P.V: Ông có những đánh giá gì về sự tồn tại, phát triển của rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Trương Quốc Hưng: Là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên Hà Nam không có nhiều diện tích rừng. Theo đó, rừng Hà Nam được phân bố trên địa bàn 18 xã/thị trấn thuộc các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục và thị xã Duy Tiên; trong đó, tập trung chính ở huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng với tổng diện tích là 5.374,7 ha chiếm 99,4% diện tích rừng của toàn tỉnh.
Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu là rừng tái sinh trên núi đá vôi với thảm thực bì và các loài cây thấp không có trữ lượng gỗ do UBND cấp xã quản lý, bảo vệ. Diện tích trồng rừng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng được giao về cho UBND cấp xã quản lý và khoán cho các hộ trồng rừng. Rừng trồng chủ yếu là cây keo, thông lấy nhựa và một số cây ăn quả nhãn, vải chua.
Rừng tự nhiên có hệ động, thực vật còn khá phong phú, đa dạng, có các loài quý hiếm như: khỉ vàng, culi, hồng hoàng, xạ đen, lan kim tuyến, chè hoa vàng… Đặc biệt, có sự tồn tại của Vọoc mông trắng, một loài linh trưởng đặc hữu, nằm trong danh sách các loài bị đe dọa cực kỳ nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Diện tích rừng của tỉnh phần lớn có nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn. Trong giai đoạn hiện nay rừng còn có vai trò rất quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen, du lịch sinh thái... Vì vậy, tỉnh ta đang triển khai xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn loài – sinh cảnh Voọc mông trắng. Việc thành lập khu bảo tồn đem lại lợi ích rất rõ ràng, bảo vệ Voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới, cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm khác ở rừng Kim Bảng. Khu bảo tồn loài sinh cảnh Voọc mông trắng nằm liền kề Khu du lịch Tam Chúc, nhiều tiềm năng phát triển du lịch, phát triển kinh tế xanh bền vững.
P.V: Để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, ngành đã triển khai những biện pháp gì?
Ông Trương Quốc Hưng: Rừng của tỉnh chủ yếu vẫn do UBND cấp xã quản lý nên trong công tác bảo vệ và phát triển rừng các cơ quan, đơn vị chức năng đã có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, linh hoạt với các địa phương có rừng, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Đối với công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức trồng rừng lại sau khai thác, chủ yếu với cây keo trên diện tích rừng sản xuất; đôn đốc, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn các tổ, đội bảo vệ rừng làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát ngăn chặn kịp thời các vi phạm như: khai thác động, thực vật trong rừng... Do vậy, rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt. Số vụ vi phạm về bảo vệ rừng, số vụ cháy rừng đều giảm. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; công tác trồng rừng thay thế được các đơn vị, tổ chức và người dân nghiêm chỉnh chấp hành.
P.V: Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện vẫn còn không ít khó khăn, theo ông nguyên nhân ở đây là gì?
Ông Trương Quốc Hưng: Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do hoạt động khai thác khoáng sản, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý và bảo vệ rừng ở một số nơi còn chưa tốt. Có thời điểm vẫn xuất hiện đám cháy nhỏ, tuy chưa ảnh hưởng đến rừng nhưng là nguy cơ mất an toàn cho rừng. Việc săn bắt động vật rừng vẫn còn xảy ra. Ngân sách địa phương bố trí hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp còn hạn chế; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa được triển khai dẫn đến chưa huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế rừng.
Nguyên nhân cơ bản của những vấn đề này là do, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong phát triển lâm nghiệp ở một số cấp chính quyền cơ sở chưa cao; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; rừng tự nhiên chủ yếu trên núi đá vôi diện tích nhỏ lẻ, manh mún không liền lô, khoảnh, hiểm trở khó tiếp cận; rừng nằm cạnh các công trường khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng rất dễ xảy ra cháy do các hoạt động sản xuất; rừng trồng nằm cạnh khu dân cư và các công trình tâm linh nên công tác quản lý, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó, nhận thức và trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng của một bộ phận người dân sinh sống gần rừng chưa cao, vẫn còn để xảy ra một số vụ việc vi phạm như: đặt bẫy bắt thú rừng, gây cháy rừng ở quy mô nhỏ...
P.V: Vậy giải pháp quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Trương Quốc Hưng: Hằng năm, các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nắm vững tình hình địa bàn; đề xuất, tham mưu kịp thời với lãnh đạo ngành và chính quyền các địa phương đưa ra những giải pháp, biện pháp kịp thời bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, tập trung bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng hiện có; tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng, kế hoạch trồng rừng thay thế; quản lý chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên toàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm; theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng...
Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới, đề nghị các cấp có thẩm quyền và các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt đề án thành lập khu bảo tồn loài – sinh cảnh Vọoc mông trắng huyện Kim Bảng. Đây là biện pháp lâu dài giúp bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được xã hội hóa để tỉnh Hà Nam nói chung và rừng Hà Nam nói riêng luôn là điểm đến an toàn, tin cậy, lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ rừng trực tiếp bằng nhiều hình thức đến cơ sở, người dân; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắt, hái lượm động thực vật rừng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.