Ban thanh tra nhân dân (TTND) và ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) là 2 mô hình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cơ sở địa bàn xã, phường, thị trấn được thực hiện theo Luật đầu tư, Luật Thanh tra, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCĐ ở nhiều địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các ban này vẫn còn không ít khó khăn.
Huyện Thanh Liêm có 21/21 xã, thị trấn thành lập ban TTND với tổng số 187 thành viên TTND. Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện, các ban TTND xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nội dung thực hiện trên các lĩnh vực ngày càng cụ thể, tập trung vào các công trình xây dựng ở địa phương; những vấn đề trọng tâm, bức xúc của đời sống xã hội. Kết quả từ năm 2022 đến nay, các Ban TTND đã tổ chức giám sát 70 cuộc; phát hiện, kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền 38 vụ việc, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 38/38 vụ việc (đạt 100%).
Hoạt động của Ban TTND tập trung chủ yếu vào giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ở cơ sở. Đây là hoạt động thường xuyên của ban TTND, ban GSĐTCĐ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là việc thực hiện các chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như: giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai tại xã, thị trấn; việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công; thu chi, quyết toán ngân sách xã, quản lý sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH), việc thực hiện các dự án đầu tư, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên; giám sát việc huy động các nguồn lực, các khoản đóng góp trong nhân dân dân, việc tổ chức và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tạo điều kiện cho các Ban TTND phát huy tốt vai trò đại diện quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, góp ý, vì vậy vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng nâng cao.
Ở mỗi công trình đều có 1 ban GSĐTCĐ gồm 5- 7 thành viên được lựa chọn là đại diện các Ban TTND, các hội, đoàn thể và công dân tại nơi có công trình xây dựng. Khi các công trình, dự án trên địa bàn được triển khai, Ban GSĐTCĐ thường xuyên giám sát tại các công trình về các khâu, các bước, diễn biến thi công, kịp thời phản ánh, báo cáo với chủ đầu tư, kiến nghị với đơn vị thi công khi xảy ra những hạn chế, sai sót.
Thông qua các hoạt động tích cực của các Ban GSĐTCĐ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bảng đã góp phần bảo đảm chất lượng các công trình. Nhiều công trình xây dựng liên quan trực tiếp đến phát triển KT-XH, đời sống dân sinh, hạ tầng đô thị, NTM được thực hiện như: dự án kè hồ Nam Cao, dự án đường du lịch Chùa Bà Đanh, các dự án cải tạo và nâng cấp đường trục xã, trường học… được giám sát từ nhiều phía, trong đó có sự tham gia tích cực của các ban GSĐTCĐ. Ban GSĐTCĐ các xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện giám sát 147 cuộc tại 75 công trình, dự án trên địa bàn huyện. Các công trình, dự án xây dựng ở cơ sở khi có sự vào cuộc ngay từ đầu của Ban GSĐTCĐ đã thực sự phát huy tốt Quy chế dân chủ cơ sở theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chất lượng công trình nâng lên, giảm lãng phí nguồn lực, tạo được lòng tin của nhân dân.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, hoạt động của các ban TTND và ban GSĐTCĐ trong toàn tỉnh ngày càng nâng cao về chất lượng, được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân ghi nhận. Nhiệm kỳ qua, các ban TTND đã tổ chức giám sát được gần 700 cuộc; phát hiện và kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền 152 vụ việc, giúp chính quyền cơ sở khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh ở địa phương. 283 ban GSĐTCĐ cho từng chương trình, dự án với trên 1.700 thành viên tham gia. Các thành viên đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát thực hiện tốt công tác giám sát, bảo đảm chất lượng, thời gian, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân nơi có công trình tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, bảo đảm công trình thi công nhanh gọn, đúng tiến độ, chất lượng. Nhiệm kỳ qua, ban GSĐTCĐ đã tổ chức giám sát được 629 công trình, dự án trên địa bàn; phát hiện, kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền 190 vụ việc.
Thông qua hoạt động của ban TTND và ban GSĐTCĐ đã phát huy vai trò giám sát, phát hiện, kiến nghị, qua đó vai trò đại diện quyền dân chủ của nhân dân được thể hiện rõ hơn. Đồng thời, phát huy quyền giám sát, kiểm tra của quần chúng nhân dân đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giám sát của MTTQ nói chung.
Ở một khía cạnh khác, sự chủ động trong xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, lựa chọn nội dung giám sát đúng, trúng, phù hợp của một số ban TTND chưa thường xuyên, còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động của MTTQ, UBND cấp xã, dẫn đến còn thụ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng hiệu quả còn hạn chế; chế độ thù lao còn thấp, kinh phí hỗ trợ hoạt động ở nhiều địa phương chưa bảo đảm… ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban TTND, ban GSĐTCĐ ở cơ sở.
Thêm vào đó, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện đối với công tác TTND và nhiệm vụ GSĐTCĐ; việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của ban TTND có đơn vị chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền thực hiện các văn bản pháp luật về công tác TTND và GSĐTCĐ chưa được phổ biến thường xuyên, hình thức và nội dung tuyên truyền chưa phong phú dẫn đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác TTND, hoạt động GSĐTCĐ còn hạn chế...
Đề nghị tăng thời gian nhiệm kỳ của ban TTND là 5 năm theo nhiệm kỳ của MTTQ cấp xã bảo đảm việc chỉ đạo hoạt động. Cùng với đó, đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo quan tâm hỗ trợ, tách riêng kinh phí hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCĐ và hướng dẫn các địa phương bố trí cân đối nguồn ngân sách cấp xã để có nguồn kinh phí bảo đảm mức hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng tối thiểu 10 triệu đồng/năm cho một xã theo quy định tại mục a, khoản 5, điều 90 Nghị định 29 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Nội dung: Thu Thảo
Thiết kế: Đức Huy
Chiều 21/11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia, Thủ đô Phnom Penh, ngay sau Lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
Chiều 21/11, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức quay thưởng "Hóa đơn may mắn" quý I, II và III năm 2024. Dự chương trình có đại diện cơ quan thuế; thành viên hội đồng giám sát chương trình “Hóa đơn may mắn” thuộc các sở, ngành.
Sáng 21/11, Hội Người Khuyết tật (NKT) tỉnh Hà Nam phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội (BTXH), Sở Lao động – Thương binh xã hội (LĐ – TBXH) tỉnh Hà Nam và Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến, cập nhật chính sách BTXH và hướng dẫn thủ tục BTXH đối với NKT cho 35 học viên là cán bộ chủ chốt của Hội NKT trên địa bàn tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.