Theo thông tin phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, mặc dù sản xuất, kinh doanh đã được cải thiện so với thời điểm đại dịch Covid – 19 bùng phát mạnh vào giữa năm 2020, tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, đối tác, lao động, giá cả nguyên liệu và đặc biệt là nỗi lo bảo đảm duy trì sản xuất an toàn trong “mùa” dịch. Theo đó, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng những “kịch bản” khác nhau để đối phó với dịch bệnh, nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh với các giải pháp cụ thể như: chấp hành nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; thường xuyên theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt, sát khuẩn, xét nghiệm sàng lọc Covid – 19 cho người lao động; vệ sinh và khử khuẩn các khu vực nhà xưởng, bếp ăn tập thể; kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, thực hiện nghiêm quy trình “5S” trong sản xuất...
Công ty TNHH Kính an toàn và tiết kiệm năng lượng Thiên Sơn, Cụm Công nghiệp Thi Sơn (Kim Bảng), năm 2020, dịch Covid -19 đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh buộc doanh nghiệp phải tính toán, điều chỉnh lại phương án kinh doanh mới. Từ đầu năm 2021 đến nay, cùng với việc thực hiện nghiêm quy trình “5S” trong sản xuất, đẩy mạnh phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh, công ty còn chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng, các dòng hàng có tính thanh khoản cao nhằm thu hồi vốn nhanh, tránh rủi ro trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Quang, Quản lý sản xuất của công ty cho biết: Thời gian qua, công ty đã nghiên cứu nhu cầu của thị trường trong từng vùng để có phương án sản xuất phù hợp. Cụ thể, đối với các vùng có dịch Covid - 19, công ty có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng nhưng vẫn phải bảo đảm duy trì sản lượng tiêu thụ tại vùng đó. Còn tại các vùng, miền chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty tích cực tìm kiếm thêm đối tác mới nhằm đề phòng khi các vùng có dịch bùng phát phải thực hiện giãn cách xã hội thì công ty vẫn có đơn hàng để bảo đảm mục tiêu về sản lượng tiêu thụ.
Ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” phải kể đến khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó, Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên) là một ví dụ. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, Seoul Semiconductor Vina đã đặt ra những ưu tiên để nỗ lực vượt qua thách thức của đại dịch, bao gồm: bảo đảm an toàn và phúc lợi cho nhân viên; tối ưu hóa nguồn cung hàng hóa; tối ưu hóa kênh phân phối sản phẩm; linh hoạt trong cách tiếp cận với người tiêu dùng; chung tay hỗ trợ kinh phí để tỉnh Hà Nam đẩy lùi dịch bệnh.
Đối với công tác phòng, chống dịch, ngoài thực hiện nghiêm những hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành chức năng, công ty còn phát động chiến dịch “Zero Covid – 19” (thử thách trong 365 ngày không có trường hợp bị nhiễm Covid – 19). Chiến dịch đang tạo được sự hưởng ứng, thi đua sôi nổi trong các tổ đội, bộ phận sản xuất và xem đó là tiêu chí để xét khen thưởng hằng tháng, quý. Seoul Semiconductor Vina là doanh nghiệp Hàn Quốc chuyên sản xuất các mặt hàng công nghệ cao về LED để xuất khẩu. Đại dịch Covid – 19 đã khiến doanh thu của công ty bị sụt giảm đáng kể do hàng hóa tiêu thụ chậm.
Trước thực tế này, công ty đã hướng tới tiêu thụ tại thị trường Việt Nam bằng việc nghiên cứu, cho ra mắt các sản phẩm mới, phù hợp về giá cả, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. Điển hình là sản phẩm đèn LED Sunlike – sản phẩm đèn bàn sử dụng công nghệ violet, cho ánh sáng trung thực, không gây hại cho mắt. Đặc biệt là khi bị chiếu rọi dưới ánh sáng này, vi - rút corona sẽ bị tiêu diệt.
Ông Kim Sung Ju, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Dịch bệnh Covid – 19 khiến công ty thường xuyên bị thiếu từ 20-25 chuyên gia Hàn Quốc để bảo đảm vận hành sản xuất. Dịch bệnh cũng khiến công ty không thể sản xuất ồ ạt như trước mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng từng thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Để bảo đảm an toàn phòng dịch và phát triển sản xuất, Seoul Semiconductor Vina đang rất quan tâm đến việc bao phủ vắc-xin cho toàn bộ người lao động của mình.
Để ứng phó với đại dịch Covid – 19, bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh phát triển, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp thì việc tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, hải quan, đất đai, tín dụng, nguồn lao động cùng với hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan nhà nước có vai trò rất quan trọng. Thực tế trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; thực hiện nghiêm 10 cam kết của UBND tỉnh với các nhà đầu tư; nhất là tập trung chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Tại phiên họp UBND tỉnh thảo luận báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 mới đây, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Để hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, vừa chủ động, sẵn sàng chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, nhất là doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid – 19; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Với gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang giải quyết việc làm cho trên 150.000 lao động. Để phát triển bền vững trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh một mặt đang chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, chủ động đổi mới mẫu mã sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường; mặt khác chủ động kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định.
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.