Để đảng viên không còn “ngại” phê bình

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 05:19 03/06/2022 Thiên Phương
Tự phê bình và phê bình vừa là nguyên tắc vừa là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng, giúp Đảng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Để thực hiện tốt nguyên tắc này cần phải làm cho cán bộ, đảng viên không còn “ngại” phê bình, dám nói thẳng, nói thật để cùng tiến bộ và phát triển. 

Hiện tượng dễ gặp trong sinh hoạt đảng

Khá nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, phải xử lý nghiêm khắc. Đa số những người này có vi phạm kéo dài với nhiều hành vi. Đồng chí, nhân viên là những người trực tiếp chịu tác động hoặc được chứng kiến các sai phạm đó nhưng vẫn không mạnh dạn góp ý, phê bình. Chính vì không được thẳng thắn góp ý, phê phán nên những cán bộ, đảng viên đó càng “tự tung tự tác”, sai phạm nối tiếp nhau, “cái sảy nảy cái ung” dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, dẫn đến không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của cán bộ, đảng viên, để xảy ra sai phạm kéo dài và nghiêm trọng. Chi bộ, cấp ủy là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên. Người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi hiểu rõ tính cách cũng như những việc làm của nhau. Điều đáng nói là ở những tổ chức đảng đó cấp ủy, chi bộ, đồng nghiệp lại “không biết”, hoặc biết rõ nhưng “ngại” không đấu tranh phê bình. 

Nguyên nhân thường gặp ở những yếu kém trong tự phê bình và phê bình là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, tự phê bình và phê bình chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, nhìn “ngang” và nhìn từ “dưới lên” cũng còn hiện tượng phổ biến là cán bộ, đảng viên (thường) nói chung “ngại” phê bình, phê bình “xuê xoa”. Tình trạng “ngại” phê bình, “ngại nói thật” trong sinh hoạt chi bộ và cả sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ vẫn khá phổ biến. Điều đó làm cho việc phê bình không còn đúng thực chất và mất đi ý nghĩa, thậm chí phê bình chỉ còn là hình thức để cho “đẹp” cuộc họp (!). Đảng đã nhìn rõ hiện tượng này và yêu cầu đấu tranh khắc phục.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. Nghị quyết cũng nêu: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”. 

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng thẳng thắn đánh giá: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm...

Những ai thường không phê bình hoặc “ngại” phê bình

Nhìn từ bên ngoài, có hai loại cán bộ, đảng viên không phê bình và “ngại” phê bình: 

Những người không phê bình nhau thường có chung mối lợi ích (một dạng “nhóm lợi ích”), “cùng hội cùng thuyền”, cùng “đích đến” (thường là mờ ám, không chính đáng). Điều đương nhiên là những người cùng “hội”, nhóm thì không cần phê bình nhau nghiêm túc bao giờ (!) mà thường là nâng đỡ, tạo điều kiện, bao che nhau trong những hoạt động vi phạm. Những vụ việc được Ủy ban kiểm tra các cấp đưa ra đề nghị kỷ luật gần đây đã chứng tỏ: Khi một tập thể đã mất sức chiến đấu do hoàn toàn không có tự phê bình và phê bình đúng nghĩa thì chuyện “đồng lõa với nhau, ăn cắp của Nhà nước”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vạch rõ, sẽ không được ngăn chặn kịp thời và là điều tất yếu diễn ra. Tổ chức đảng ở những cơ quan, tổ chức đã bị tha hóa thường có sự “đồng thuận”, “đoàn kết” cho đến khi sai phạm bị phát hiện.

Dạng thứ hai là số đông hơn các cán bộ, đảng viên “ngại” phê bình, “mũ ni che tai”, “việc ai nấy làm”. Họ “ngại” góp ý với đồng chí, đồng nghiệp, nhất là với cấp trên do sợ mất lòng, sợ bị trù dập, sợ quy chụp là gây mất đoàn kết, sợ bị hiểu sai hoặc đơn giản là tâm lý không muốn va chạm, muốn “dĩ hòa vi qúy”, “an phận thủ thường”. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình có ở nhiều nơi. Trong sinh hoạt ở chi bộ, cơ quan, đảng viên không dám nói sự thật vì sợ bị trù dập nên xảy ra tình trạng nói khác nhau trong và ngoài cuộc họp, tạo ra những luồng dư luận không tốt. Sự mất đoàn kết, “bằng mặt không bằng lòng” được che đậy bằng sự đồng thuận, đoàn kết giả tạo. Sự thờ ơ, vô cảm trước những việc sai trái, biết rõ những sai phạm, khuyết điểm của đồng nghiệp, đồng chí mà không thẳng thắn góp ý, phê bình dẫn đến nhiều hệ lụy. Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm tiếp tục vi phạm dẫn đến suy yếu tổ chức, ảnh hưởng sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của tổ chức đảng.

Để cán bộ, đảng viên không còn “ngại” phê bình

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; trong đó nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”.

Nguyên nhân chính của hiện tượng “ngại” phê bình, nể nang, né tránh là do vẫn còn áp lực về “sự an toàn” đối với bản thân người đấu tranh, góp ý phê bình. Họ còn “sợ” những quyền lợi liên quan của mình sẽ bị ảnh hưởng, sợ ý kiến của mình sẽ trở nên đơn độc, sợ bị quy kết về động cơ phê bình… Vì thế nên họ chọn phương án “im lặng là vàng” hoặc phê bình theo kiểu xuôi chiều “không ảnh hưởng đến ai”. Phải tháo bỏ được áp lực này mới có thể giải thoát được tâm lý “ngại” phê bình. Phải phát huy được dân chủ trong sinh hoạt đảng để cán bộ đảng viên chủ động, tự giác, dám nói thẳng, nói thật để việc phê bình và tự phê bình đúng với thực chất và thực hiện được mục tiêu là sự vững mạnh và tiến bộ của tổ chức đảng.

Để làm được điều đó, chúng ta có thể nhớ lại bài báo Cái chìa khoá vạn năng (đăng Báo Nhân Dân ngày 25/3/1967) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nêu tình trạng một số đơn vị hợp tác xã, xí nghiệp ở Quảng Bình, Hà Tây, Hà Nội gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng “nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra việc dễ”, Người rút ra kết luận: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” (1). Điều này có thể kiểm chứng “Đúng” trong mọi công việc. 

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả, điều rất quyết định chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nguyên tắc dân chủ. Chính sự quan liêu, chuyên quyền, độc đoán (chủ yếu từ người đứng đầu) tại những tổ chức đảng đã làm xấu đi tính dân chủ trong việc tự phê bình và phê bình, dẫn đến đảng viên “ngại” va chạm, “ngại” phê bình. Mất dân chủ, khiến cho đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình… Chỉ khi đội ngũ cán bộ, những người đứng đầu nhận thức đúng và dũng cảm nêu gương trong tự phê bình và phê bình thì tổ chức, tập thể mới có không khí dân chủ, biết và dám nói thẳng, nói thật. Trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy phải có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng ưu, nhược điểm của các cấp ủy viên, các đảng viên, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt để kịp thời sửa chữa sai sót, yếu kém. Nhất thiết việc sửa chữa cần “nói phải đi đôi với làm”, phải nghiêm túc sửa chữa ngay sau khi tự phê bình và phê bình. Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong sinh hoạt đảng sẽ giúp làm chuyển biến tâm ý “ngại” phê bình sẵn có trong mỗi cá nhân đảng viên. Bên cạnh đó, điều quan trọng cần thiết là phải hoàn thiện các chế tài, quy định để thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở các cấp, trong đó cần có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình đúng.

Cùng với vai trò gương mẫu của người đứng đầu thì các cấp ủy, tổ chức đảng cần đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình. Nội dung tự phê bình và phê bình phải là những vấn đề cụ thể, sát thực đối với công việc chuyên môn, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan cũng như đời sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên. Cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo, “thấu tình, đạt lý”. Nếu chỉ dùng phương pháp cứng nhắc, mệnh lệnh, ép buộc sẽ có tác dụng ngược lại, thậm chí còn gây hậu quả xấu.

* *        *

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một luận điểm có tính nhân văn sâu sắc: “Phê bình cho đúng để trị bệnh cứu người”. Trong Sửa đổi lối làm việc (10/1947), Người còn chỉ rõ: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.  Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!” (2). 

Chúng ta tâm niệm những điều đó để dũng cảm tự phê bình, để không còn “ngại” phê bình. “Liều thuốc” đó có thể không “ngọt” như những lời nịnh nọt ve vuốt thường thấy, nhưng có thể “chữa” được “bệnh” nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân – căn nguyên của mọi chứng “bệnh” gây hại cho đạo đức cách mạng.

__________________________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 15, tr. 325  2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập – Sđd, Tập 5, tr. 301 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC