Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Hà Nam hiện nay. Mùa Xuân chính là thời điểm lý tưởng nhất để hoạt động du lịch tâm linh khai thác tiềm năng, thế mạnh từ những di tích và lễ hội của các địa phương ở Hà Nam. Khai thác du lịch văn hóa tâm linh đối với Hà Nam trên cơ sở kết hợp với một số khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như: “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “Chùa Hương - Tam Chúc”, tuyến kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định)...
Là một trong 10 tỉnh của cả nước có số lượng lớn di tích, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc, Hà Nam có 1.892 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt; 98 di tích quốc gia còn lại là di tích cấp tỉnh). Đáng chú ý, qua các đợt điền dã, khảo sát năm 2021-2022, ngành văn hóa đã nghiên cứu, phát hiện, bổ sung thêm hàng chục di tích, dấu tích có lịch sử hình thành từ lâu đời liên quan thời tiền sơ sử, thời Lý/Trần. Ông Mai Thành Chung, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), cho rằng: Di tích lịch sử là đối tượng khai thác của hoạt động du lịch và là nguồn tài nguyên quyết định sự ra đời và phát triển của loại hình du lịch văn hoá. Vì vậy, nếu việc tổ chức khai thác của du lịch bị hạn chế thì di tích lịch sử - văn hoá sẽ giảm thiểu khả năng đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và mất đi nguồn thu quan trọng để đầu tư lại cho việc bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá...
Trên thực tế, dựa trên các giá trị tài nguyên về du lịch văn hóa đa dạng, đặc sắc với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa, gần 200 di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, trò chơi trò diễn dân gian)... nhiều sản phẩm, chương trình du lịch văn hóa đã được xây dựng, khai thác phục vụ khách du lịch, bao gồm: du lịch tìm hiểu các giá trị văn hóa - lịch sử, du lịch gắn với các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa - tâm linh. Trong đó, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch lễ hội hiện đang được coi là sản phẩm chủ đạo thu hút khách du lịch của tỉnh Hà Nam. Sản phẩm này được khai thác dựa trên giá trị tài nguyên du lịch văn hóa nổi trội, đặc sắc và quan trọng bậc nhất của tỉnh Hà Nam là Khu Du lịch Tam Chúc, cùng một số điểm văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu khác, như: Chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm Nhà văn - Liệt sĩ Nam Cao; lễ hội Tịch điền Đọi Sơn; lễ hội phát lương đền Trần Thương… Trong vòng 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch của tỉnh Hà Nam đạt mức 25,07%/năm, tổng thu từ du lịch đạt 49,25%. Đây là những con số ấn tượng, không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh mà còn khẳng định tầm quan trọng, giá trị thực tiễn lớn lao của di tích lịch sử - văn hoá nói chung và văn hóa tâm linh nói riêng. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khẳng định: Đối với tỉnh Hà Nam, những tài nguyên văn hóa này là nền tảng quan trọng để xây dựng đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách du lịch, tạo môi trường và điều kiện cho du lịch của tỉnh phát triển. Vấn đề cốt lõi là làm sao có thể đồng thời vừa bảo tồn vừa khai thác tốt nguồn tài nguyên văn hóa của địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nam.
Thực tế, chỉ trong vòng 10 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, lượng khách du lịch đến Hà Nam đạt 587.000 lượt người, trong đó có 8.500 khách quốc tế, doanh thu du lịch tăng 26% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2024. Những khu điểm du lịch tâm linh có sức hút lớn đối với du khách vào mùa xuân, như: chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, đền Lảnh Giang, đền Trần Thương… du khách đến đông bắt đầu từ mùng 2 Tết. Chỉ tính riêng ở địa bàn huyện Thanh Liêm, lượng khách du lịch đến các ngôi chùa đạt gần 80.000 người trong 10 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ (năm 2024, cùng thời điểm này, lượng khách đến các khu điểm tâm linh này đạt ngót 100.000 lượt người). Ngoài các dịch vụ du lịch phát triển theo, dịch vụ xe ôm chở khách vào chùa đã tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng nghìn lao động nông thôn trong khu vực. Anh Đỗ Xuân Độ, một lái xe ôm tại chùa Địa Tạng Phi Lai (xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm) cho biết, mỗi ngày làm việc tại khu vực chùa, anh cũng kiếm được trên dưới 500 nghìn đồng. So với năm ngoái, mức thu nhập hiện tại có kém hơn nhưng đó cũng là khoản tiền công không dễ kiếm với lao động tự do dịp “tháng ba ngày tám” này.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: Hà Nam hiện có những khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh vô cùng đặc sắc. Chùa Tam Chúc với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, đẹp mê hồn và các công trình kiến trúc đồ sộ, có một không hai rất đáng để du khách đến tham quan, chiêm bái và tìm hiểu các giá trị văn hóa ở đây. Ngoài ra, những ngôi chùa cổ như: Địa Tạng Phi Lai, Cây Thị… đang hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp mộc mạc, thâm nghiêm của nó. Người ta đến đó không chỉ vãn cảnh mà còn mong muốn hiểu biết thêm các giá trị văn hóa tâm linh. Bám sát xu hướng phát triển du lịch tâm linh, Hà Nam nên quan tâm tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Tuy vậy, nhiều du khách đến thăm chùa Địa Tạng Phi Lai đã bày tỏ ý kiến về hạ tầng giao thông còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là việc phải để phương tiện cá nhân cách xa khu vực chùa với điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện không có; tình trạng tranh giành khách của một bộ phận xe ôm gây ức chế cho du khách trước khi vào chùa… Tại chùa Tam Chúc, giá vé tàu thuyền vào chùa quá cao gây bức xúc cho nhiều du khách khi đi tham quan, chiêm bái du xuân nhưng không có nhu cầu đi tàu thuyền. Ngoài ra, dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ du khách ở các khu, điểm du lịch còn hạn chế... Chia sẻ quan điểm về việc làm thế nào để du lịch tâm linh trở thành một dòng sản phẩm du lịch chính, có sức hút, có vai trò thúc đẩy các loại hình du lịch khác phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh: Hà Nam cần khai thác, phát huy có hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa để phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng, tạo ra các sản phẩm mang tính thương hiệu và giá trị gia tăng cao; ưu tiên xây dựng các sản phẩm dựa trên thế mạnh khai thác chiều sâu các giá trị văn hóa - tâm linh, lấy Quần thể danh thắng Tam Chúc làm trung tâm kết nối với các điểm du lịch văn hóa - tâm linh khác. Đồng thời, xây dựng các không gian văn hóa mang đậm âm hưởng Phật giáo trong Khu Du lịch Tam Chúc với các dịch vụ chất lượng: dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu và các liệu pháp cổ truyền, trải nghiệm Thiền, Yoga, tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian…
Còn theo PGS,TS Trần Đức Thanh, nguyên Trưởng khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), sự phát triển của du lịch Hà Nam thời gian qua vẫn đang ở bước tăng trưởng ban đầu với biểu hiện gia tăng về quy mô đáp ứng nhu cầu lượng khách du lịch tăng nhanh. Khách du lịch có sự tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu về lượng, phần lớn là khách tham quan trong ngày. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, hiện mới đáp ứng một phần nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt vào dịp cao điểm... Từ thực tế này, ông nêu quan điểm: Trước những cơ hội, thách thức đan xen, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình xuyên Việt của khách du lịch, theo tôi, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục định hướng khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch Hà Nam gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương và vùng miền trên cả nước; đồng thời, cần phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt vào các dịp cao điểm, như thời điểm mùa xuân. Mặt khác, cần tạo sản phẩm du lịch mang tính khác biệt từ những giá trị tài nguyên du lịch đặc thù của Hà Nam; chú trọng nâng cao trải nghiệm của du khách như: sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, kỳ nghỉ tại chỗ, du lịch thể thao, du lịch sinh thái… từ đó tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của du khách tại Hà Nam.
Thực hiện: Chu Uyên
Thiết kế: Đức Huy
Vào ngày 30/4, Sun World Hà Nam, tọa lạc bên trong đô thị Sun Urban City, Thành phố Phủ Lý đã chính thức mở cửa đón khách, đánh dấu sự xuất hiện của một điểm đến giải trí mới thu hút khách du lịch tại Hà Nam.
Trong không khí hân hoan, tự hào kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), hoà nhịp với hàng triệu trái tim trên cả nước, người dân Hà Nam đã hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam sáng 30/4.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, trên cả nước, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hà Nam đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Xuân Thệ (ảnh) , nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người con quê hương Hà Nam - một nhân vật lịch sử; người đã trực tiếp cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 bắt Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của dân tộc…, để được cùng ông sống lại trong thời khắc lịch sử hào hùng đó của dân tộc; được hiểu thêm những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.