Tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng hình sự

E-MAGAZINE 08:47 14/05/2024 www.baohanam.com.vn

Thực hiện Quy định số 504 – QĐ/TU ngày 26/7/2022 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Hà Nam về việc lãnh đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính tỉnh Hà Nam, thời gian qua, ba ngành làm án: Công an – Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) – Tòa án nhân dân (TAND) đã thống nhất xây dựng Quy chế phối hợp giải quyết các vụ án hình sự. Sau gần 2 năm thực hiện, công tác phối hợp được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đúng chức năng thẩm quyền pháp luật quy định. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hình sự được nâng lên rõ rệt, bảo đảm đúng người, đúng tội, không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Bám sát Quy định số 504 của BTV Tỉnh ủy Hà Nam, thời gian qua, ba ngành làm án (Công an – Viện KSND – TAND) đã đẩy mạnh việc thực hiện tốt những quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh PCTP như: Quy chế phối hợp trong công tác nắm, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát – Tòa án trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết các vụ án hình sự; quy chế phối hợp giữa Viện Kiểm sát – Tòa án về việc tổ chức tham dự rút kinh nghiệm các phiên tòa hình sự. Đồng thời, các cơ quan cũng thường xuyên họp bàn, thống nhất tháo gỡ những khó khăn, chủ động giải quyết các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, hoặc còn nhiều quan điểm trái chiều trong việc xác định tội danh, hướng xử lý… nhằm bảo đảm vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh làm oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong hoạt động tố tụng hình sự theo đúng chức năng thẩm quyền mà pháp luật quy định nên chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án giữa các cơ quan tư pháp được nâng lên rõ rệt, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật.

Công tác giải quyết án hình sự luôn được chú trọng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tiến hành tố tụng các cấp. Trong quá trình xét xử bảo đảm nguyên tắc không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Các bản án tòa tuyên đảm bảo đúng pháp luật, không có án quá hạn luật, đặc biệt là tổ chức, xét xử kịp thời, đúng thời điểm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài ra, TAND hai cấp còn chú trọng, tăng cường công tác hòa giải, tạo điều kiện cho các bên đương sự thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết vụ án, góp phần làm giảm xung đột, mâu thuẫn về lợi ích và nghĩa vụ của các bên đương sự.

Đối với ngành công an, qua thời gian thực hiện quy chế phối hợp, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận trên 3 nghìn tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó trực tiếp thụ lý xác minh và giải quyết 2.816 tin.

Bên cạnh đó, hoạt động khởi tố điều tra và kiểm sát điều tra cũng được Viện KSND hai cấp kiểm sát chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết án. Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Viện KSND hai cấp đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1.178 vụ/2.093 bị can; đã khởi tố 905 vụ/1.627 bị can

Ngoài ra, ba ngành làm án 2 cấp đã phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, thống nhất xây dựng 102 vụ án điểm với 118 bị cáo, tổ chức 46 vụ án rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.  Thực hiện công khai 928 bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng hình sự còn gặp một số tồn tại, hạn chế: Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tố tụng. Hoạt động này là đầu mối, căn cứ đầu tiên để cơ quan điều tra tiến hành xác minh, làm rõ các thông tin về tội phạm, từ đó xác định có hay không hành vi phạm tội để kịp thời xác minh, từ đó làm cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định. Những quyết định của cơ quan điều tra trong giai đoạn này có ảnh hưởng sâu sắc đến trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân, công dân, tổ chức.

Đại diện phòng chuyên môn Công an tỉnh tham gia thảo luận tại hội nghị giao ban 3 ngành làm án triển khai công tác hàng quý.

Do đó, công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn thấp chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội, HĐND tỉnh giao; tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc còn chậm; còn để xảy ra sai phạm trong giải quyết án.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do một số đơn vị chưa coi trọng công tác này, còn nặng về chống “oan sai”, chưa chú trọng việc chống “bỏ lọt” tội phạm, còn cho rằng trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là việc làm của cơ quan điều tra; còn tình trạng lực lượng công an cơ sở (xã, phường, thị trấn) sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đã giữ lại để giải quyết, khi không giải quyết được mới chuyển đến cơ quan điều tra, dẫn đến vi phạm về thời gian giải quyết.

 Trong công tác giải quyết án hình sự, lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu nên chất lượng giải quyết một số vụ án, vụ việc hiệu quả chưa cao. Trong một số vụ tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông khi đến hiện trường chưa đánh giá kịp thời, đúng mức tính chất nghiêm trọng của hậu quả vụ tai nạn xảy ra, còn nặng nề về quy trình của ngành nên không báo kịp thời cho cơ quan điều tra và viện kiểm sát tham gia khám nghiệm hiện trường, dẫn đến một số vụ gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.

Công tác bảo quản, xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu trong các vụ án, vụ việc còn nhiều vướng mắc. Các quy định hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được tịch thu xung quỹ, những trường hợp nào được tiêu hủy, trả lại hoặc bán theo quy định, nên hiện nay tại các đơn vị còn số lượng lớn các đồ vật, tài liệu, vật chứng đang phải lưu kho, dẫn đến chi phí bảo quản tăng cao. Bên cạnh đó, công tác giám định, định giá tài sản còn nhiều bất cập, tồn tại trong nhiều năm qua. Mặc dù thời gian giám định đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng việc chậm, muộn có kết luận giám định thường xuyên diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết của hầu hết các vụ việc.

Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy triệt phá tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy tại một quán karaoke trên địa bàn.

Trong công tác thi hành án hình sự, việc lập hồ sơ án treo, cải tạo không giam giữ của UBND cấp phường, xã, thị trấn (gọi chung là cấp xã) còn nhiều thiếu sót như: không có quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, chưa bảo đảm thủ tục về thời gian nhận xét của người trực tiếp được giám sát, giáo dục. Cá biệt, có trường hợp người chấp hành án tại địa phương đi khỏi nơi cư trú nhưng UBND cấp xã không thông báo kịp thời đến cơ quan thi hành án. Có trường hợp hết thời gian thử thách nhưng UBND cấp xã chậm làm thủ tục hoặc không có biện pháp hướng dẫn người chấp hành án thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật. Đối với công tác thi hành án dân sự, việc gửi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cùng cấp còn chậm trễ, dẫn đến các cơ quan có trách nhiệm tham gia việc cưỡng chế, kê biên tài sản còn chậm trễ, thiếu đồng bộ.

Có thể khẳng định, nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, thời gian qua, các cơ quan tư pháp (Công an – Viện KSND – TAND) đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Từ đó, chất lượng, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được nâng lên rõ rệt. Các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nam bắt nhóm đối tượng gây ra hơn 40 vụ trộm cắp xe máy liên tỉnh.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng hình sự, ba ngành tư pháp (Công an – Viện KSND – TAND) cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử; thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và của tỉnh về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Trước hết, cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã được ký kết, từ đó, nhằm thống nhất quan điểm xử lý ngay từ đầu, hạn chế tối đa việc trái quan điểm giữa ba cơ quan.

1. Điểm cầu trung tâm do TAND tỉnh phối hợp tổ chức một phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến. 2.Hội nghị ba ngành làm án triển khai công tác phối hợp hoạt động tố tụng quý I2024. 3. Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân xét xử vụ án tàng trữ pháo nổ trái phép.

Theo đó, kiểm sát viên phối hợp với cơ quan điều tra nắm chắc tin báo, tố giác tội phạm và rà soát kết quả giải quyết. Hằng tuần đối chiếu tình hình thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm giữa viện kiểm sát và cơ quan điều tra để kịp thời phát hiện, khắc phục các vi phạm về thời hạn. Chú trọng công tác kiểm sát việc tham gia của những người tham gia tố tụng khác, nhất là những trường hợp đại diện hợp pháp, người bào chữa để bảo đảm việc lấy lời khai được khách quan, đúng pháp luật.

Đối với các tin báo, tố giác tội phạm có tính chất phức tạp, khó khăn trong việc đánh giá tài liệu chứng cứ, kiểm sát viên phối hợp với điều tra viên báo cáo lãnh đạo hai ngành để tiến hành họp bàn thống nhất hướng giải quyết. Việc phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra được Viện KSND xem xét thận trọng, khách quan, đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án ngay từ giai đoạn đầu và trong suốt quá trình tố tụng.

Tập trung nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, xác minh các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhất là án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, án thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tố tụng hai cấp chú trọng phối hợp lựa chọn, xây dựng các vụ án trọng điểm, án rút gọn để tập trung điều tra, truy tố, xét xử phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Đẩy nhanh phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội; lựa chọn một số vụ án điển hình, có tính chất phức tạp để xây dựng phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa số hóa hồ sơ vụ án, phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Cơ quan điều tra và Viện KSND hai cấp thường xuyên phối hợp rà soát, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của liên ngành Trung ương, hạn chế thấp nhất việc ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết các vụ án, vụ việc; tập trung tìm căn cứ phục hồi giải quyết khi căn cứ tạm đình chỉ không còn, đồng thời phân loại, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lý Nhân bắt đối tượng Đinh Văn Cường, xã Nhân Chính (Lý Nhân) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 2. Công an xã Đại Cương (Kim Bảng) triệt phá đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy về địa bàn tiêu thụ.

Phối hợp thực hiện tốt công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù và thi hành án hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án. Tập trung truy bắt bị can, đối tượng thi hành án bỏ trốn, hạn chế thấp nhất phát sinh đối tượng truy nã. Tăng cường phối hợp hướng dẫn, trả lời thỉnh thị đối với cấp huyện về những vướng mắc trong thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết kịp thời các đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp có nội dung phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Viện KSND tỉnh phối hợp với các cơ quan điều tra, Công an tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc của công an cấp xã.

Thực hiện: Trần ích Thiết kế: Đức Huy

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC