Hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn - Nhìn từ chính sách “tín dụng xanh”

E-MAGAZINE 08:41 20/05/2024 www.baohanam.com.vn

Sau 20 năm triển khai chương trình cho vay nước sạch - vệ sinh môi trường (NS&VSMT) nông thôn theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMT nông thôn (gọi tắt là "tín dụng xanh"), nhiều công trình NS&VSMT nông thôn đã được cải tạo, nâng cấp, xây mới và ngày càng phát huy được hiệu quả. Chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn vì thế cũng ngày càng được cải thiện tích cực rõ nét.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay 99% hộ dân khu vực nông thôn trong tỉnh đã được sử dụng nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh; riêng từ công trình cấp nước tập trung đạt 88% (tính đến hết năm 2023). Các hộ đều xây dựng bể chứa, mua bình đựng nước Inox chứa nước từ các công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ sinh hoạt. Đa phần những công trình này được người dân đầu tư xây dựng từ nguồn vốn tín dụng cho vay chương trình NS&VSMT của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hà Nam.

Bể chứa nước sạch được xây dựng từ nguồn vốn vay NS & VSMT của anh Đinh Văn Tường, thôn Bói, xã Thanh Phong (Thanh Liêm).

Tìm hiểu tại thôn Bói, xã Thanh Phong (Thanh Liêm), chúng tôi được biết, hiện 100% số hộ trên địa bàn đều đã có công trình cấp nước sạch bảo đảm phục vụ sinh hoạt. Người dân không còn sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào hay các nguồn khác không bảo đảm vệ sinh. Chỉ tính riêng Tổ vay vốn của chi hội nông dân thôn đã có 18 hội viên vay theo chương trình NS&VSMT nông thôn, với tổng dư nợ 355 triệu đồng.

Anh Đinh Văn Tường, Tổ trưởng Tổ vay vốn Chi hội Nông dân thôn Bói chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, trong quá trình xây dựng nhà mới, gia đình tôi cũng đã vay vốn từ Ngân hàng CSXH để xây hệ thống bể chứa nước sạch. Mặc dù, mức vay không nhiều nhưng với lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ linh hoạt, thủ tục thuận lợi nên chương trình đã giúp người dân ở khu vực nông thôn giải bài toán “khát nước sạch”. Hiện nay, Tổ vay vốn của Chi hội Nông dân thôn Bói có 100% số hộ vay đều thực hiện trả nợ đúng kỳ hạn.

Theo bà Dương Lan Hương, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Liêm, chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai từ năm 2006, ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Sau gần 20 năm triển khai, chương trình đã giúp cho trên 44.500 lượt hộ gia đình sống tại khu vực nông thôn có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để xây dựng, sửa chữa, cải tạo hơn 89 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh góp phần bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng dân cư và nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng từ năm 2023 cho đến nay, chương trình tín dụng NS&VSMT nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã hỗ trợ cho 2.190 hộ được vay vốn để xây dựng mới/sửa chữa cải tạo 4.380 công trình NS&VSMT nông thôn, với số tiền cho vay lên đến 43,8 tỷ đồng...

Như vậy, đến hết 30/04/2024, dư nợ chương trình NS&VSMT nông thôn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Liêm đạt 111,206 tỷ đồng, với 6.125 hộ gia đình đang vay vốn.

Vận hành công trình nước sạch tập trung Khu A huyện Kim Bảng - Công trình phát huy tốt hiệu quả do người dân được vay vốn xây dựng công trình nước sạch tại hộ. Ảnh: Mạnh Hùng

Cùng với Thanh Liêm, đến thời điểm này, tổng dư nợ chương trình tín dụng NS&VSMT nông thôn trên địa bàn Lý Nhân cũng đạt 108,101 tỷ đồng, với 5.656 khách hàng đang còn dư nợ. Như vậy, sau 20 năm triển khai chương trình, tính đến ngày 20/3/2024, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt trên 1.728 tỷ đồng, với hơn 136 nghìn lượt hộ dân nông thôn được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay chương trình NS&VSMT nông thôn đạt trên 537 tỷ đồng, với gần 30 nghìn hộ đang còn dư nợ. Từ nguồn vốn vay, người dân khu vực nông thôn đã xây dựng được hơn 270 nghìn công trình NS&VSMT phục vụ đời sống hằng ngày.

Theo bà Nguyễn Thành Phương Chi, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam, sau 20 năm triển khai Quyết định 62/2004/QĐ-TTg, chương trình tín dụng cho vay thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMT nông thôn tạo những hiệu ứng tích cực; tác động trực tiếp, thiết thực đến đời sống người dân khu vực nông thôn; góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn văn minh, hiện đại...

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Liêm thực hiện thủ tục giải ngân vốn cho khách hàng.

Không chỉ đem lại những hiệu quả và tác động tích cực về kinh tế, xã hội, chương trình còn tác động nhận thức và hành động của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt, chương trình NS&VSMT nông thôn đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân nông thôn, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp tại xã, thôn. Thông qua triển khai hoạt động tín dụng chính sách, chính quyền các cấp có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ cơ sở, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Từ đó, vận động người dân hưởng ứng tích cực các chương trình tín dụng chính sách cũng như thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cũng theo bà Nguyễn Thành Phương Chi, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam, với mục đích an sinh xã hội, chương trình đã giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn có vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMT nông thôn. Thông qua chương trình các hộ gia đình khu vực nông thôn đã sử dụng vốn để đầu tư xây dựng bể chứa nước, bể lọc, kéo đường ống dẫn nước từ hệ thống đường ống cung cấp nước tập trung, xây dựng nhà tiêu, khoan giếng, cải tạo đường ống nước trong khu vực bếp, nhà tắm,... Chương trình không chỉ cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và môi trường ở nhiều vùng nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-  xã hội.

Với những hiệu ứng tích cực, có thể khẳng định đây là một chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; thể hiện tính nhân văn; đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lý Nhân, tính ưu việt của chương trình là không phân biệt đối tượng, chỉ cần hộ gia đình cư trú hợp pháp tại khu vực nông thôn, chưa có công trình NS&VSMT đạt chuẩn có nhu cầu vay. Mức cho vay trước đây là 4 triệu đồng/hộ nay tăng lên 20 triệu đồng/hộ/2 công trình. Thông qua chương trình, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo công trình NS&VSMT...

Là một trong những hộ dân hưởng lợi từ chương trình, bà Bùi Thị Hồng Hạnh (thôn Bói, xã Thanh Phong, Thanh Liêm) chia sẻ: Đây là một chương trình hết sức thiết thực với người dân ở khu vực nông thôn; nhất là đối với những hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, thu nhập chưa cao. Hy vọng, thời gian tới, chương trình sẽ mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay. Qua đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của chương trình đối với đời sống của người dân...
Ông Lê Đức Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Chương trình tín dụng NS&VSMT nông thôn của Ngân hàng CSXH đã thực sự đi vào đời sống người dân địa phương. Trong quá trình triển khai, nguồn vốn đã giúp người dân khu vực nông thôn của huyện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch tại hộ. Kết hợp với các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn, cơ bản người dân nông thôn của huyện đã sử dụng nước sạch sinh hoạt hằng ngày đạt chỉ tiêu trong xây dựng NTM. Hiện nay, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM đều đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Không giống với các công trình hạ tầng khác, công trình cấp nước nông thôn vừa mang tính xã hội, tính nhân văn, nhưng đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc "Nước là một loại hàng hóa kinh tế-xã hội". Vì thế, những năm tới, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình “tín dụng xanh” cho vay NS&VSMT, tỉnh ta sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các công trình cấp nước quy mô lớn để cấp nước tập trung, thay thế dần các công trình cấp nước nhỏ lẻ hiện không còn phù hợp.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự ưu tiên đầu tư dài hơi và có chiều sâu hơn cho công tác thông tin - giáo dục - truyền thông; trong đó, các tổ chức chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi theo bà Nguyễn Thành Phương Chi, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam, hầu hết nguồn vốn tín dụng cho vay NS&VSMT nông thôn đều được cho vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể xã hội, như: Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh... Đây là một kênh quan trọng góp phần tích cực đưa chủ chương, chính sách và các chương trình an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đến với các hộ dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thông qua các hoạt động ủy thác vay vốn từ Ngân hàng CSXH, đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng củng cố, nâng cao số lượng và chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên..

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Lý Nhân hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn từ nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

Nhìn vào bức tranh kinh tế- xã hội của tỉnh những năm gần đây có thể thấy, những biến đổi bất thường của khí hậu, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa trên địa bàn đã và đang có những tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong tỉnh. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia cấp NS&VSMT nông thôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hiệu quả.

Tuy nhiên, để chương trình cho vay NS&VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục lan tỏa, đạt cả về diện lẫn chất, thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị chức năng cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, nhất là về đối tượng và mức vay. Vì theo quy định của chương trình, hộ dân thuộc 2 khu vực thị trấn, phường không thuộc diện đối tượng được vay vốn. Mặc dù, nằm trên địa bàn phường, thị trấn nhưng đặc điểm của hộ dân nơi đây không sinh sống tập trung tại trung tâm như các tỉnh, thành phố lớn mà chủ yếu sống và làm việc gần nơi chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lý Nhân cho biết: Hiện, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay đối với khu vực thị trấn, phường không thuộc địa bàn nông thôn; đồng thời, nâng mức cho vay/công trình. Bởi, với mức cho vay của chương trình 10 triệu đồng/công trình như hiện nay không còn phù hợp, khi tình hình giá cả nguyên vật liệu, ngày công lao động đều tăng cao...

Về phía, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền lợi ích cũng như ý nghĩa của chương trình, đồng thời lồng ghép kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát nhu cầu của người dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân vay đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình vệ sinh và nước sạch đạt tiêu chuẩn để từng bước cải thiện cuộc sống ngày một tốt hơn.

Thực hiện: Minh Thu – Mạnh Hùng

Thiết kế: Đức Huy

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch

Du lịch  |  10:46 24/11/2024

Du lịch Hà Nam đang có những chuyển biến tích cực với lượng khách và doanh thu tăng trưởng cao. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng của Hà Nam định hướng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều này, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ là việc quan trọng, cấp thiết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia

Chính trị  |  05:59 24/11/2024

Chiều 23/11, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Campuchia, trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có buổi gặp gỡ, trò chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.

Tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao

Trong tỉnh  |  05:43 24/11/2024

Nhằm giúp hội viên người khuyết tật (NKT) tự tin, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Hội NKT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ NKT hòa nhập với cộng đồng, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao (TDTT).

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC