Phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở

Xây dựng Đảng - Chính quyền 05:27 28/04/2022 Thế Vĩnh
Những năm qua, hoạt động của ban thanh tra nhân dân (TTND) và ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) đã đem lại những hiệu quả thiết thực góp phần phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ cũng như vai trò chủ động, tích cực của nhân dân trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Hà Nam. 

 

Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Hà Nam. 

P.V:  Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật về hoạt động của mạng lưới ban TTND và ban GSĐTCCĐ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?

Ông Trần Văn Thành: Trải qua từng giai đoạn cách mạng cụ thể, quan điểm của Đảng về vai trò của MTTQ trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được nâng lên và được cụ thể trong nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, tạo cơ sở để phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc đại diện và tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm những quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân không bị xâm phạm. 

Trong bối cảnh chung đó, hoạt động giám sát của ban TTND, ban GSĐTCCĐ là một trong những phương thức giám sát của MTTQ Việt Nam ở cơ sở hiện nay và được thực hiện theo Luật Thanh tra năm 2010, Luật Đầu tư công năm 2020, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ (trước đây thực hiện theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ) và Thông tri số 25/TTr-MTTQ-BTT, ngày 10/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ tại xã, phường, thị trấn). 

Nhờ có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, đến nay toàn tỉnh có 109 ban TTND xã, phường, thị trấn (với tổng số 1.093 thành viên); 296 ban GSĐTCCĐ (với 1.790 thành viên) do ban thường trực ủy ban MTTQ cấp xã ra quyết định thành lập để thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định của pháp luật tại cơ sở và các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, vai trò hướng dẫn trực tiếp của ủy ban MTTQ cấp cơ sở, các ban TTND, ban GSĐTCCĐ đã phát huy vai trò giám sát của nhân dân, bám sát chương trình công tác của MTTQ, nghị quyết của HĐND cấp xã, tổ chức thực hiện tốt hoạt động giám sát, góp phần quan trọng vào thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và bảo đảm công khai, minh bạch đối với những nội dung nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát. 

5 năm qua, các ban TTND cấp xã trong toàn tỉnh đã tổ chức 638 cuộc giám sát; phát hiện và kiến nghị với chính quyền và cơ quan có thẩm quyền các cấp 86 vụ việc; được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết 80 vụ (đạt 93%), trong đó đã xử lý kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng 1 người (tại xã Ngọc Lũ, Bình Lục). Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát được 739 cuộc tại 470 công trình, dự án trên địa bàn. Qua giám sát đã phát hiện và kịp thời kiến nghị 33 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư, nhà thầu thi công để kịp thời khắc phục tình trạng không bảo đảm tiến độ thi công, điển hình như: Dự án nâng cấp đường Đồi Vàng (Tổ 4, thị trấn Ba Sao, Kim Bảng); Công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân); Dự án nâng cấp đường trục xã từ ĐT496 đến ĐH08 và Dự án nâng cấp đường trục xã từ ĐT496 đến cầu đá Ngọc Lâm (xã Bối Cầu) của UBND xã Hưng Công, huyện Bình Lục…

P.V:  Trong thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, ban TTND, ban GSĐTCCĐ gặp những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Thành: Qua theo dõi thực tế, chúng tôi thấy hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc rất cần được cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm giải quyết. Cụ thể: Chúng ta đều biết, tính chất hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ là hoạt động giám sát không mang tính quyền lực, không chuyên sâu; không trực tiếp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý, do vậy tính hiệu lực không cao mà phụ thuộc vào trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung giám sát của ban TTND, ban GSĐTCCĐ trải rộng trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở, trong khi đó các thành viên của ban TTND và ban GSĐTCCĐ hầu hết đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên sâu đối với một số nội dung giám sát, dẫn đến chất lượng, hiệu quả giám sát, kiến nghị nhiều nơi chưa bảo đảm.

Ở một khía cạnh khác, sự chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, lựa chọn nội dung giám sát đúng, trúng, phù hợp của một số ban TTND chưa thường xuyên, còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động của MTTQ, UBND cấp xã, dẫn đến còn thụ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng hiệu quả còn hạn chế; chế độ thù lao còn thấp, kinh phí hỗ trợ hoạt động ở nhiều địa phương chưa bảo đảm… đã ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở cơ sở.

Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Chính Lý (Lý Nhân) giám sát việc xây dựng cơ bản tại địa phương.

P.V: Vậy đâu là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở cơ sở thời gian tới? 

Ông Trần Văn Thành: Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí cũng như từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở cơ sở, thời gian tới MTTQ các cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ được kịp thời; thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở cơ sở bảo đảm về uy tín, sức khỏe, am hiểu chính sách, pháp luật, có kinh nghiệm về chuyên môn và xử lý tình huống thực tế. 

Hai là: Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp đối với ban TTND, ban GSĐTCCĐ; chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho thành viên các ban TTND, ban GSĐTCCĐ; cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn cụ thể về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ công tác giám sát của ban TTND, ban GSĐTCCĐ. 

Ba là: Thường xuyên quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, bảo đảm nguyên tắc giám sát, phạm vi giám sát theo quy định của luật và các nghị định hướng dẫn thi hành, thông tri hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung ương MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ; thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy định về chế độ báo cáo của ban TTND, ban GSĐTCCĐ.

Bốn là: MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng bảo đảm điều kiện về kinh phí hỗ trợ hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ bảo đảm mức kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh Hà Nam) đối với ban TTND, ban GSĐTCCĐ (mức quy định cụ thể hiện nay là 6,5 triệu đồng/năm).

Năm là: Tăng cường hoạt động tuyên truyền việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến người dân, phát huy hiệu quả, kinh nghiệm từ hoạt động giám sát của ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở các địa phương để nhân rộng; xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại hoạt động đối với ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở cơ sở để có giải pháp tác động phù hợp và động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời.  

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

giam sat dau tu xay dung ban thanh tra nhan dan uy ban mttq tinh ha nam

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:39 23/11/2024

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.

Hội Nông dân Bình Lục trao bò vàng sinh sản cho hội viên nghèo 

Đoàn - Hội  |  12:12 23/11/2024

Hội Nông dân huyện Bình Lục vừa tổ chức trao tặng bò vàng sinh sản năm 2024 cho gia đình hội viên Nguyễn Thị Nam, thôn Phú Thủy, xã An Lão. Đây là hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó nhiệt tình với công tác hội.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH Hà Nam tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự án luật

Người đại biểu nhân dân  |  11:39 23/11/2024

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp ở hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC