Theo dõi chặt chẽ để phòng chống hiệu quả hội chứng hậu Covid-19

Phòng chống dịch bệnh Corona 05:17 06/04/2022 Đỗ Hồng
Đến ngày 01/4/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 74.596 người mắc Covid-19. Riêng giai đoạn từ 01/01 đến 01/4/2022, có 72.091 người mắc Covid-19; 64.103 người đã khỏi bệnh. Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã mắc hội chứng hậu Covid-19 với các triệu chứng phổ biến: Rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, người mệt mỏi, tức ngực, khó thở,…

Để người dân hiểu rõ hơn về các triệu chứng hậu Covid-19 và có cách điều trị đúng, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, bác sỹ Lại Xuân Dũng, Phó Trưởng Khoa Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 Hà Nam.

P.V: Triệu chứng kéo dài sau 4 tuần kể từ ngày khởi phát bệnh mới gọi là "hậu Covid-19" có đúng không thưa bác sỹ?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Theo các tài liệu y khoa thì đúng là như vậy. Bệnh nhân khi bị mắc Covid-19 có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 4 tuần đầu kể từ khi mắc bệnh, là giai đoạn bệnh cấp. Ở giai đoạn này, sau khi có kết quả âm tính vẫn còn các triệu chứng bệnh như ho, mệt mỏi,… vẫn là triệu chứng của Covid-19, chưa phải là hậu Covid-19. Chỉ sau 4 tuần kể từ lúc mắc bệnh các triệu chứng này vẫn còn kéo dài mới gọi là hậu Covid-19, đó là giai đoạn 2. Nếu các triệu chứng tồn tại kéo dài trên 12 tuần thì coi đó là triệu chứng tồn tại mãn tính.

P.V: Khi bị hậu Covid-19, người bệnh có các triệu chứng gì thưa bác sỹ?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Hậu Covid-19 có nhiều triệu chứng khác nhau, là dấu hiệu tổn thương ở các cơ quan khác nhau, có người bị 1 triệu chứng, có người 2 triệu chứng, có người có thể nhiều hơn 2 triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến liên quan đến tâm thần, hô hấp, tim mạch, vị giác, tiêu hóa,... Với các triệu chứng về tâm thần, có người bị rối loạn về giấc ngủ, như khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nửa đêm, có người bị trầm cảm, có người giảm độ tập trung, hay quên. Với triệu chứng về hô hấp thì ho kéo dài, tức ngực, hơi khó thở, nhiều khi thở hụt hơi. Các triệu chứng về tim mạch, cảm giác như tim đập nhanh, hồi hộp, vã mồ hôi, đau nhói ngực. Triệu chứng liên quan vị giác như rối loạn vị giác, mất vị giác kéo dài. Những người có triệu chứng về tiêu hóa, như đầy bụng, chán ăn, rối loạn đi đại tiện, đau bụng…

Covid-19 có thể gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, khi mắc bệnh, khi bị hậu Covdi-19 có thể có biểu hiện bệnh ở rất nhiều cơ quan khác nhau.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 1 Hà Nam.

P.V: Bác sỹ có thể cho biết những nhóm đối tượng nào dễ bị hậu    Covid-19?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Không phải ai cũng bị hậu Covid-19. Hầu hết người mắc Covid-19 khỏi bệnh và không để lại di chứng gì. Chỉ có một số nhóm dễ bị hậu Covid-19. Thứ nhất nhóm bệnh nhân nặng ngay từ đầu, cần phải nằm ở các đơn vị hồi sức tích cực, cần phải hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ các tạng bị tổn thương. Những bệnh nhân thuộc nhóm này sau khi khỏi thường tồn tại các triệu chứng hậu Covid-19.

Nhóm thứ 2 là những người có bệnh mãn tính, chủ yếu bệnh phổi, tim mạch, đái tháo đường, đặc biệt là những người béo phì, bị suy giảm miễn dịch. Những người thuộc nhóm này sau khi bị nhiễm bệnh hay có triệu chứng hậu Covid-19.

Nhóm thần kinh yếu, hay bị rối loạn tâm thần cũng dễ bị mắc các triệu chứng hậu Covid-19.

P.V: Trẻ em có dễ bị hậu Covid-19 không thưa bác sỹ?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Trẻ em ít bị các triệu chứng hậu Covid-19 hơn. Và triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ kín đáo hơn. Ví dụ trẻ khi đến lớp rụt rè hơn, trốn tránh, ngại tiếp xúc, ngại nói chuyện. Khi làm bài tập chậm, quên bài. Vì các triệu chứng của trẻ kín đáo hơn nên phụ huynh cần phải theo dõi sát và phát hiện ra sớm để có cách xử trí.

Gần đây có một vấn đề hay được đề cập đến, cũng là một dạng của hậu Covid-19 ở trẻ em, gọi là hội chứng MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em). Viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu Covid-19 thường xảy ra sau khi trẻ bị mắc Covid-19 từ 2-6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Trẻ sau khi bị Covid-19, hoặc thậm chí vẫn đang trong giai đoạn dương tính vẫn có thể xuất hiện hội chứng này. Để chẩn đoán được không phải là dễ và cần đến các cơ sở điều trị. Có những trẻ khỏi bệnh cả tháng mới thấy trẻ mệt mỏi, chán ăn, khó thở, cho vào bệnh viện khám, xét nghiệm mới biết tổn thương nhiều cơ quan. Đối chứng lại về tiền sử mới thấy rằng khả năng nhiều chính là hội chứng MIS-C tổn thương đa cơ quan sau Covid-19. Tuy nhiên, rất ít trẻ bị hội chứng này.

P.V: Bác sỹ có thể cho biết người bệnh cần phải làm gì khi có các triệu chứng hậu Covid-19?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Người mắc Covid-19 cần phải tự theo dõi các triệu chứng hậu Covid-19 và đến các chuyên khoa tương ứng để khám. Ví dụ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, hay quên, thuộc về tâm thần, thì cần đến các chuyên khoa tâm thần khám để được điều trị. Những triệu chứng về ho, khó thở, tức ngực cần đến chuyên khoa hô hấp khám. Triệu chứng về tim mạch đến chuyên khoa tim mạch. Qua khám, các bác sỹ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác, sau đó mới tập trung đến triệu chứng của hậu Covid-19.

P.V: Các triệu chứng hậu Covid-19 có gây nguy hiểm với người bệnh không thưa bác sỹ?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Có những người các triệu chứng hậu Covid-19 nhẹ và sẽ dần hết theo thời gian. Nhưng cũng có nhiều người nếu không được điều trị các triệu chứng sẽ dần nặng lên, ảnh hưởng đến đời sống, công việc, thậm chí có thể gây tử vong.

Ví dụ những người mất ngủ kéo dài không đi khám, điều trị sẽ bị diễn biến nặng lên ảnh hưởng đến thần kinh rất nhiều, thậm chí có người không chịu được phải tìm đến cái chết để giải thoát. Hoặc những người bị trầm cảm, cần phải đi khám để có phương pháp điều trị để dự phòng những hậu quả đáng tiếc. Các triệu chứng về hô hấp, tim mạch,... cũng thế. Vì vậy điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải tự theo dõi, người nhà theo dõi, nếu thấy dấu hiệu hậu Covid-19 kéo dài, nặng lên, cần phải đến các chuyên khoa tương ứng khám để được điều trị kịp thời.

Tuyệt đối không tìm những biện pháp điều trị không chính thống, như qua mạng xã hội, qua truyền miệng, khi đến các cơ quan y tế thì đã muộn.

P.V: Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 thường đi khám, yêu cầu chụp X-quang phổi để kiểm tra tổn thương, theo bác sỹ như thế có cần thiết không?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Không nên làm như thế. Đối với những người bị nặng, khi điều trị bệnh phải nằm ở khu vực hồi sức, sau khi khỏi bệnh 1, 2 tháng đến kiểm tra phổi và các cơ quan thì nên làm. Còn đối với những người mắc bệnh triệu chứng nhẹ, không cần nằm viện, khi khỏi không có triệu chứng gì thì không nhất thiết phải đi khám, chụp X-quang phổi nếu không có các triệu chứng bất thường. Nếu mắc  Covid-19 mà bị tổn thương phổi thì sẽ tổn thương ngay từ đầu, nặng ngay từ đầu chứ không phải đến lúc hậu    Covid-19 mới bị. Tổn thương phổi do mắc Covid-19 không nằm ở nhóm bệnh nhân nhẹ.

P.V: Nhiều người khi mắc Covid-19, hoặc sau khi đã khỏi bệnh thường tự tìm hiểu trên mạng, qua truyền miệng mua, sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng. Theo bác sỹ điều này có nên hay không?

Bác sỹ Lại Xuân Dũng: Không nên tự ý sử dụng bất cứ thuốc gì, kể cả thực phẩm chức năng. Bị Covid-19 điều trị tại nhà phải có bác sỹ khám, nắm tình hình bệnh, tư vấn dùng thuốc. Một số loại như thuốc kháng vi - rút phải có kê đơn của bác sỹ mới mua uống chứ không được tự mua ngoài luồng và uống. Thực phẩm chức năng cũng vậy, cần phải có sự tư vấn của bác sỹ mới uống. Dùng thuốc, thực phẩm chức năng theo thông tin không chính thống trên mạng hoặc qua truyền miệng dễ rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.  

Nói tóm lại, người dân sau khi khỏi Covid-19 cần theo dõi sát, nếu có các triệu chứng hậu Covid-19 thì đến cơ sở y tế khám để được điều trị kịp thời, đúng cách. Không có triệu chứng gì thì trở lại cuộc sống bình thường, chế độ dinh dưỡng bình thường, không cần phải lo lắng.

P.V: Xin cảm ơn bác sỹ!

TIN MỚI CẬP NHẬT

Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

Chính trị  |  14:03 22/11/2024

Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến các nội dung theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:20 22/11/2024

Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Người đại biểu nhân dân  |  12:06 22/11/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC