Xin được nói ngay rằng “Nhà báo cơ sở” là cách xưng danh khiêm tốn của nhiều cán bộ truyền thanh cấp huyện, cấp xã, những cộng tác viên của một số ngành vốn lâu nay rất quan tâm, say sưa với công việc viết báo và nhiệt tình gắn bó với nhiệm vụ chuyển tải thông tin. Còn nói “cảm ơn” là bởi đã từ nhiều năm nay, những thế hệ “nhà báo cơ sở” không chỉ là địa chỉ thân thiết, tin cậy, tận tình giúp đỡ anh em phóng viên chuyên nghiệp vươn tới yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện hơn trong nắm bắt tình hình, khai thác thông tin, mà còn trực tiếp thực hiện những mảng nội dung theo yêu cầu “đặt hàng” từ phóng viên để bảo đảm cơ cấu tin, bài, cũng như nội dung thông tin chuyển tải đến công chúng.
“Cần gì cứ alô nhé”…
Nghe lời hẹn cởi mở, nhiệt tình của “nhà báo cơ sở” Vũ Văn Hùng (nguyên Trưởng đài Truyền thanh huyện Kim Bảng) tự nhiên chúng tôi thấy những áp lực làm báo dường như nhẹ hẳn đi. Sự sẵn lòng, nhiệt tình gợi mở, cung cấp thông tin về: những vấn đề mới phát sinh, những địa chỉ, sự kiện, nhân vật… từ anh giúp cho cánh phóng viên chuyên nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều trong tác nghiệp. Đôi lúc cao hứng, anh vẫn nói vui: Tuy là “những nhà báo không thẻ” nhưng chúng tớ rất thuận lợi trong nắm bắt tinh thần, nội dung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua các chương trình, kế hoạch của huyện. Chưa kể, do chế độ phân công nhiệm vụ phụ trách, theo dõi đầu mối cơ sở nên chúng tớ thông thạo địa bàn cơ sở như “trong lòng bàn tay”. Chính nhờ sự nhiệt tình, cởi mở của anh mà nhiều năm nay, cứ nhấc máy “alô” là chúng tôi nhận được từ anh đủ mọi thông tin hữu ích, từ việc ở đâu cán bộ cấp ủy, chính quyền vừa thay đổi, kiện toàn; địa phương nào có mô hình mới, kinh nghiệm hay, điển hình tiên tiến. Rồi việc cơ sở nào vừa có “vấn đề” phát sinh, đến những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng vô cùng cần thiết, như: trục đường nào mới mở, mới nâng cấp, khoảng cách gần, dễ đi; tuyến đường nào đang thi công cải tạo, nên tránh...
Tình nguyện làm “tiền đạo cắm”
Lướt qua những trang báo hằng ngày, nhiều độc giả (nhất là những độc giả hiếu kỳ) thường hay chọn xem ngay chuyên mục "An ninh trật tự". Ở đó, những thông tin về "các sự vụ"... lập tức được đáp ứng phần nào, không chỉ giúp độc giả có thêm kiến thức pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự phòng, tự quản trước những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi của nhiều loại tội phạm xã hội, mà còn có thể tự rút ra cho mình những bài học có ý nghĩa thiết thực. Ít ai biết rằng, để có thể thường xuyên duy trì những nhóm tin bài thuộc chuyên mục này trên báo, ngoài nỗ lực của phóng viên chuyên nghiệp, tờ báo còn phải trông cậy vào những “nhà báo cơ sở” là cán bộ thuộc biên chế một số cơ quan chuyên môn mà theo cách tự phong vui vui của họ là những “tiền đạo cắm” tình nguyện cho báo. Đội ngũ những “tiền đạo cắm” thuộc biên chế một số cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, quân sự, viện kiểm sát, toà án, tư pháp, thi hành án…)- những “cánh tay với dài” của cơ quan báo chí đã từ nhiều năm nay phối hợp nhịp nhàng và giúp chúng tôi duy trì mảng tin tức về hoạt động khối nội chính trên báo thêm phong phú, đa dạng hơn về đề tài; nhanh nhạy, kịp thời hơn về tính thời sự và sâu sát hơn về nghiệp vụ chuyên ngành. Tâm sự với chúng tôi về công việc của những “nhà báo cơ sở” ngành công an, Trung tá Vũ Minh Sơn (Phó Trưởng phòng Công tác Đảng, công tác Chính trị, Công an tỉnh) trải lòng: Nhiều đêm, 2-3 giờ sáng, nhận được tin báo từ các tổ chuyên án, lập tức những “nhà báo cơ sở” mặc sắc phục công an bật dậy khoác túi, đeo máy, lao đi làm nhiệm vụ. Những vụ án về ma tuý, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, trộm cướp, tai nạn giao thông... xảy ra trong đêm đều rất cần sự có mặt kịp thời của các anh, các chị để ghi lại những hình ảnh, số liệu về nhân chứng, vật chứng, vừa phục vụ trực tiếp cho công tác chuyên môn của quá trình điều tra, nhưng quan trọng hơn vừa để có những thông tin nóng hổi cung cấp kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.
“Đọc báo giúp bà con nhân dân”
Gắn bó với sự nghiệp truyền thanh cơ sở trong vai trò phát thanh viên, phóng viên, biên tập viên, rồi quản lý từ năm 1985, chị Nguyễn Thị Huệ (Trưởng Đài Truyền thanh thị xã Duy Tiên) đã có tròn 35 năm gắn bó với công việc “đọc báo giúp bà con nhân dân”. Theo tâm sự của chị, đặc thù công việc của hệ thống truyền thanh cơ sở là gắn bó trực tiếp với đời sống lao động sản xuất, học tập, công tác… của các tầng lớp nhân dân địa phương. Chính vì thế, ngoài số tin, bài tự tác nghiệp, hằng ngày những “nhà báo cơ sở” luôn phải nhanh chóng lựa chọn trên tờ báo Đảng bộ tỉnh các tin, bài, chuyên mục liên quan đến những vấn đề trọng tâm cần thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống mà bà con nhân dân đang quan tâm, mong chờ. Bởi vậy, việc đọc Báo Hà Nam trên sóng phát thanh từ lâu đã không chỉ là công việc thường ngày, quen thuộc mà còn trở thành ký ức thân thương, trừu mến với số đông những “nhà báo cơ sở”. Chẳng thế mà dẫu không phải thường xuyên gặp mặt, tâm giao, nhưng nhiều “nhà báo cơ sở” thuộc nằm lòng họ tên, bút danh, phong cách viết… của không ít anh chị em phóng viên Báo Hà Nam. Đặc thù công việc của hệ thống đài truyền thanh từ cấp huyện đến cấp xã khiến cho những “nhà báo cơ sở” cũng luôn phải duy trì sự mẫn cán và tác phong chuyên nghiệp rất cao. Đi làm đúng giờ, mở đài, lên sóng đúng giờ…để không một lần thất hẹn với thính giả nghe đài. Công việc truyền thanh cơ sở không chỉ là biên tập, phát thanh theo đúng khung giờ quy định, các anh, các chị còn phải lo bảo đảm hệ thống thiết bị truyền thanh (trong nhà, ngoài trời…) vận hành trơn tru, kịp đưa tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể… đến với công chúng. Trong cuốn sổ công tác của các anh, các chị không chỉ có những vấn đề, địa chỉ, thông tin cần khai thác, đề tài cho mỗi khung giờ phát thanh mà đôi khi còn có cả sơ đồ vị trí lắp đặt hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn và các loại sơ đồ, biểu đồ, ghi chú về kỹ thuật chỉnh máy, sửa chữa thiết bị… Không chỉ do bản tính tỉ mỉ, cẩn thận hay tinh thần trách nhiệm cao, đó còn là bởi tình cảm thiết tha mà các anh, các chị “nhà báo cơ sở” đã nhiều năm thầm lặng dành trọn cho nghề “đọc báo hộ bà con nhân dân”.
Cảm ơn
Với người làm báo chuyên nghiệp, những “nhà báo cơ sở” luôn và sẽ mãi là những người bạn đồng nghiệp gần gũi, tin cậy và yêu quý. Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Báo chí cách mạng Việt Nam, xin thêm một lần cảm ơn các anh, các chị - những “nhà báo cơ sở” đang công tác ở nhiều cấp, ngành với nhiều công việc khác nhau và đang từng ngày, từng ngày sát cánh, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, cùng chúng tôi chung sức gánh vác công việc khó khăn, vất vả của người làm báo.
Sáng 26/11, tại Trường THCS thị trấn Quế (Kim Bảng), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức khai mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS tỉnh Hà Nam năm học 2024-2025.
Sáng 26/11, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung theo quyền. Các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.