Chiều 23/5, tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, một vài doanh nghiệp vẫn đến để tuyển lao động bình thường. Em Nguyễn Anh Tú, sinh năm 2001, học sinh lớp Trung cấp Văn hóa nghề điện công nghiệp K45D là một trong số những học sinh được Công ty TNHH YKK Việt Nam – Chi nhánh Hà Nam (KCN Đồng Văn III, Duy Tiên) phỏng vấn, tuyển chọn.Đại diện doanh nghiệp đã hỏi Tú về kỹ năng sống, một số thông tin về trình độ, năng lực chuyên môn và tỏ ra hài lòng về chất lượng cuộc phỏng vấn. Tú nói, đây là doanh nghiệp Nhật Bản, chuyên sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan, các nguyên, phụ liệu dùng cho ngành may mặc. Doanh nghiệp rất hài lòng về ý thức kỷ luật đối với lao động, nhưng trước mắt chúng em đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phía doanh nghiệp cho biết, họ vẫn chờ chúng em, khi nào thi xong thì liên lạc lại với bộ phận tổ chức để vào công ty làm việc…
Trung bình mỗi tuần, nhà trường đón tiếp từ 2 đến 5 đoàn khách là các doanh nghiệp đến tuyển chọn lao động. Thời điểm sôi động nhất vẫn là dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi học sinh, sinh viên chuẩn bị ra trường hoặc nghỉ hè, nhà trường phải tiếp 10 đoàn một tuần. Những nghề dễ dàng có vị trí việc làm tốt hiện nay phải kể đến công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cơ khí. Đặc biệt, nghề hàn dễ có việc làm và thu nhập cao, nhưng số lượng sinh viên học nghề này không nhiều. Theo ông Đỗ Quang Triệu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, sở dĩ nghề hàn được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liệt vào danh sách những nghề độc hại. Học sinh, sinh viên nào vào trường học nghề này được miễn giảm 70% học phí. Đa số phụ huynh không cho con em mình học nghề này vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhà trường vẫn duy trì các lớp nghề, bảo đảm nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Ông Đỗ Quang Triệu cho biết: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề đối với nhà trường là nhiệm vụ sống còn. Không thể nói không đào tạo được nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển công nghiệp địa phương khi hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển nhanh chóng, nhu cầu lao động bậc cao tương đối lớn. Cơ sở đào tạo nghề chính là địa chỉ để doanh nghiệp tìm đến. Vì thế, hơn chục năm qua, nhà trường luôn quan tâm đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị theo hướng nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; duy trì đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học, tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập, sản xuất, liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Tất cả những kiến thức học sinh, sinh viên học được phải áp dụng được linh hoạt trong thực tiễn đời sống, công việc.
Theo ông Phạm Minh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, kể từ khi trường được nâng cấp thành cao đẳng, việc mở rộng liên kết đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến trường tìm nguồn, đồng thời học sinh, sinh viên được tư vấn, chọn việc và quyết định thu nhập của bản thân. Sau hơn 10 năm thực hiện mở rộng liên kết đào tạo, tìm kiếm thị trường lao động, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã “bắt tay” với gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp vẫn còn thiếu rất nhiều. Đã có nhiều doanh nghiệp trực tiếp đặt hàng đào tạo lao động bậc cao, tổ chức liên kết trong đào tạo, sinh viên được đến tận doanh nghiệp thực hành, làm việc và có thu nhập ngay khi đi thực tập… Thế nhưng, số lượng sinh viên nhà trường đào tạo được mỗi khóa đều không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp.
Được biết, mỗi năm, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam được giao tuyển 250 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 400 chỉ tiêu hệ trung cấp. Nhưng, số học sinh chọn học hệ cao đẳng chỉ đạt dưới 50% chỉ tiêu, hệ trung cấp luôn vượt mức chỉ tiêu từ 50 đến 90 học sinh. Nguyên nhân là do nguồn học sinh sau lớp 9 trên địa bàn tỉnh hầu hết vào học các trường THPT. Có điều kiện, có cơ hội, cộng với tâm lý trọng bằng cấp của đại đa số người dân đã làm cho hàng nghìn học sinh bước qua cánh cổng trường nghề, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho mục tiêu có được tấm bằng đại học. Trong khi, học sinh, sinh viên ở các cơ sở dạy nghề hiện nay luôn nằm trong “tầm ngắm” của doanh nghiệp, chưa cần ra trường đã có doanh nghiệp tìm đến mời về làm việc thì số sinh viên đại học ra trường không tìm được việc làm vẫn còn hàng vạn người. Những người có được việc làm để giải quyết nhu cầu đời sống tại các doanh nghiệp hầu hết phải giấu bằng đại học, chấp nhận làm lao động phổ thông…
Giang Nam
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.