Bản Hiến pháp lịch sử của Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á

Hồ sơ tư liệu 06:06 07/11/2021 Thế Vĩnh (Tổng hợp)
Cách đây 75 năm, sự ra đời của Hiến pháp 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã trở thành dấu son lịch sử sâu đậm, khẳng định quyền của một dân tộc độc lập, quyền của người dân một nước độc lập, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước của mình với cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan tư pháp cao nhất với những nguyên tắc độc lập, tiến bộ.

Đây cũng là thời khắc lịch sử mở ra cho nền độc lập của một đất nước đứng lên giành chính quyền, xây dựng nhà nước của mình, nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân” và ban hành hệ thống pháp luật phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và thể chế nhà nước dân chủ nhân dân.

Ngày 3/9/1945, tức là một ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác Hồ đã xác định: Việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Tiếp đó, ngày 20/9/1945, sau khi ký sắc lệnh thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp (gồm 7 thành viên và do chính Người đứng đầu), nói về tầm quan trọng, cấp thiết phải xây dựng Hiến pháp, Bác Hồ nhấn mạnh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Với nỗ lực của Ban soạn thảo, tháng 11/1945, Bản dự thảo Hiến pháp đã hoàn thành và được công bố rộng rãi để toàn dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính thức tuyên bố nước Việt Nam độc lập, thống nhất theo chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được bảo đảm… 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham dự phiên thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2  Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thu Thảo

Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á là một bản hiến văn ngắn gọn, súc tích, bao gồm: Lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Nội dung trong 7 chương của Hiến pháp bao gồm: Chương I: “Chính thể”; Chương II: “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”; Chương III: “Nghị viện nhân dân”; Chương IV: “Chính phủ”; Chương V: “Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính”; Chương VI: “Cơ quan tư pháp”; Chương VII: “Sửa đổi Hiến pháp”.

Về “Chính thể”, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo"; “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia"; “Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đô đặt ở Hà Nội".

Về “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”, Hiến pháp năm 1946 ghi: "Mỗi công dân Việt Nam phải: bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật"; "Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính"; "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá"; “đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình"; "Những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”; "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện"; "Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài"; "Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam, không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật; “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm"; "Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm"; "Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”; "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước"; "Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín"; “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên... đều có quyền bầu cử... Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi..."; "Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra", "Có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia".

Về các phần nội dung: “Nghị viện nhân dân” (Chương III), “Chính phủ” (Chương IV), “Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính” (Chương V), Hiến pháp 1946 quy định rõ: "Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; “Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc”; "Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do hội đồng các xã bầu ra". Hiến pháp 1946 cũng quy định rất rõ về hệ thống tổ chức, quyền hạn của cơ quan tư pháp và những điều quy định về sửa đổi Hiến pháp.

Tính đến nay, theo từng giai đoạn lịch sử, Hiến pháp nước ta đã sửa đổi 5 lần (*) nhưng những giá trị nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 vẫn được kế thừa, nhất là giá trị nội dung về xây dựng nhà nước pháp quyền và quyền lực của nhân dân. Những quy định trong Hiến pháp 1946 thấm đẫm tư tưởng về độc lập dân tộc và các quyền tự do cơ bản của con người. Công dân Việt Nam bình quyền về các phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa và bình đẳng trước pháp luật. Cùng với bình đẳng về quyền lợi, Hiến pháp 1946 còn quan tâm đến các đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Công dân là đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung; quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trên mọi phương diện; công dân già cả hoặc tàn tật được nhà nước giúp đỡ và trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng; trẻ em học sơ học là bắt buộc và không phải đóng học phí, đồng bào dân tộc thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình, học trò nghèo được chính phủ giúp đỡ…

Hiến pháp 1946 - Bản Hiến pháp lịch sử của Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á là dấu mốc lịch sử, kết tinh thành tựu cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu. Hiến pháp 1946 là nền tảng pháp lý xây dựng chính quyền “của dân, do dân và vì dân”, đặt nền móng cho sự hình thành hệ thống pháp luật mới, tiến bộ, công bằng, bình đẳng, văn minh. ____________________ (*) Hiến pháp năm 1946 (Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 9/11/1946); Hiến pháp năm 1959 (Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 31/12/1959); Hiến pháp năm 1980 (Quốc hội khóa VI, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18/12/1980); Hiến pháp năm 1992 (Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15/4/1992); Hiến pháp năm 2013 (Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013).

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Chính trị  |  09:31 22/11/2024

Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản

Thương mại - Dịch vụ  |  05:35 22/11/2024

Được xác định là một trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ngày càng đa dạng và linh hoạt. Giá trị nông sản vì thế ngày càng được nâng cao. Đó chính là nội dung phỏng vấn của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh.

Nâng cao chất lượng đàn bò thịt

Nông nghiệp  |  05:33 22/11/2024

Chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được quan tâm duy trì ổn định với tổng đàn trên 28.000 con. Hướng đi này giúp bò thịt dần từng bước thay thế một phần cho đàn lợn đang có xu hướng giảm do tác động từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giá cả bấp bênh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC