Giải pháp nào cho tình trạng thiếu lao động cục bộ?

Lao động - Việc làm 05:56 08/04/2021 Chu Uyên
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có thêm từ 600 đến 800 doanh nghiệp đi vào hoạt động, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tăng lên. Số doanh nghiệp sử dụng hàng nghìn lao động ở Hà Nam chiếm trên 60%, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, giày da, điện tử, nhựa, bao bì. Và những doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

 

Sản xuất, lắp ráp màn hình tinh thể lỏng LCD tại Công ty TNHH Qisda Việt Nam, KCN Đồng Văn IV.

Ngay trong những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Không chỉ đối phó với nhiều khó khăn, như: thiếu nguyên liệu, thị trường xuất khẩu nhiều nơi đóng băng, các đơn hàng ngưng trệ… doanh nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc thiếu lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do nguyên nhân là nguồn không tăng. Toàn tỉnh hiện có trên 111.700 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó gần 80.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, trên 27.000 người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, chỉ còn gần 4.600 người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại đa số lao động đang làm việc trực tiếp trong các công ty khoáng sản, sản xuất, chế biến đồ gỗ, may mặc. Trên 37.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.  Bà Phạm Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp càng ngày càng tăng lên, trong khi đó nguồn lao động trong tỉnh hiện nay không tăng. Do vậy, trong những năm gần đây, xu hướng lao động di cư từ các tỉnh ngoài đến Hà Nam làm việc cao dần và ngược lại. Thí dụ, năm 2020, nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên… là trên 10.000 người. Còn với Hà Nam, các doanh nghiệp cần tuyển dụng trên 15.000 lao động, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc, điện tử… cần khoảng 10.000 lao động. Đương nhiên, việc đáp ứng nhu cầu việc làm của doanh nghiệp không hề đơn giản khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu, kéo dài…

Mặc dù việc làm trong tỉnh có nhiều cơ hội cho người lao động lựa chọn, tuy nhiên không ít lao động vẫn "quyết định ra đi" sang các tỉnh ngoài làm việc? Bà Trần Thị Thu Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nói: Chúng tôi đã thực hiện phân tích, đánh giá thị trường lao động hằng năm và nhận thấy đây là một xu hướng khá phổ biến ở tất cả các địa phương chứ không riêng Hà Nam. Tuy nhiên, việc người lao động Hà Nam ra tỉnh ngoài làm việc cho thấy thị trường lao động trong tỉnh còn chưa thu hút và đáp ứng được nhu cầu việc làm của họ. Chúng tôi rất băn khoăn về tác động của xu hướng dịch chuyển này, nó không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn mà còn khó có thể bảo đảm tính bền vững cho người lao động khi tuổi  tăng, sức khỏe kém phải nghỉ việc để trở về địa phương… Chưa kể đến những tác động chủ quan khác dẫn đến chuyện mất việc làm, thất nghiệp đối với họ.

Dịch chuyển lao động giữa các địa phương là một chuyện, dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng tạo nên những nỗi lo vơi đầy cho những người làm công tác quản lý nhân sự các công ty.

Một cán bộ nhân sự của Công ty TNHH Dệt Đài Nguyên thành thật chia sẻ: "Năm qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, điện tử, giày da… bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, không ít lao động đã không thể "đồng cam cộng khổ" với chủ doanh nghiệp được phải tìm việc làm ở nơi mới nhằm ổn định cuộc sống. Ai không đi được thì cũng đứng núi này, trông núi nọ, chỉ cần có sự tác động nhỏ từ chủ khác thì cũng sẵn sàng chuyển chỗ làm". 

Chị Nguyễn Thị Tươi, Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng), một trong số những lao động phải chuyển việc làm mới thời gian qua cho rằng, bản thân chị đã gắn bó với chỗ làm cũ 7 năm nay, nhưng mức lương không tăng là mấy. Muốn có thêm vài ba triệu ngoài lương chính, chị phải làm thêm mỗi ngày gần một ca nữa. Tuổi mỗi ngày một cao, làm việc tăng ca nhiều làm cho chị cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt sức lực. Chị quyết định chuyển việc khác phù hợp hơn dù nơi làm mới lương chỉ cao hơn 1,5 triệu đồng/tháng. 

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2021, số lao động cần tuyển cho các doanh nghiệp trên địa bàn dự tính con số hàng vạn người. Đây là năm Hà Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều dự án lớn đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Quang Tuấn nói: "Nếu đúng kế hoạch, ngay trong tháng 4 và tháng 6 này, Công ty TNHH Qisda Việt Nam và Dự án sản xuất bao bì giấy, bao bì trang trí và sản phẩm in ấn khác của Công ty TNHH Kỹ thuật bao bì MYS Group Việt Nam tại KCN Đồng Văn IV chính thức đi vào hoạt động. Số lao động các công ty cần trên 5.000 người. Hiện tại Qisda đã tuyển dụng và đào tạo nghề tại chỗ cho 800 lao động để làm ngay trong tháng 4.

Còn tại KCN Đồng Văn III, Dự án đầu tư của Công ty TNHH Neweb Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6 tới, cần gần 2.500 lao động. Khi dự án hoàn thành đầu tư, công ty cần tuyển thêm 2.500 lao động nữa. Như vậy, chỉ tính riêng mấy doanh nghiệp mới này thôi cũng đã có nhu cầu tuyển dụng ngót chục nghìn lao động rồi". 

Thực sự là điều đáng mừng cho người lao động thời điểm này. Họ vẫn ở thế chủ động trong tìm việc làm, chọn việc làm. Ở đâu lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, nơi đó là điểm đến của người lao động. Vì thế, bài toán tuyển dụng lao động gặp khó đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp này có thể giải quyết được nếu thực hiện tốt các giải pháp: 

Thứ nhất, về phía doanh nghiệp, cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Quan tâm, bồi dưỡng chất lượng chuyên môn, tay nghề cho người lao động, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, có chế độ phúc lợi, thu nhập phù hợp để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động. 

Thứ hai, tỉnh cần tiếp tục có chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển doanh nghiệp để giải quyết tốt việc làm cho người lao động trong tỉnh. Đặc biệt khuyến khích sử dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, quan tâm xây dựng nhà ở, trường học, thiết chế văn hóa… cho công nhân trong các khu công nghiệp. 

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền về thị trường lao động trong tỉnh, tác động mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên… Ngành lao động – thương binh và xã hội cần đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, các địa phương, doanh nghiệp trong hoạt động truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm…

Hà Nam đã và đang làm tốt 10 cam kết với doanh nghiệp, trong đó có nội dung về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động thuận lợi. Khi dịch bệnh đã được khống chế hoàn toàn, hoạt động của doanh nghiệp ổn định hơn, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực  xây dựng, điện tử, may mặc… tái cơ cấu và mở rộng sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng… các giải pháp trên sẽ củng cố thêm nguồn cung tại chỗ cho doanh nghiệp.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc tráng ca” 

Văn hóa  |  08:17 27/04/2024

Tối ngày 26/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc tráng ca” chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024); hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).

Một số nơi nóng trên 40 độ C dịp nghỉ lễ 30/4

Môi trường - Đô Thị  |  05:53 27/04/2024

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, hầu hết tỉnh thành sẽ nắng nóng (cao nhất ngày từ 35 độ C trở lên), trong đó miền Bắc và Trung trên 37 độ C, một số nơi trên 40 độ.

Lao động thất nghiệp “ngại” học nghề

Lao động - Việc làm  |  05:44 27/04/2024

Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhiều lao động đã vượt qua khó khăn trước mắt về kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống. Bên cạnh được nhận tiền trợ cấp, người lao động (NLĐ) tham gia BHTN còn được tư vấn, giới thiệu việc làm, đặc biệt là hỗ trợ học nghề để sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, đa số NLĐ chỉ làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN mà chưa quan tâm nhiều đến việc học nghề để chuyển đổi công việc, dù các chế độ hỗ trợ cho lao động học nghề đã được điều chỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC