Hoạt động nghiên cứu sưu tầm ở Hà Nam - Nhiều cái khó

Văn học - Nghệ thuật 06:21 31/12/2019 Chu Uyên
Hơn 20 năm tái lập tỉnh, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Hà Nam đã đóng góp tích cực vào việc làm nổi bật, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ này càng ngày càng gặp khó do tuổi cao, sức khỏe yếu, việc trẻ hóa đội ngũ không thực hiện được…

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Văn Điềm (phải ảnh) đã ngót 100 tuổi, rất tâm tư với hoạt động nghiên cứu sưu tầm của hội.

Thời gian hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của những nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hà Nam đến nay người nhiều cũng hơn nửa thế kỷ, người ít cũng ba chục năm có lẻ. Ông Nguyễn Tế Nhị nhớ lại, vào những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ trước ông đã bắt đầu công việc nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Nam Hà (tỉnh cũ của Hà Nam và Nam Định). Những công trình lớn đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị như tuyển tập ca dao, tục ngữ Nam Hà, Giai thoại Nguyễn Khuyến (đồng tác giả với nhà nghiên cứu Bùi Văn Cường)… Tỉnh Nam Hà bấy giờ khá lớn, địa bàn hoạt động rộng, phương tiện đi lại khó khăn, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm vì đam mê, vì trách nhiệm với văn hóa truyền thống mà không quản ngại khó khăn, gian khổ để làm việc.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Cường kể, khi tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Liễu Đôi (một vùng đất cổ ở Thanh Liêm, gồm 5 xã Thanh Bình, Thanh Lưu, Liêm Cần, Liêm Thuận và Liêm Túc), ông đạp xe từ Nam Định về đó tá túc nhà dân hàng tháng trời. Cơm niêu, nước lọ, hàng ngày đi đến từng thôn, xóm ở Liễu Đôi để “nhặt nhạnh tư liệu”, ghi chép, chụp ảnh… 

Ông Cường nói: “Không ai biết mệt mỏi hay chán chường. Lúc ấy còn trai tráng, tình cảm với văn nghệ rất sâu nặng, đặc biệt khi đi vào đời sống nhân dân mới phát hiện ra, chính họ là những người đã giúp các cơ quan văn hóa quản lý một kho tàng văn nghệ dân gian đồ sộ, phong phú và vô cùng độc đáo. Có những cụ già thuộc lòng hàng nghìn câu thơ cổ, giống như một bản trường ca nói về sự tích những nhân vật sống trong tâm thức và hiển linh trong đời sống tâm linh của con người bao đời nay ở vùng quê nghèo này”. Và bắt đầu từ năm 1975, những tập sách đầu tiên về văn hóa Liễu Đôi được xuất bản. Đó là những câu truyện cổ được ghi chép, kể lại trên vùng đất Liễu Đôi thông qua trí nhớ của những người dân. Đó là những truyện thơ có một không hai ở Hà Nam kể về sự tích vua Lê Hoàn cùng nghĩa quân khởi nghĩa đánh giặc, bảo vệ non sông. Và, nổi bật nhất vẫn là sự tích Hội vật võ Liễu Đôi, một loại hình văn hóa dân gian truyền thống thể hiện sức mạnh ý chí, nghị lực, sức mạnh thân thể được tạo nên nhờ sự rèn luyện và tình yêu với đất nước, quê hương… 

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam có tầm cỡ thừa nhận, nếu không khai quật được hệ thống kho tàng văn nghệ dân gian Liễu Đôi thì tự nhiên chúng ta đã đánh mất đi vốn quý không bao giờ có được. Bởi lẽ, văn hóa Liễu Đôi thực sự đã làm nên giá trị văn hiến có ý nghĩa đối với Hà Nam, để giờ đây, nói đến văn hiến Hà Nam không thể không nói đến những gì đang tồn tại ở Liễu Đôi.

Sau những công trình có giá trị của nhóm nhà nghiên cứu Nguyễn Tế Nhị, Nguyễn Văn Điềm, Bùi Văn Cường, Bùi Đình Thảo, nhiều nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian khác cũng bắt tay vào hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, như Trần Đình Lợi, Lê Hữu Bách, Nguyễn Thế Nữu, Lương Hiền, Phạm Trọng Lực… Mỗi người một mảng đề tài, nhưng tựu trung đều mang lại những thành tựu rất nổi bật. Đó là sự ra đời của một loạt công trình, tác phẩm về hát Dậm Quyển Sơn gắn với di tích lịch sử và lễ hội đền Trúc Thi Sơn - Kim Bảng, về hát Lải Lèn Bắc Lý, về hát Giao duyên vùng ngã ba sông Móng, về hát Chầu văn, hát Chèo, hát Trống quân, dân ca Hà Nam; đó là những ảnh hưởng của phong tục, tập quán, truyền thống hiếu học đến việc hình thành nhân cách, phẩm giá của các bậc danh sỹ qua nhiều triều đại lịch sử trên mảnh đất này… Tên tuổi của những bậc hiền sỹ cũng được xướng lên thành bài, thành bản lưu truyền hậu thế, vừa mang ý nghĩa tôn vinh tài đức của tiền nhân, vừa giáo dục truyền thống, nhân cách cho các thế hệ người Hà Nam.

Hơn hai mươi năm qua, đóng góp của những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Hà Nam vô cùng lớn. Mặc dù ở tuổi ngoài 80, nhưng nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Bùi Văn Cường vẫn tiếp tục cho ra đời một công trình đồ sộ “Hoàn vương Ca tích”. Tại Hội thảo “Lê Hoàn, quê hương và sự nghiệp” (năm 2016), Giáo sư Phan Huy Lê nhận xét: “Có thể nói đây là một tác phẩm cực kỳ hiếm hoi, đến bây giờ tôi chỉ thấy duy nhất bản trường ca. Tôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp cho một bản về đọc, thấy rất thú vị. Bản trường ca này dài tới trên 8.000 câu mà diễn tả lại, tất nhiên dưới góc độ của văn học nhưng nó vẫn giữ được cốt cách lịch sử… Trên cơ sở đó ta có thể khẳng định vùng Thanh Liêm là quê gốc của Lê Hoàn, ta khẳng định từ thời ông nội của Lê Hoàn là ở đây, rồi sau đó Lê Hoàn trở về đây rất nhiều lần, đặc biệt là thời gian xây dựng lực lượng quân sự để tham gia sự nghiệp định loạn 12 sứ quân”…

Thế nhưng, đằng sau những thành tựu ấy là sự dày công, tốn sức của các tác giả đã cống hiến và hy sinh một cách thầm lặng. Hầu hết, họ tự bỏ tiền in những tác phẩm ấy. Điều buồn nhất, rất nhiều tác phẩm, công trình dù được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam xét thưởng, được xét Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến… nhưng sau đó không được quảng bá, không được mở lối đến với độc giả, đến với nhân dân. Vì thế, giá trị văn hóa lịch sử của những công trình ấy đã bị hạn chế; tâm huyết của những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm bị vơi cạn; nhận thức của nhân dân về văn hóa truyền thống bản địa không được nâng cao… Không ít lễ hội, di tích, những di sản văn hóa lâu đời bị mai một, bị lu mờ trước sự xâm lấn của nhiều loại hình văn nghệ hiện đại… Và, khó khăn lớn nhất đối với bộ môn văn nghệ dân gian của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh là đội ngũ đã già và quá già! Gần chục năm qua, bộ môn này không thể phát triển thêm hội viên, đến nay, bình quân tuổi của đội ngũ bộ môn này 73 tuổi.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường cho rằng: Văn hóa dân gian không chỉ là nguồn lực, tài nguyên mà còn là nguồn lực của du lịch, phát triển kinh tế. Do đó, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian không chỉ là trách nhiệm của Hội Văn nghệ dân gian mà còn cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và cộng đồng.

Nam Uyên

TIN MỚI CẬP NHẬT

Đại hội Hội Doanh nghiệp thành phố Phủ Lý lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Kinh tế  |  17:20 23/11/2024

Chiều 23/11, Hội Doanh nghiệp thành phố Phủ Lý tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Dự đại hội có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đào Đình Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý; Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Phủ Lý; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hội doanh nghiệp các huyện, thị xã và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:39 23/11/2024

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.

Hội Nông dân Bình Lục trao bò vàng sinh sản cho hội viên nghèo 

Đoàn - Hội  |  12:12 23/11/2024

Hội Nông dân huyện Bình Lục vừa tổ chức trao tặng bò vàng sinh sản năm 2024 cho gia đình hội viên Nguyễn Thị Nam, thôn Phú Thủy, xã An Lão. Đây là hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó nhiệt tình với công tác hội.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC