Sản xuất nông nghiệp hướng đến giảm phát thải khí nhà kính

Nông nghiệp 05:21 05/01/2025 Manh Hùng
Phát thải khí nhà kính đối với nông nghiệp chú yếu ở các lĩnh vực chính, như: trồng lúa nước, quản lý đất và sử dụng phân bón, chăn nuôi. Với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…

Để phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Các mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ làm hạt nhân được xây dựng và nhân rộng, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ: Quế Lâm, Sông Gianh, phân bón lá hữu cơ “PAN” – Nano Canxi Silic... Hiện, ngành NN & PTNT cũng đã thực hiện lập bản đồ phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước của tỉnh để các địa phương áp dụng trong quá trình bón phân cho lúa cân đối và hiệu quả. Qua đánh giá sơ bộ lượng phân đạm sử dụng trong trồng lúa đã giảm đến 60% so với cách đây hơn 10 năm. Hệ thống thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ từ công trình trạm bơm đầu mối đến kênh mương nội đồng giúp công tác tưới, tiêu chủ động cho mùa vụ. Lúa hiện không còn tình trạng ngập nước liên tục như trước đây, hạn chế việc phát thải khí metan do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí (ruộng ngập nước).

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và các loại cây màu hàng hóa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp hạn chế phát thải khí metan và nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác. Những diện tích chuyển đổi trồng cây ăn quả, cây màu hàng hóa (ngô nếp, dưa chuột…) đều cho giá trị bình quân gấp từ 1,5 – 3 lần trở lên so với cấy lúa trước đây. Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Sản xuất trên đồng ruộng của tỉnh đang có sự thay đổi đáng kể từ tập quán canh tác đến ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới. Hiệu quả từ hướng đi mới giúp nâng cao giá trị, lợi nhuận và bảo vệ môi trường.

Diện tích chuyển đổi trồng dưa chuột trên đất lúa tại xã Trịnh Xá (TP Phủ Lý) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với trồng trọt, công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi cũng được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.600 trang trại chăn nuôi, gồm: 750 trang trại chăn nuôi lợn, 600 trang trại chăn nuôi gia cầm, 250 trang trại chăn nuôi đại gia súc. Trong đó, có 14 trang trại quy mô lớn (nuôi trên 1.500 con lợn thịt, nằm trong khu chăn nuôi tập trung) được phê duyệt hồ sơ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm theo quy định. Một số trang trại lớn đã đầu tư hệ thống máy ép phân, hệ thống hầm biogas tiên tiến có thể tích lên đến hàng trăm m3, hệ thống xử lý nước thải công nghệ vi sinh bảo đảm quy định về môi trường như: Công ty TNHH lợn giống Dabaco, Công ty cổ phần tổng hợp Hà Nam… Với các trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ đa số hình thành trước năm 2020 (trước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực), nằm đan xen trong khu dân cư hầu hết đều được người dân áp dụng xây hầm biogas, hồ sinh học, sử dụng đệm lót sinh học... Nhiều hộ chăn nuôi đang sử dụng hiệu quả men vi sinh phối trộn với thức ăn và phun trên nền chuồng để hạn chế ô nhiễm môi trường. Sở NN & PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi & Thú y, Trung tâm Khuyến nông…) thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở, hộ chăn nuôi quy trình, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi mới; hướng dẫn biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học... Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, tái sử dụng chất thải để sản xuất phân bón và hỗ trợ các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ được xây dựng. Toàn bộ chất thải, nước thải chăn nuôi được đưa ra ruộng bón cho diện tích cỏ, ngô làm thức ăn xanh. Điển hình như trang trại chăn nuôi bò thịt tại Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung xã Vũ Bản (Bình Lục) có quy mô hơn 70 con, toàn bộ chất thải chăn nuôi được đưa ra khu bể lắng sau đó đưa lên diện tích gần 7 ha trồng cỏ voi và ngô tạo nguồn thức ăn xanh trở lại cho bò bảo đảm chất lượng. Ông Nguyễn Văn Quýnh, chủ trang trại chia sẻ: Với quy trình chăn nuôi tuần hoàn của trang trại hiện nay, chất thải của đàn bò đều được sử dụng hiệu quả. Đây là loại phân hữu cơ chất lượng, thay thế toàn bộ phân hóa học, không bị bỏ ra môi trường tự nhiên. Lợi nhuận trong chăn nuôi bò thịt được tăng lên trên 20% so với phải mua thức ăn xanh từ bên ngoài.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Đối với 2 vụ lúa việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện nay toàn bộ lượng rơm, rạ đều ở trên ruộng. Thời vụ sản xuất giữa 2 vụ lúa (vụ xuân và vụ mùa) quá ngắn chỉ khoảng 15  - 20 ngày và chủ yếu áp dụng phương pháp đưa nước vào dầm đất sẽ dẫn đến xảy ra tình trạng phân hủy gốc rạ gây ra yếm khí. Trong chăn nuôi lợn, những trang trại có mật độ dày, thể tích các hầm biogas nhỏ (khoảng 10 – 20 m3), chưa đảm bảo nên vẫn còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường…

Để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, thiết nghĩ thời gian tới, ngành nông nghiệp cần có giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng biện pháp kỹ thuật xử lý việc phân hủy chất hữu cơ từ rơm, rạ trên đồng ruộng. Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư mua máy cuộn thu gom rơm rạ sau thu hoạch phục vụ chăn nuôi, trở thành giá thể trồng nấm rơm, nấm sò; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, đẩy mạnh phát triển mô hình tuần hoàn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Về phía chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác quản lý cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư và trang trại trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết áp dụng các biện pháp xử lý môi trường.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp

“Công tác nhân sự là công việc rất quan trọng của mỗi kỳ đại hội Đảng. Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Do đó, công tác nhân sự phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng”. Đó là kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây.

Xe khó khởi động lúc trời lạnh, chuyên gia tiết lộ mẹo đơn giản để khắc phục

Ô tô - Xe máy  |  05:52 08/01/2025

Ắc quy ô tô thường hỏng khi nhiệt độ giảm mạnh. Khi đó, buộc chủ xe phải kích nổ hoặc sạc lại bình, gây không ít phiền phức ngoài ý muốn.

Thị trường bán lẻ hàng thời trang truyền thống gặp khó

Thương mại - Dịch vụ  |  05:52 08/01/2025

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen cho các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có mặt hàng thời trang. Các cửa hàng kinh doanh hàng thời trang truyền thống phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng, mẫu mã trong khi lượng khách vãng lai giảm sút mạnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC