Tìm hiểu thực tế tại các đô thị nhỏ, tình trạng ngập úng cục bộ sau mưa lớn chủ yếu xảy ra ở khu trung tâm, đường phố xây dựng lâu năm. Tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) chỉ cần có lượng mưa tập trung khoảng trên 70 mm trong 2 - 3 giờ đồng hồ nhiều tuyến đường, phố chính bị ngập, như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Du, Kim Đồng… Đây đều là những tuyến đường, phố có từ hơn 20 năm. Tuy hệ thống cống thoát nước tại những tuyến này đều được bố trí chạy dọc bên đường, nhưng đường kính nhỏ, trải qua thời gian, lòng cống bị bồi lắng không được khơi thông, nạo vét thường xuyên ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước. Khi có các trận mưa lớn, nước không kịp chảy dâng lên gây ngập úng cục bộ trên mặt đường.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mỹ cho biết: Khi xảy ra các trận mưa lớn hơn 100 mm trong thời gian ngắn, một số tuyến đường trung tâm của thị trấn bị ngập khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ nước mới cơ bản rút. Có đợt ngập nặng, thị trấn phải huy động cán bộ, công chức và vận động người dân khơi thông cống, rãnh giúp tiêu thoát nước nhanh... Cũng như Bình Mỹ, nhiều đô thị nhỏ trên địa bàn tỉnh thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ sau mỗi trận mưa lớn.
Với thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) có địa thế khá cao, nằm giáp sông Châu là lợi thế lớn trong việc tiêu thoát nước. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa to vẫn xảy ra ở một số tuyến đường, ngõ phố trên địa bàn. Ngay tuyến đường Trần Hưng Đạo - trục chính chạy dọc thị trấn, tại điểm trước Siêu thị Lan Chi và cửa hàng xe máy Thanh Thùy thường xuyên bị ngập do mưa. Những trận mưa lớn nước tại đây ngập lên hơn 10 cm gây ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện tham gia giao thông và người dân sống 2 bên đường. Theo người dân địa phương, thời gian gần đây khi có mưa lớn nước trên đường tiêu thoát rất chậm. Đường ngập, xe cộ đi lại rất chậm, khó khăn, dễ xảy ra tai nạn…
Tình trạng ngập úng tại các đô thị nhỏ chủ yếu tập trung ở khu trung tâm, hệ thống thoát nước xây dựng từ lâu, nhỏ hẹp và bị bồi lắng. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, trên địa bàn các đô thị hầu như không còn nơi trữ nước, nước mưa từ các khu dân cư đổ trực tiếp ra đường, xuống cống. Vì thế, gặp mưa có cường độ lớn, trong thời gian ngắn dễ bị quá tải, gây ngập úng cần có thời gian tiêu thoát. Cùng với đó, việc xây dựng một số tuyến đường, khu đô thị mới ảnh hưởng đến tiêu thoát nước tại những khu phố, khu dân cư cũ trên địa bàn.
Thêm nữa, lượng đất, bụi, lá cây, rác không được thu gom thường xuyên gây tắc nghẽn tại các cửa thoát nước trên đường xuống cống. Do đó, khi đường, phố bị ngập, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ (chủ yếu là người dân sống 2 bên đường) khơi thông… Theo ông Đặng Xuân Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân), hệ thống tiêu thoát nước tại thị trấn hiện nay không được đồng bộ và chưa theo kịp phát triển chung. Vì vậy, nếu không được đầu tư nâng cấp, xây dựng lại hệ thống thoát nước khó có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập vào mùa mưa.
Được biết, để xử lý tình trạng ngập úng, thời gian qua, thị trấn Bình Mỹ đang triển khai khảo sát, lập dự toán thiết kế cải tạo lại toàn bộ hệ thống thoát nước khu trung tâm. Dự kiến, các tuyến đường Điện Biên Phủ, 3/2, phố Nguyễn Du, Kim Đồng đều được xây dựng cống hộp có chiều rộng 1,2m. Kết hợp với đó, huyện Bình Lục cải tạo sân vận động hiện nay thành khu công viên cây xanh (chuyển sân vận động ra vị trí mới), thiết kế đồng bộ hệ thống thoát nước kết nối đồng bộ với các tuyến đường. Với các đô thị nhỏ khác trong tỉnh đang hướng đến đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước để đáp ứng quá trình phát triển, đô thị hóa hiện nay.
Ông Lê Đức Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương thực hiện phát triển đô thị (gồm cả các thị tứ, khu đô thị, khu dân cư mới) theo đúng quy hoạch, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước. Đối với những khu vực đô thị xây dựng từ lâu hướng đến cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước phù hợp, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.
Đô thị ngày càng phát triển, đòi hỏi hệ thống hạ tầng, trong đó có cống thoát nước cần được xây dựng đồng bộ, hiệu quả. Song vấn đề này tại các đô thị nhỏ đang gặp khá nhiều khó khăn cả về nguồn vốn đầu tư xây dựng và quản lý vận hành. Do vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.