Tìm hiểu tại huyện Kim Bảng được biết, tiêu úng trên địa bàn phụ thuộc vào các trạm bơm chính do Xí nghiệp Thủy nông huyện Kim Bảng quản lý, gồm: Trạm bơm Quế I và II, Tân Sơn, Hoàng Tây, Kim Bình, Thịnh Châu, Ngòi Ruột…
Với khu vực tả Đáy các trạm bơm mới được xây dựng (Thịnh Châu, Ngòi Ruột) đã bảo đảm tốt năng lực phục vụ. Tuy nhiên, vùng hữu Đáy chiếm 70% diện tích của huyện đang gặp nhiều khó khăn. Như trạm bơm Hoàng Tây có 3 tổ máy, công suất 2.500 m3/giờ/máy xây dựng từ lâu khó hoạt động hết khả năng. Khi xây dựng trước đây, trạm bơm Hoàng Tây chuyên phục vụ cho diện tích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạm bơm phải phục vụ cho 700 ha đất canh tác nông nghiệp, khu dân cư nông thôn trong vùng phục vụ, nhất là cả KCN Đồng Văn IV và các khu đô thị mới thuộc các xã: Hoàng Tây, Đại Cương, Nhật Tựu. Theo tính toán của đơn vị quản lý, vận hành, trạm bơm Hoàng Tây đang phải phục vụ vượt 8 lần khả năng khi có mưa úng xảy ra.
Cũng với nhiệm vụ tiêu úng trên địa bàn huyện Kim Bảng, trạm bơm Tân Sơn có 2 máy công suất 2.500 m3/giờ/máy phải đảm nhiệm tiêu nước cho xã Tân Sơn, Tượng Lĩnh và các dự án trên địa bàn. Đặc biệt, trạm bơm Tân Sơn phải tiêu nước cho khoảng 400 ha vách núi đổ nước xuống khi có mưa lớn. Trạm bơm Tân Sơn đang phải phục vụ vượt quá năng lực 10 lần.
Trước tình trạng khó khăn về năng lực tiêu úng cho vùng hữu Đáy chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, lũ, huyện Kim Bảng đã triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với úng, ngập. Theo đó, huyện giao cho các ngành chuyên môn, nhất là Xí nghiệp thủy nông kiểm tra, đánh giá đầy đủ hiện trạng, năng lực của hệ thống thủy lợi, nhất là những công trình tiêu úng. Về phía Xí nghiệp thủy nông Kim Bảng xây dựng kế hoạch tưới, tiêu phù hợp, hiệu quả trong mùa mưa, bão, lũ. Đồng thời, duy tu, sửa chữa máy móc, thiết bị điện, máy bơm bảo đảm năng lực phục vụ tốt nhất. Xí nghiệp có phương án lắp đặt các máy bơm dã chiến để tiêu úng cục bộ khi cần thiết. Toàn bộ kênh mương, nhất là kênh tiêu chính được giải tỏa bèo, rác, khơi thông dòng chảy không để tình trạng ách tắc xảy ra khi vận hành hệ thống tiêu thoát nước.
Huyện Kim Bảng cũng chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có kế hoạch tiêu úng riêng trên địa bàn. Hệ thống kênh tiêu nội đồng được quan tâm nạo vét, nâng cấp, giải tỏa tạo sự đồng bộ với kênh trục chính do Xí nghiệp thủy nông huyện quản lý. Các địa phương bảo đảm việc tiêu thoát nước từ kênh nội đồng ra các tuyến kênh chính. Cùng với đó, tuyên truyền, quản lý trên địa bàn hạn chế tối đa tình trạng vi phạm lấn chiếm công trình thủy lợi, đổ rác thải sinh hoạt, sản xuất ra lòng kênh.
Như tại xã Hoàng Tây nằm trong vùng tiêu úng của hệ thống trạm bơm tiêu Hoàng Tây, Kim Bình dẫn đến nguy cơ ngập úng cục bộ có thể xảy ra trong mùa mưa, bão lũ. Để chủ động ứng phó, xã giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Hoàng Tây thường xuyên kiểm tra, giải tỏa trên hệ thống kênh mương giúp nâng cao năng lực phục vụ. Đồng thời, có phương án tiêu úng cục bộ hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Theo ông Vũ Văn Khuynh, Giám đốc HTXDVNN Hoàng Tây, để chủ động ứng phó với ngập úng, trong đợt làm thủy lợi đông xuân vừa qua địa phương đã tiến hành nạo vét, giải tỏa vật cản trên toàn bộ hệ thống kênh mương. Quá trình phục vụ, HTX thường xuyên kiểm tra để xử lý kịp thời những điểm ách tắc phát sinh. HTX chuẩn bị máy bơm dã chiến tiêu úng cho những vùng bị ngập cục bộ khi có mưa lớn.
Tình hình thời tiết, thiên tai thời gian gần đây diễn ra bất thường, khó dự báo với những trận mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn. Với những biện pháp triển khai, huyện Kim Bảng phấn đấu hạn chế thấp nhất tác động, thiệt hại của mưa úng đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Về lâu dài, để giải quyết tốt ngập úng cần có sự quan tâm đầu tư của tỉnh nhằm nâng cấp, hoàn thiện kiên cố hóa hệ thống kênh chính. Đồng thời, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ dự án trạm bơm Tân Sơn 2 và trạm bơm Hoàng Tây. Từ đó, đáp ứng yêu cầu tiêu úng cho cả sản xuất nông nghiệp, khu dân cư nông thôn, đô thị, công nghiệp… trên địa bàn huyện.
Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.