Thực tế, áp dụng công nghệ số được ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đem lại hiệu quả cao. Trên đồng ruộng, ngành đã thực hiện phân tích dữ liệu về môi trường, loại đất, cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng của cây. Tỉnh ta đã xây dựng bản đồ hóa lý tính đất trên phần mềm máy tính chỉ rõ chất đất của từng cánh đồng, vùng, địa phương giúp điều chỉnh, sử dụng phân bón phù hợp trong quá trình chăm sóc. Theo đó, phần lớn diện tích đất trồng lúa của các địa phương đang thừa đạm và cần bổ sung lượng kali cho mùa vụ. Việc đưa máy bay điều khiển từ xa xác định tọa độ, diện tích vùng hoạt động hiện nay chính là áp dụng công nghệ số vào khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp UDCNC đã thực hiện việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng sản phẩm bằng công nghệ số. Điển hình, Khu sản xuất hàng vạn cây hoa lan hồ điệp tại Khu nông nghiệp UDCNC Phù Vân (thành phố Phủ Lý) áp dụng hoàn toàn việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm bằng công nghệ số, điều khiển qua điện thoại thông minh. Sản phẩm lan hồ điệp tại đây luôn nở đúng dịp Tết âm lịch, có độ bền, đẹp phục vụ nhu cầu khách hàng. Diện tích trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn của hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp UDCNC Đồng Du (Bình Lục) sử dụng công nghệ số trong khâu tưới, kiểm tra độ Brix (độ ngọt) của quả để thu hoạch đúng thời điểm và cho chất lượng tốt nhất. Sản phẩm nho hạ đen, nho mẫu đơn của HTX đã được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp UDCNC Đồng Du cho biết: Nho là loại cây trồng mới đòi hỏi kỹ thuật cao nên việc áp dụng công nghệ số rất cần thiết. Khu vườn nho của HTX duy trì được năng suất, sản lượng, chất lượng là nhờ có sự đóng góp quan trọng của số hóa một số khâu sản xuất. Thời gian tới, HTX tiếp tục tìm hiểu và đưa thêm công nghệ số để nâng cao hơn nữa hiệu quả cây trồng.
Với lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ số đã và đang góp phần quan trọng quản lý theo quy trình khoa học, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng. Thực tế, tại các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung trong tỉnh đều cơ bản áp dụng một phần công nghệ số để theo dõi nhiệt độ chuồng trại, tính toán tỷ lệ thức ăn bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất… Tại trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên) đã sử dụng công nghệ số trong nhiều khâu sản xuất (từ theo dõi sức khỏe, sinh sản, thức ăn, đến nhiệt độ, độ ẩm, lượng sữa hằng ngày của mỗi con bò…). Theo ông Nguyễn Văn Can, Giám đốc Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, áp dụng công nghệ số bảo đảm độ chính xác và hiệu quả, đặc biệt phù hợp với bò sữa - là con nuôi công nghệ cao.
Thời gian qua, công nghệ số cũng được ứng dụng trong khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa. Cụ thể, ngành nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm. Hiện đã có 283 sản phẩm của 41 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh được đưa lên hệ thống. Nhiều sản phẩm chủ lực có tem truy xuất nguồn gốc để các cơ sở sản xuất truyền đạt thông điệp rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng. Những đơn vị áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho toàn bộ sản phẩm, như: Công ty cổ phần sữa Hà Nam cho các sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi; Chi nhánh Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi (thị xã Duy Tiên) các sản phẩm hoa, quả sấy; Công ty TNHH Senfood (Lý Nhân) chế biến rau, củ, quả xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam (Thanh Liêm) cho sản phẩm trứng gà thảo dược.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi, áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản ở tỉnh khá mới, dẫn đến nhận thức của các doanh nghiệp, người dân chưa thấy hết được tầm quan trọng của chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ số còn lạc hậu, để đầu tư mới chi phí cao; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị thiếu; việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do quy mô sản xuất nhỏ, ít vốn.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp, người dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp; nâng cấp, tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; xây dựng và hoàn thiện chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm, hiệu quả… Theo ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp dụng công nghệ số là yêu cầu tất yếu của phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn mới, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai áp dụng công nghệ số cả trong công tác quản lý và các khâu sản xuất của trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Vấn đề chính là các cấp chính quyền, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp và người dân cần chủ động, tích cực hơn nữa trong thay đổi tư duy, tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ tốt nhất trong điều kiện có thể.
Vừa qua, tại Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moskva, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã tổ chức họp báo thường niên tổng kết công tác ngoại giao của Nga năm 2024 và đưa ra những định hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nga năm 2025.
Phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tuổi trẻ thành phố Phủ Lý cũng luôn xung kích đi đầu, sẵn sàng cống hiến sức trẻ tham gia giải quyết những việc mới, việc khó; chung tay vào sự phát triển của thành phố.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.