Để xe chữa cháy đến hiện trường nhanh nhất, kịp thời cứu người, cứu tài sản, thực hiện hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thì hệ thống giao thông thông thoáng có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng chức năng, thực trạng giao thông phục vụ công tác chữa cháy tại một số địa phương hiện chưa bảo đảm: một số tuyến giao thông bị hạn chế chiều rộng, chiều cao, nhiều vật cản; không ít tuyến phố, ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 200m xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường… Điều đó, khiến công tác chữa cháy và CNCH gặp nhiều khó khăn, cần khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH, Công an tỉnh, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy tại cơ sở (giảm 1 vụ so với năm 2022) và 2 vụ cháy xe ô tô trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại địa phận tỉnh Hà Nam. Trong đó 60% số vụ cháy xảy ra ở địa bàn thành thị, 14,29% vụ cháy loại hình nhà dân, 14,29% vụ cháy nhà ở đơn lẻ kết hợp kinh doanh, 28,57% cháy kho, xưởng sản xuất. Các vụ cháy không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,4 tỷ đồng (giảm 8,8 tỷ đồng so với năm 2022). Để dập tắt các đám cháy, cứu người, cứu tài sản, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã huy động tổng số 24 lượt xe chữa cháy, 3 xe bán tải chở phương tiện; 1 lượt xe chỉ huy; 1 lượt xe chở chất chữa cháy cùng 204 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản là do việc giao thông phục vụ chữa cháy chưa bảo đảm, dẫn tới việc di chuyển của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến đám cháy chậm, khiến thời gian cháy kéo dài.
Thành viên các Tổ liên gia an toàn PCCC thực hành kỹ năng chữa cháy và CNCH tại cuộc thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH huyện Thanh Liêm.
Thực tế cho thấy, công tác quy hoạch giao thông tại một số nơi chưa quan tâm đến việc bảo đảm chiều rộng, chiều cao cho xe chữa cháy hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp; nhiều tuyến đường không bảo đảm về chiều rộng, chưa được quy hoạch mở rộng. Công tác đầu tư, xây dựng đường, cầu cống chưa tính đến khả năng bảo đảm tải trọng, chiều rộng cho xe chữa cháy, xe thang di chuyển qua. Nhiều đường, phố, ngõ vào khu dân cư bị chắn bởi các loại cọc, cổng, rào, barie, các hộ dân lắp đặt mái che, mái vẩy đua ra bên ngoài làm cản trở khả năng di chuyển của xe chữa cháy và các loại xe chuyên dụng. Nhiều tuyến phố, ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 200m xe chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật (điện, viễn thông, cấp thoát nước…) chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường, phố, ngõ chưa hạ ngầm các đường dây viễn thông, dây điện. Tại khu vực đô thị, nơi có mật độ dân cư đông đúc vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường, hè phố để buôn bán, kinh doanh vẫn còn tồn tại… gây nhiều khó khăn cho các phương tiện chữa cháy và CNCH khi di chuyển đến hiện trường.
Qua rà soát, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 163 tuyến đường giao thông bị giới hạn chiều rộng, chiều cao (không bảo đảm chiều rộng tối thiểu 3,5m, chiều cao tối thiểu 4,5m cho xe chữa cháy, xe thang hoạt động); đến tháng 3/2024 toàn tỉnh còn 45 tuyến đường giao thông bị hạn chế chiều rộng, chiều cao gây cản trở đối với phương tiện chữa cháy, CNCH, ảnh hưởng lớn đến thời gian tiếp cận đám cháy và hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH
Theo kết quả rà soát các tuyến đường chưa bảo đảm cho công tác chữa cháy, CNCH điển hình như: khung hạn chế tải trọng tại cầu Quế (huyện Kim Bảng); các khung hạn chế tải trọng trên tuyến đê Hữu Hồng (huyện Lý Nhân, thị xã Duy Tiên); khung hạn chế tải trọng tại một số tuyến đường tại xã Liêm Cần, Liêm Phong, Thanh Thủy, Liêm Thuận, thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm); cổng làng thuộc các xã Mộc Bắc, Yên Nam (thị xã Duy Tiên), xã Nhật Tựu, Liên Sơn, thị trấn Quế (huyện Kim Bảng);…Để tăng cường bảo đảm giao thông, nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND tỉnh Hà Nam đã có Công văn số 1375/UBND-NC ngày 8/6/2021 chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, chỉ đạo Công an tỉnh tham mưu tổ chức các hội nghị chuyên đề, cuộc họp liên ngành như: xây dựng, giao thông, công an, kế hoạch - đầu tư, tài chính, cấp, thoát nước… để đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể tăng cường công tác giải quyết giao thông, nguồn nước chữa cháy; tăng cường kiểm tra về PCCC trên địa bàn, trong đó chú trọng kiểm tra về giao thông, nguồn nước chữa cháy, kiên quyết xử lý nghiêm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan, kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ dự án đầu tư hạ tầng đang triển khai thi công có vi phạm pháp luật về PCCC…
Chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan tham mưu với UBND tỉnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu PCCC và CNCH; có kế hoạch khắc phục những bất cập về giao thông ảnh hưởng đến hoạt động chữa cháy, CNCH; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình trình giao thông để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông phục vụ PCCC.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định liên quan về PCCC tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó lưu ý việc bảo đảm về giao thông, nguồn nước cho công tác chữa cháy rừng; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung bảo đảm về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trong tiêu chí công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhằm bảo đảm an toàn PCCC trong các khu dân cư, vùng nông thôn.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải xem xét tới quy hoạch hạ tầng PCCC; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành để bảo đảm yêu cầu về PCCC; tích cực phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong việc xây dựng, cải tạo, duy tu hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy, hệ thống trụ, bể chứa, bến bãi lấy nước cho xe chữa cháy…
Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại hộ nhà ở kết hợp kinh doanh ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm.
Tuyến đê Hữu Hồng (đê cấp I), đê tả Đáy (đê cấp III) ngoài nhiệm vụ chống lũ bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân còn là tuyến giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Những năm trước đây, tuyến đê này đã được cứng hóa bằng bê tông. Tuy nhiên, những tuyến đê này thường xuyên có nhiều phương tiện vượt tải trọng quy định cho phép lén lút lưu hành làm mặt đê bị hư hỏng, vỡ nát, sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn đê điều và khó khăn cho công tác ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ, giao thông đi lại của nhân dân. Trong những năm qua, những tuyến đê này được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, duy tu, xử lý những hư hỏng, trong đó có việc sửa chữa, gia cố mặt đê, xuống cấp bằng láng nhựa, asphalt… góp phần bảo đảm an toàn đê điều, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân.Trên cơ sở tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê Hữu Hồng và một số đoạn của tuyến đê tả Đáy (chỉ cho phép xe cơ giới có tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai lắp đặt biển báo và khung hạn chế tải trọng phù hợp với tải trọng xe cơ giới được phép đi trên đê theo quy định. Cụ thể: tuyến đê Hữu Hồng lắp đặt 24 khung hạn chế tải trọng (khung thép, rộng 6,0m, cao từ mặt đường đến thanh chắn ngang 3,0m). Trong đó có 14 khung có thanh chắn ngang nâng lên được 0,7m để xe có chiều cao hơn 3m đi qua trong trường hợp cần thiết, còn lại 10 khung hàn cứng. Tuyến đê tả Đáy có 10 khung hạn chế tải trọng trên địa bàn huyện Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý. Đồng thời, tại các điểm giao giữa tuyến đường giao thông với tuyến đê đã được cắm biển báo hạn chế tải trọng cho phép đi trên đê theo quy định. Với mục tiêu ngăn chặn, hạn chế xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, bảo vệ thành quả đầu tư, hạn chế hư hỏng mặt đê, bảo đảm an toàn cho đê, thời gian qua, các khung hạn chế tải trọng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra, hạn chế được tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê, từng bước nâng cao nhận thức của các chủ phương tiện tham gia giao thông.Tuy nhiên, những khung hạn chế tải trọng nêu trên tại hai tuyến đê Hữu Hồng và tả Đáy hiện nay đang cản trở giao thông phục vụ công tác chữa cháy và CNCH, do không bảo đảm chiều cao tối thiểu 4,5m cho xe chữa cháy, xe thang hoạt động. Trước đề nghị tháo dỡ khung hạn chế tải trọng trên đê bảo đảm hoạt động chữa cháy và CNCH trên các tuyến đê, theo đại diện Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm an toàn cho đê điều đồng thời thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH khi tham gia trên tuyến đê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra thực tế hệ thống giao thông khu vực: tiếp giáp tuyến đê, ngoài đê, các vị trí giao cắt trên đê để xây dựng phương án lưu thông đáp ứng công tác PCCC và CNCH thuận lợi theo quy định. Đồng thời, Chi cục Thủy lợi sẽ phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng đối với các khu vực dân cư, công trình… phía trong và phía ngoài các tuyến đê. Trước mắt, trên cơ sở đánh giá sẽ tiến hành tháo dỡ các khung hạn chế tải trọng tại những điểm có cản trở tới công tác chữa cháy, CNCH cho khu vực dân cư, công trình. Về lâu dài, việc dỡ bỏ khung hạn chế tải trọng sẽ được thực hiện đồng loạt khi các tuyến đê được nâng cấp đáp ứng với nhu cầu kết hợp làm đường giao thông theo quy định.
Để giải quyết những khó khăn, bất cập và bảo đảm giao thông phục vụ chữa cháy, góp phần kiềm chế thiệt hại do hỏa hoạn gây ra, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác bảo đảm giao thông phục vụ chữa cháy, CNCH; đặc biệt là trong quá trình quy hoạch, sử dụng, quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống giao thông, hạ ngầm các công trình điện lực, viễn thông... Tiếp tục triển khai nội dung quy hoạch về PCCC và CNCH trong quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch quốc gia hạ tầng PCCC, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Khung hạn chế tải trọng trên đê Hữu Hồng, đoạn qua xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân và khung hạn chế tải trọng tại chân cầu Quế (Kim Bảng) không bảo đảm cho xe chữa cháy và CNCH lưu thông.
Lực lượng Công an các địa phương đã tiến hành tham mưu UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phá dỡ các trụ bê tông, thanh chắn, rào chắn, barie, mái che, mái vẩy… gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, CNCH; có phương án di dời các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi các khu dân cư, ngõ sâu, những nơi xe chữa cháy không tiếp cận được. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của việc bảo đảm giao thông phục vụ chữa cháy, CNCH; nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào tự phòng, tự quản, bảo vệ đường giao thông, không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông, không tự ý xây dựng, lắp đặt các vật cản làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện chữa cháy, CNCH.Theo ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND thị trấn Quế, huyện Kim Bảng: Nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ; thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH trên địa bàn, UBND thị trấn đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, duy trì “đường thông, hè thoáng”. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật, tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH, duy trì hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, phát động hưởng ứng phong trào “nhà tôi có bình chữa cháy” tới cán bộ, nhân dân, hộ gia đình vừa để ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh, tiểu thương trong và xung quanh khu vực chợ Quế, hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề Gốm Quyết Thành... Đối với cổng làng nghề truyền thống Gốm Quyết Thành, UBND thị trấn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, địa phương… vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân để có phương án tối ưu vừa bảo đảm cho công tác chữa cháy, CNCH, vừa phục vụ quảng bá làng nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.Ông Trương Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Phủ Lý cho biết: Căn cứ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố Phủ Lý, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê những tuyến giao thông còn tồn tại tình trạng cản trở giao thông phục vụ công tác chữa cháy, CNCH. Chỉ đạo các đơn vị thi công, UBND cấp xã tháo dỡ toàn bộ trụ, cọc bê tông, thanh baire chắn đường theo chức năng quản lý của UBND thành phố. Sau khi tháo dỡ, chỉ đạo, phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan bổ sung các biển hạn chế tải trọng, tăng cường tuần tra, rà soát, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm về tải trọng trên các tuyến đường. Với những điểm có thanh chắn đường tự phát, cổng trào khu dân cư… không bảo đảm cho công tác chữa cháy, CNCH, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, đôn đốc địa phương tiến hành tháo dỡ theo đúng quy định.
Thực tập PCCC và CNCH tại Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam.
Có thể thấy, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản bảo đảm phục vụ công tác chữa cháy và CNCH. Tuy nhiên, để theo kịp với tốc độ phát triển nhanh và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, rất cần sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai đồng bộ các giải pháp, đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao trong công tác chữa cháy, CNCH.
Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng, đồng thời tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.