Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Ngân hàng thương mại Nhà nước; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Tính đến sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập úng do hoàn lưu sau bão đã làm 348 người chết và mất tích, trong đó 281 người chết và 67 người mất tích. Hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bão số 3 là cơn bão có cường độ lớn, tốc độ cao, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều, thời gian lưu bão dài, gây mưa lũ lớn trên diện rộng, hậu quả nghiêm trọng cả về người, tài sản, vật chất và tinh thần.
Ngay trước, trong và sau bão số 3, Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến để ứng phó kịp thời. Bộ Chính trị đã họp nghe báo cáo tình hình, ra kết luận chỉ đạo. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị đã trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo, đôn đốc về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập úng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập úng; bảo đảm an toàn hồ thủy điện Thác Bà, đê Hoàng Long, điều hòa các hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là lực lượng chủ công, trực tiếp tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập úng đã phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng; người dân tin tưởng, ủng hộ, đoàn kết thực hiện phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng dẫn… Nhờ đó, đã giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Với tinh thần “Tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất nhiệm vụ giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), báo cáo của các địa phương đến 16h ngày 14/9, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã có 190.358 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng; Nam Định; Bắc Giang; Thái Bình; Hà Nội; Hải Dương; Hà Nam,…; 48.727 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 31.745 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết; đã xảy ra 305 sự cố đê điều...
Nhằm sớm khắc phục những thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra, trước mắt, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương bị ảnh hưởng khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại đối với sản xuất nông lâm ngư nghiệp và hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2027/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật xử lý môi trường chăn nuôi sau bão, lũ. Theo dự báo, hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao (báo động 3, trên báo động 3), uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều, các địa phương cần tiếp tục công tác hộ đê, xử lý kịp thời các sự cố đê, tránh tình trạng chủ quan, lơ là bởi khi lũ rút sẽ phát sinh nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Sau khi lũ rút, khẩn trương khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều, xử lý sạt lở do bão, mưa lũ gây ra (tập trung vào các sự cố đê điều; nâng cấp các đoạn đê không bảo đảm an toàn chống lũ). Khôi phục công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước mặt ruộng. Tổ chức nạo vét khẩn cấp các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương bị bồi lấp. Khẩn trương xử lý các vấn đề về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; sớm sửa chữa các công trình cấp nước đầu mối; thay thế các hệ thống ống bị hư hỏng; vệ sinh hệ thống đường ống bị ngập nước; thay thế sửa chữa các hệ thống điện, máy bơm, tủ điều khiển nếu bị ngập nước để vận hành an toàn.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương phân loại mức độ bị ảnh hưởng của các vườn cây để có hướng xử lý phù hợp theo quy trình hướng dẫn của Bộ. Chuẩn bị đầy đủ nguồn cây giống, hom giống bảo đảm chất lượng tốt, có xuất xứ rõ ràng để trồng lại; hỗ trợ bà con nông dân có đủ chủng loại giống rau màu. Ngoài ra, các địa phương, ngành chức năng cần rà soát để cung ứng đủ nguồn chế phẩm sinh học xử lý đất để hạn chế bệnh hại trong đất trên các cây rau ăn củ, ăn quả; rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai, hạn chế các thiệt hại do thiên tai gây ra. Tổ chức khảo sát đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn nước cấp cho công trình, mức độ hư hỏng do lũ lụt để có giải pháp sửa chữa hoặc lựa chọn giải pháp cấp nước khác hiệu quả hơn; đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn đảm bảo an toàn; kéo dài tuyến ống từ các nhà máy nước đô thị cho các khu vực nông thôn, nhất là các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai; xử lý khẩn cấp các vị trí đê điều xung yếu, sạt lở bờ sông, bờ biển; tiếp tục đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu thoát nước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng; tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên bố trí kinh phí trong giai đoạn đầu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và dự phòng ngân sách hằng năm của địa phương và trung ương cho công tác phòng, chống thiên tai.
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương, rà soát thống kê đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ ngay cho nhân dân theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trường hợp thiệt hại lớn, ngân sách dự phòng địa phương đã sử dụng nhưng không đáp ứng yêu cầu, đề nghị UBND các tỉnh báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp bổ sung kinh phí để thực hiện. Chỉ đạo các đơn vị thuế, ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm 100% thuế các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục cho vay với quy trình thủ tục rút gọn để sớm phục hồi sản xuất.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đề xuất các giải pháp khắc phục những thiệt hại sau bão, lũ gây ra: Tập trung ưu tiên vốn đầu tư công cho công tác dự báo thời tiết, dự báo nguy cơ sạt lở; đầu tư các phương tiện kỹ thuật cho các lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ; khôi phục hạ tầng giao thông; bảo đảm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; triển khai quyết liệt các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững trụ cột kinh tế; thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất; thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; đối với 17 điểm trường bị thiệt hại nặng, đề nghị các địa phương bố trí nguồn kinh phí trước mắt dựng trường lớp tạm để các nhà trường triển khai nhiệm vụ năm học. Tiếp tục triển khai các biện pháp cứu nạn cứu hộ, tìm kiếm những nạn nhân mất tích; tăng cường vận chuyển lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng bị nạn; khẩn trương xây dựng khu nhà tạm an toàn cho nhân dân. Phấn đấu đến 30/12, hoàn thành khu nhà ở an toàn cho nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ vừa qua theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Về lâu dài, đưa toàn bộ thôn, bản nơi có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn ra khu vực an toàn. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ; mở rộng đối tượng, ngành được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh; giảm lãi suất, tiếp tục cho vay vốn, miễn tiến thuê đất đối với các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, trồng rừng; đề nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư kinh phí khắc phục sớm 2 tuyến đường huyết mạch qua địa phận Cao Bằng (QL 3 và QL 34); lắp biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Riêng đối với lĩnh vực ngoại giao, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục đề nghị Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong công tác phòng chống lụt bão; giảm thiểu tối đa việc xả lũ trên các sông, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa, lũ...
Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị PCLB của các bộ, ngành, địa phương và những đề xuất, kiến nghị rất sát với thực tế công tác PCLB tại các địa phương. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chức năng sớm xây dựng để ban hành Nghị quyết về khắc hậu quả thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống; kiểm soát lạm phát; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng cảm ơn và biểu dương các địa phương, lực lượng công an, quân đội đã hỗ trợ người dân kịp thời. Đặc biệt là các lực lượng chủ công như quân đội, công an, nông nghiệp phát triển nông thôn, công thương, các bộ ngành. Đồng thời, nhắc nhở, phê bình một số địa phương, doanh nghiệp, người dân vẫn còn chủ quan, chưa quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác PCLB.
Nhân đây, Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân và bày tỏ xúc động khi người dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, "tình dân tộc và nghĩa đồng bào", tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách” được lan tỏa mạnh mẽ.
Với mục tiêu không để nhân dân thiếu chỗ ăn, chỗ ở; khôi phục sản xuất kinh doanh; ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung một số giải pháp cấp bách như: tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bệnh, bảo đảm lương thực cho nhân dân; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; bảo đảm hệ thống thông tin thông suốt; ổn định trường lớp để các cháu học sinh sớm được đến trường...
Về giải pháp ổn định đời sống, rà soát chính xác những thiệt hại về người và tài sản; kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành xong công tác hỗ trợ về nhà ở an toàn cho những hộ dân thiệt hại về nhà ở; xây dựng kế hoạch tái thiết các bản, làng, khu tái định cư an toàn; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên vùng bị ảnh hưởng.
Về nhóm giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất- kinh doanh: thống kê thiệt hại, đề xuất giải pháp khôi phục các loại hình dịch vụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các đơn hàng sản xuất; tăng cường các loại hình giao thông vận tải, giảm giá cước bảo đảm chuỗi lưu thông hàng hóa thông suốt. Các ngân hàng bảo đảm an ninh tiền tệ; hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh khai thác khoáng sản; bảo đảm thu ngân sách nhà nước, bảo đảm cung ứng điện, nước, xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất – kinh doanh; kiểm soát lạm phát; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng; đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu; tái cơ cấu các ngành nông nghiệp; xây dựng một số đề án về phòng, chống sạt lở; sụt lún; đề án thương mại tự do; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; ổn định tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tập trung trí tuệ, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp một cách hiệu quả. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, " lá lành đùm lá rách" tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với quan điểm “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” dưới sự chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đang nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân và toàn xã hội.
Chiều 29/11, Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) tổ chức phiên họp đánh giá kết quả thực hiện công tác PCTN,TC thời gian qua, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh về PCTN, TC chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực BCĐ và một số thành viên BCĐ tỉnh về PCTN, TC.
Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua đã kêu gọi tăng cường giám sát động vật để tìm bằng chứng nhiễm cúm gia cầm H5N1 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.