Trong nhiều gia đình có người lớn hút thuốc lá, thuốc lào, trẻ phải thường xuyên hút thuốc thụ động và do đó hầu hết trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề; thậm chí có những cháu còn bị nhiều loại bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, sức khỏe. Ngoài ra việc nhìn thấy ông, bố,... hút thuốc hằng ngày hoàn toàn là những hình ảnh không tốt cho trẻ. Đã có không ít cháu "theo chân" ông, bố,... hút thuốc từ sớm. Tuy nhiên cũng có những gia đình đã tìm được biện pháp để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến con trẻ khi trong nhà có người hút thuốc.
Chị Nguyễn Thị Dung ở thành phố Phủ Lý tâm sự: Chồng chị nghiện thuốc lá từ thủa thanh niên. Mỗi ngày anh hút đến cả bao thuốc lá. Khi lấy nhau, chị nhiều lần khuyên ảnh bỏ thuốc lá, nhưng anh nói là rất khó vì anh đã nghiện lâu năm. Khi chị có bầu con đầu lòng, do chị cằn nhằn nhiều, những khi hút thuốc anh thường ra ngoài nhà. Tuy nhiên nhiều khi do thói quen, do ngại, anh vẫn hút thuốc trong nhà. Vợ chồng nhiều lần cãi nhau chỉ vì chuyện thuốc lá làm con hay bị viêm đường hô hấp, anh vẫn không bỏ được thuốc lá. Một lần cháu phải đi cấp cứu vì bị viêm đường hô hấp. Khi con xuất viện, chị cho thẳng con về bên ngoại và nói nếu anh không bỏ thuốc, vẫn còn hút thuốc trong nhà thì ly dị. Anh sang năn nỉ đón hai mẹ con về, hứa sẽ cai thuốc lá. Khi về nhà rồi chị cũng tích cực hỗ trợ tìm thuốc cai thuốc lá cho anh. Và anh đã cai được thuốc lá, tăng cân, sức khỏe tốt lên rất nhiều. Nhiều người cứ cho rằng chị lấy chuyện ly dị ra chỉ để dọa anh. Chị cho biết không "dọa" một tý nào, bởi chị suy nghĩ sinh con ra, nếu do những yếu tố chủ quan từ người trong gia đình ảnh hưởng đến sức khỏe của con mà không ngăn chặn là có tội với con.
Loại bỏ khói thuốc khỏi môi trường gia đình là quan trọng, nhưng việc giúp trẻ tránh xa thuốc lá ở ngoài xã hội cũng quan trọng không kém. Ở môi trường ngoài xã hội, để giúp con tránh xa thuốc lá điều quan trọng trước hết phải giáo dục để trẻ hiểu tác hại của thuốc lá, có kỹ năng tránh xa thuốc lá, và đặc biệt không hút thuốc.
Chia sẻ về những kỹ năng này, chị Phạm Thanh Hà, một giáo viên ở thành phố Phủ Lý, bà mẹ của 2 cậu con trai cho biết, ngay từ nhỏ cho các con đi đâu, nếu thấy ai hút thuốc chị đều tránh xa và nói với con: Khói thuốc có hại cho sức khỏe. Đi đến nơi nào đó cùng con mà nhìn thấy bao thuốc lá chị chỉ cho con xem những hình ảnh cảnh báo in trên vỏ bao về những bệnh có thể mắc phải khi hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc. Nhưng theo chị khó khăn nhất là việc làm thế nào để con không hút thuốc, nhất là khi con bước vào tuổi "nổi loạn" dễ học đòi theo bạn bè. Chị kể, khi cậu con trai lớn bắt đầu lên trung học cơ sở, đặc biệt là từ lớp 8, lớp 9 khi cháu tự đi xe đạp đi học, dù có vẻ "nới" để con tự lập nhưng chị vẫn rất sát sao con. Ví dụ như ngầm xem đi đến trường con có rẽ ngang rẽ dọc vào quán sá gì không, bạn bè chơi, đi học cùng con có cháu nào hút thuốc không. Ngoài ra giữ mối liên hệ thường xuyên với các thầy, cô dạy con ở trường, với các phụ huynh trong nhóm bạn của con, có vài số điện thoại của những người bạn con chơi cùng để nắm thông tin về con...
Tuy nhiên có một điều thấy rõ là chưa nhiều gia đình có những biện pháp hiệu quả để giúp con tránh xa thuốc lá. Vẫn còn nhiều gia đình do bận mải mưu sinh, do nhận thức hạn chế chưa quan tâm lắm đến việc giúp con em mình tránh những ảnh hưởng từ thuốc lá. Ở không ít gia đình những đứa trẻ vẫn tiếp xúc thường xuyên với thuốc lá, thuốc lào từ nhỏ, sống chung với khói thuốc lá, thuốc lào do người lớn hút trong nhà... Không chỉ là những tác hại đến sức khỏe do hút thuốc thụ động, nhiều đứa trẻ lớn lên nghiện thuốc lá và tiếp tục gây ảnh hưởng đến mình, đến nhiều người khác trong gia đình và xã hội.
Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng ở con người. Khói thuốc lá là "sát thủ" vô hình. Những người hút thuốc không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính mình mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh qua khói thuốc mà họ hít phải, đặc biệt là trẻ nhỏ. Để bảo đảm sức khỏe của chính mình, những người đã hút thuốc hãy cố gắng bỏ thuốc lá. Còn nếu chưa bỏ được hãy có các biện pháp để hạn chế tác hại của thuốc lá đến những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ trong gia đình thông qua việc không để trẻ nhìn thấy mình hút thuốc, không để trẻ tiếp xúc với thuốc lá (như không nhờ trẻ đi mua thuốc lá hộ, hoặc nhờ cầm, lấy hộ bao thuốc). Và đặc biệt không để trẻ hít phải khói thuốc; quản lý con em để các cháu không bị lôi kéo dụ dỗ hút thuốc lá.
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.