Đồng nghiệp như những người thầy…
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chuyên ngành thiết kế nội thất, Nguyễn Thị Mỹ Dung (sinh năm 1985) định chọn Hà Nội là nơi lập nghiệp. Năm 2010, công việc thiết kế nội thất của Dung không mấy suôn sẻ, bản thân đang tiếp tục học cao học nên cuộc sống và công việc vấp phải nhiều khó khăn. Hai năm sau, Dung quyết định về Hà Nam tìm kiếm công việc ổn định ở Trung tâm Văn hóa tỉnh. Dung kể: "Đang có cuộc sống phóng túng ở Thủ đô, giờ bước chân vào môi trường làm việc hành chính với những quy định chặt chẽ về thời gian, công việc, tôi không nghĩ mình sẽ ở lại đó được lâu. Không ngờ, ở đây, tôi được nhiều anh em đồng nghiệp giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn nên thấy gắn bó với công việc".
Họa sỹ Nguyễn Ngần là người dẫn dắt Dung đến với tranh cổ động. Mặc dù trong quá trình học đại học, Dung đã được học về thể loại này nhưng không chuyên sâu. Chị nói: "Tranh cổ động vốn là loại hình nghệ thuật có sức truyền cảm nhanh đối với người xem, nó mang tính ước lệ, khái quát cao và phải thể hiện được tính thông tin đại chúng. Với chức năng, nhiệm vụ của Phòng tuyên truyền cổ động, tôi phải cùng với anh em thực hiện công việc sáng tác tranh cổ động chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Họa sỹ Nguyễn Ngần – một họa sỹ rất thành công với tranh cổ động đã giúp tôi tiếp cận với công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất". Nhờ giỏi đồ họa, sử dụng thành thạo công nghệ lại có năng khiếu mỹ thuật, Mỹ Dung học đến đâu làm tốt đến đó. Họa sỹ Nguyễn Ngần nhận xét: "Bản thân bạn ấy có năng khiếu, tư chất thông minh, lại chịu khó học hỏi và không ngừng sáng tạo nên khi mình hướng dẫn công việc, bạn ấy nắm bắt được ngay. Với mỗi chủ đề, mình có thể giúp bạn ấy chất liệu, tự bản thân Dung sẽ tư duy nội dung, ý tứ và cách thể hiện để có một tác phẩm giàu sức truyền cảm, tạo ấn tượng cho người xem".
Những tác phẩm của Mỹ Dung sau khi hoàn thành đều được họa sỹ Nguyễn Ngần và anh em đồng nghiệp đóng góp ý kiến. Chị hiểu để có một bức tranh cổ động thực sự có giá trị nghệ thuật là một điều không dễ dàng, phải có cách thể hiện riêng, cái nhìn riêng, thoát khỏi lối mòn trong dựng hình, sử dụng màu sắc và thể hiện bố cục. Chị nói: "Mình đã chọn cách thể hiện cô đọng với bố cục đơn giản nhưng khúc chiết. Đường nét phải rõ ràng, thể hiện cảm xúc một cách tinh tế. Màu sắc cũng phải ấn tượng để cuốn hút người xem…". Sự thực, Mỹ Dung đã tự làm giàu xúc cảm của mình bằng những sáng tạo theo tư duy của tuổi trẻ.
Trải nghiệm từ những cuộc thi
Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, lại được sự giúp đỡ của đồng nghiệp ở mọi khía cạnh nên Mỹ Dung đã phát huy tốt khả năng của bản thân. Để khẳng định bản thân, Mỹ Dung đã tham gia các cuộc triển lãm tranh cổ động chào mừng những sự kiện lớn của đất nước, của Hà Nam do ngành văn hóa hay hội mỹ thuật từ Trung ương đến địa phương tổ chức.
Trong vòng 7 năm qua, chị đã tham gia hơn 10 cuộc triển lãm, cuộc thi sáng tác tranh cổ động với gần 10 tác phẩm đoạt giải cao, trong đó có giải Nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động 70 năm Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016); giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017); giải Ba cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Tháng 4 năm 2020, Nguyễn Thị Mỹ Dung cùng với họa sỹ Nguyễn Ngần giành ba giải cao nhất cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Nguyễn Thị Mỹ Dung đã giành 2 giải Nhất và Nhì với các tác phẩm “Người đi tìm hình của nước” và "19/5/1890 - 19/5/2020". Chia sẻ về cuộc thi này, chị nói: “Chủ đề về Hồ Chí Minh luôn làm rung động trái tim tôi, trong nhiều năm qua tôi đã sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. Đến cuộc thi này, tôi đã chắt lọc tất cả những gì cô đọng nhất trong trái tim tôi dành cho Bác để sáng tạo nên tác phẩm. Đó là sự yêu kính và ngưỡng mộ của người trẻ tuổi với một lãnh tụ vĩ đại, đặc biệt nhất trên thế giới này!”.
Theo Mỹ Dung, bên cạnh chị có nhiều họa sỹ giỏi, mỗi người có cách thể hiện khác nhau và Dung muốn làm mới tác phẩm, không thể hiện theo cách kể chuyện truyền thống… Và, cuộc thi này cũng thật đặc biệt với Dung, bởi vì chị không hề có dự định tham gia từ đầu. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi từ cuối năm 2019, đó là thời gian chị vừa trải qua cú sốc lớn tưởng như khó có thể vượt qua. Bố mất sau hai tháng điều trị ung thư được 2 tuần thì đứa con trai đầu lòng của Dung bị đuối nước qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, chị phải nghỉ việc hàng tháng trời. Để giúp Dung vượt lên nỗi đau, tiếp tục cuộc sống và công việc, họa sỹ Nguyễn Ngần cùng với anh chị em đồng nghiệp động viên chị tham gia cuộc thi. Vào những ngày cuối cùng Ban tổ chức nhận tác phẩm, Dung mới hoàn thành. Xuất phát từ tình cảm dành cho Bác, cộng với ý tưởng từ một bài thơ của nhà thơ Chế Lan Viên, Mỹ Dung đã đưa hình ảnh của Bác vào tác phẩm với một cách thể hiện riêng biệt, rất ấn tượng. Họa sỹ Nguyễn Ngần nói: "Người xem bị hút vào tác phẩm đầu tiên bởi màu sắc của bức vẽ. Bố cục đơn giản, nhưng lại tạo sự chú ý bởi cách tạo hình sáng tạo của tác giả khi đặt hình ảnh Bác Hồ ở mép phải của bức tranh. Cả một khoảng rộng bên trái là hình đất nước giản dị, gần gũi và lắng đọng tâm tư… Chú thích thực sự cô đọng bằng nhan đề bài thơ của Chế Lan Viên "Người đi tìm hình của nước". Nhìn vào bức vẽ ấy, người xem hiểu được ngay nội dung, cảm được ngay cái hồn của tác phẩm cũng như cảm xúc của tác giả gửi vào đó".
Thêm một tin vui những ngày cuối tháng 4, Nguyễn Thị Mỹ Dung lại giành giải Nhì cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 45 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2020). Với Dung, tranh cổ động là một sự trải nghiệm thú vị. Sự sáng tạo trong nghề nghiệp đã làm cho Dung không chỉ vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường mà chị có những người bạn, người thầy giúp chị đi đến thành công…
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.