: Dư nợ các chương trình tín dụng

Đơn vị tính: triệu đồng

Biểu 3: Về hoạt động ủy thác

Đơn vị tính: tổ, hộ, triệu đồng

Tổng dư nợ ủy thác cho hội đoàn thể quản lý 314.741 triệu đồng chiếm chiếm 99,85% tổng dư nợ; tăng 39,396 triệu đồng so với năm 2018.

3. Về hiệu quả kinh tế xã hội

 Hoạt động tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội đã thực sự xã hội hóa, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, gắn bó nhân dân với chính quyền, gắn bó các hội viên với hội đoàn thể. Vốn vay đã góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề, phát triển sản xuất. Vốn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội đã lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kĩ thuật tăng năng suất, tăng thu nhập để hộ nghèo không những được thoát nghèo mà còn có thêm kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật trong làm ăn. Cũng theo báo cáo của phòng giao dịch ngân hàng chính sách huyện Bình Lục, trong 15 năm từ 2003 đến 2017 có 43.661 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, thì 10.898 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 5.077 lao động được tạo việc làm, 181 lao động đi lao động ở nước ngoài, 2.421 học sinh sinh viên được vay vốn đi học; 7.941 công trình cung cấp nước sạch, 7.943 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh và 330 ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng. Chính sách tín dụng ưu đãi của đảng và nhà nước đã góp phần thu hẹp khoảng cách giầu nghèo trên địa bàn và xây dựng nông thôn mới.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC