Chủ động phòng, chống cháy rừng 

Môi trường - Đô Thị 06:00 02/07/2024 Mạnh Hùng
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng năm nay đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm (TBNN), cường độ gay gắt hơn, có thể xuất hiện nền nhiệt cao lịch sử. Với tỉnh ta nắng nóng đã xảy ra từ tháng tư, các đợt nắng nóng đều kéo dài từ 5 - 10 ngày. Nhiệt độ đo được cao nhất gần 42oC, vượt mức kỷ lục 0,7oC (41,1oC vào ngày 19/5/2021). Nắng nóng kéo dài nguy cơ cháy rừng của tỉnh xảy ra rất cao đòi hỏi phải chủ động trong công tác phòng, chống.

Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh hiện có khoảng 3.000 ha và một số diện tích rừng trồng, tập trung chủ yếu tại huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Diện tích rừng tự nhiên đều nằm trên núi đá vôi có địa hình hiểm trở. Không những vậy, đặc thù trong rừng núi đá vôi của tỉnh không có nước để phục vụ chữa cháy tại chỗ. Diện tích rừng trồng phần nhiều là các loại cây thông, keo với lớp thực bì dày dễ bắt lửa gây cháy. Trên vùng rừng của huyện Kim Bảng có khu vực rừng bương tại xã Liên Sơn, lớp lá cây rụng xuống rất dày dễ bắt lửa, nếu cháy khó có khả năng dập tắt sớm. Khu vực này nằm tiếp giáp với rừng tự nhiên và là vùng lõi của loài Voọc mông trắng quý hiếm sinh sống.

Từ đầu năm đến nay, tại địa bàn thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Sơn (Thanh Liêm) đã xảy ra 2 vụ cháy thực bì tại rừng keo (diện tích rừng trồng), nhưng đã được dập tắt kịp thời không để cháy lan ra diện rộng. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Cường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống, trong đó lấy phòng là chính bảo vệ an toàn cho diện tích rừng của tỉnh.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra công tác bảo vệ rừng.

Để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR), hằng năm, các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; xây dựng phương án PCCR theo phương châm “4 tại chỗ” để có thể xử lý ngay khi có tình huống xảy ra. Công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCR được coi trọng. Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn có rừng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đi vào nội dung cụ thể bằng nhiều hình thức đến người dân. Lực lượng kiểm lâm trên địa bàn căn cứ tình hình thời tiết, các yếu tố khác có ảnh hưởng đến vật liệu cháy để dự báo, cảnh báo cháy rừng, triển khai phương án quản lý, bảo vệ rừng đến các thôn, khu dân cư. Trên địa bàn toàn tỉnh cơ quan chức năng đã cắm 28 biển cảnh báo cháy rừng tại cửa rừng và những vị trí thuận tiện để người dân dễ nhận thấy; xây dựng 1 chòi canh lửa và cảnh báo sớm cháy rừng tại khu vực thị trấn Ba Sao (Kim Bảng).

Cùng với đó, các địa phương tổ chức ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ, PCCR tới các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở ven và trên diện tích đất rừng. Chú trọng ký cam kết với các doanh nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản không để hoạt động dẫn đến cháy rừng. Cơ quan chuyên môn cũng phối hợp với địa phương có rừng tổ chức diễn tập PCCR theo quy mô cấp huyện, cụm xã tại những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho biết: Diện tích rừng trên địa bàn huyện có khoảng 500 ha, nằm rải rác tại nhiều địa phương gần khu dân cư là khó khăn lớn trong công tác PCCR. Phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các địa phương chuẩn bị tốt PCCR theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, chú trọng tăng cường trang bị dụng cụ, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn địa thế rừng tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác PCCR tại các địa phương vẫn còn những hạn chế. Từ đặc thù rừng tự nhiên núi đá gần như không có lối đi, muốn vào rừng phải đi trên vách đá tai mèo. Có khu vực muốn tiếp cận phải đi đường vòng mất rất nhiều thời gian. Do vậy, nếu xảy ra cháy các phương tiện hiện đại đều không vào được, hoàn toàn sử dụng biện pháp thủ công dập lửa rất khó khăn. Tình trạng người dân vào rừng tự do lấy củi, bắt ốc… dễ mang lửa vào gây cháy vẫn chưa được ngăn chặn. Một số nơi chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ và PCCR.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay nguồn kinh phí phục vụ bảo vệ và PCCR tự nhiên không có để cấp cho các địa phương, dẫn đến khó khăn cho hoạt động chuyên môn, kể cả cho việc mua sắm các dụng cụ chuyên dụng như: chổi dập lửa, dao phát… Đối với Tổ bảo vệ rừng cộng đồng được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế hỗ trợ xây dựng và hoạt động đang gặp khó khăn khi số lượng người chỉ còn 50% so với trước (4 người) và sắp hết hợp đồng tài trợ. Khu bảo tồn sinh cảnh loài Voọc mông trắng vẫn chưa được thành lập ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ rừng… Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, khi Khu bảo tồn được thành lập, có lực lượng chuyên trách việc bảo vệ, PCCR sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Công tác bảo vệ và PCCR được xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái bền vững. Với diện tích rừng tự nhiên của tỉnh có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đã và đang được các tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, bảo tồn, như: Voọc mông trắng, khỉ mốc, khỉ vàng, chè hoa vàng... Do vậy, mục tiêu cao nhất, bảo vệ không để xảy ra cháy rừng, nhất là diện tích rừng tự nhiên.

TIN MỚI CẬP NHẬT

 250 cán bộ, hội viên phụ nữ được truyền thông, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT

Xã hội  |  15:28 24/11/2024

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình năm 2024 cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX

Thương mại - Dịch vụ  |  13:30 24/11/2024

Sáng 24/11, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các đơn vị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đại diện các HTX sản xuất và cung ứng sản phẩm; các HTXDVNN, HTX kiểu mới ít thành viên tiêu biểu trong tỉnh…

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch

Du lịch  |  10:46 24/11/2024

Du lịch Hà Nam đang có những chuyển biến tích cực với lượng khách và doanh thu tăng trưởng cao. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng của Hà Nam định hướng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều này, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ là việc quan trọng, cấp thiết.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC