Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số

Chính trị 13:22 27/04/2022 Nguyễn Oanh
Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp thứ hai của Uỷ ban đánh giá tình hình triển khai chuyển đổi số trong quý I/2022.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu các Bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ còn có các thành viên của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; các thành viên của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thực hiện chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Đến hết quý I/2022, 100% bộ, ngành, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 công chức, viên chức; mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số.

Về phát triển Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện; 96,73% xã trên toàn quốc. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được khai thác hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong quý I/2022 tăng khoảng 26 lần so với quý I/2021. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,33% tổng số thủ tục hành chính); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ là 17,17%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%. Đến nay, 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh; 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai dịch vụ phản ánh hiện trường giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa người dân với chính quyền…

Trong quý I/2022, kinh tế số của Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng doanh thu kinh tế số ước đạt khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 2/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021. Trong quý I/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx.vn; Bộ Tài chính triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng…

Trong thực hiện xã hội số, với quan điểm “Lấy người dân là trung tâm”, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn, định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Theo đó, các ứng dụng phục vụ liên lạc zalo, giao hàng Viettel Post, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử; các nền tảng số phục vụ công tác giáo dục… được sử dụng ngày càng rộng rãi.

Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận của đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ kết quả triển khai cũng như những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện chuyển đổi số của Bộ, ngành, địa phương trong quý I/2022. Trong đó, chỉ rõ, một số ngành lĩnh vực chưa phát huy hết tiềm năng, sức mạnh thúc đẩy chuyển đổi số, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Cơ quan nhà nước các cấp còn khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn; chất lượng cung cấp DVCTT, hiệu quả sử dụng DVCTT còn chưa cao, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện chuyển đổi số và đã đạt được kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần khắc phục hạn chế còn tồn tại, nhất là hạn chế trong xây dựng công dân số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần huy động mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, liên tục đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số thời gian tới. Trong đó, cần lựa chọn các nội dung, mục tiêu triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả bền vững, tránh phô trương, hình thức.

Các Bộ, ngành kiện toàn bộ máy tổ chức, thực hiện quá trình chuyển đổi số khả thi, hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực; các địa phương cần triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong thực hiện chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện quy chế quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng và phổ biến các tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công cho chuyển đổi số trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.

Phát động cuộc thi "Chữ đẹp Việt" cho học sinh tiểu học trên toàn quốc

Giáo dục  |  18:17 24/11/2024

Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11

Chính trị  |  13:43 24/11/2024

Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC