Tháo gỡ khó khăn trong thi hành án tín dụng, ngân hàng

An ninh 05:15 03/05/2022 Thanh Vân
Công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng có vai trò quan trọng trong xử lý “bài toán” nợ xấu. Những năm qua, số vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng mà các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn Hà Nam phải tiếp nhận chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng án phải thi hành, nhưng số tiền phải giải quyết chiếm tỷ lệ rất cao. Do đó, cần nhiều hơn những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc giá trị lớn, phức tạp.

Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh Hà Nam, tính từ tháng 10/2021 đến nay, toàn tỉnh có 75 vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, chiếm 3,52% tổng số việc phải giải quyết, nhưng số tiền tương ứng lên đến trên 1.080 tỷ đồng, chiếm 90,99% tổng số tiền. Đến hiện tại, các cơ quan THADS đã thi hành xong hoặc tạm đình chỉ, ủy thác 14 việc, tương ứng với số tiền hơn 663 tỷ đồng (đạt 65,06% về tiền trên tổng số phải thi hành).

Thực tế cho thấy, việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng hiện nay chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng quá trình thi hành án lại mất rất nhiều thời gian. Việc này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó đến từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao.

Theo ông Đinh Văn Tú, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Cục THADS tỉnh, hầu hết các vụ việc thi hành án đều phải thực hiện biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng. Đa số trường hợp người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách, như cố tình không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, cản trở việc cưỡng chế kê biên thi hành án (cố tình vắng mặt, có những lời lẽ, hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm chấp hành viên công chức thi hành án), đưa tài sản là động sản (phương tiện giao thông) đi khỏi địa phương gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc truy tìm tài sản.

Cán bộ Cục THADS tỉnh Hà Nam trao đổi rà soát, xác minh vụ việc.

Những trường hợp đối tượng phải thi hành án là những doanh nghiệp thì khi đến giai đoạn thi hành án, các doanh nghiệp hầu như đã ngừng hoạt động, người đại diện theo pháp luật bị đi tù; hoặc doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật nên họ không hợp tác, thường xuyên thay đổi địa chỉ, trốn tránh nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Đơn cử như vụ việc giữa Công ty TNHH Sông Đà Việt Đức Hà Nam với Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank) với số tiền phải thi hành hơn 629 tỷ đồng. Đây là số tiền phải thi hành án lớn, giá trị tài sản bảo đảm ban đầu xấp xỉ 900 tỷ đồng, đến năm 2016 định giá lại chỉ còn 402 tỷ đồng, thời điểm hiện tại chưa có định giá cụ thể về giá trị tài sản bảo đảm còn lại. Trong khi đó, đại diện theo pháp luật của công ty hiện không có mà ủy quyền cho luật sư.

Bên cạnh đó, những năm qua, mặc dù hệ thống các quy định của pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác thực thi nhiệm vụ của các chấp hành viên.

Ví dụ trong Khoản 1 Điều 74 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì chấp hành viên không có quyền tự xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Nhưng Điểm C Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/NĐ-CP (18/7/2015) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS quy định “Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết”.

Như vậy, trong trường hợp phân chia xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định pháp luật, cơ quan thi hành án phải phụ thuộc vào kết quả phân chia của tòa án thì mới có thể tiếp tục tổ chức việc thi hành án.

Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa phối hợp trong việc nhận tài sản bán đấu giá không thành để đổi trừ vào khoản được thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Một số trường hợp việc thẩm định nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ dẫn đến giai đoạn thi hành án khó khăn, kéo dài, như: quy trình thẩm định cho vay, lập hồ sơ cho vay vốn. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định ký nguồn gốc giá trị tài sản hoặc thẩm định cao hơn thực tế. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng lượng án tồn chuyển kỳ sau của các đơn vị thi hành án đối với loại vụ việc này.

Nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên, từ tháng 8/2015, Cục THADS tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Nam đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành. Thời gian qua, hai bên đã trao đổi, cung cấp thông tin cho nhau trong công tác xử lý nợ xấu; phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cùng với đó, Cục THADS tỉnh còn chú trọng các biện pháp thuyết phục, tuyên truyền đương sự tự nguyện thi hành án, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. 

Thời gian tới, Cục THADS tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Nam có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan THADS trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vướng mắc xảy ra. Trong trường hợp tài sản để lâu không bán đấu giá được, đề nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để bảo đảm quá trình thi hành án.

Với những giải pháp đồng bộ đang được thực hiện hy vọng sẽ góp phần giải “bài toán khó” trong thi hành án tín dụng, ngân hàng, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án trong năm.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

Kinh nghiệm 'xương máu' giúp lái xe an toàn khi đi ngược nắng

Ô tô - Xe máy  |  05:28 23/11/2024

Việc phải lái xe ở những cung đường bị nắng "xiên khoai" là điều không mấy dễ chịu với cánh tài xế, ngay cả vào thời điểm đầu mùa đông như hiện nay.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC