Phát huy lợi thế cửa ngõ phía Nam thủ đô à Nội, với hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ và hiện đại, những năm gần đây, Hà Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dự án bất động sản (BĐS) do các nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm thực hiện. Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực của nền kinh tế, khả năng thanh khoản chậm, nhiều dự án BĐS rơi vào tình trạng “đóng băng”. Vì vậy, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà đầu tư, nhiều giải pháp phục hồi thị trường BĐS đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai; trọng tâm là phân khúc nhà ở, đặc biệt là nhà ở công nhân, các khu đô thị xung quanh các khu công nghiệp (KCN).
Tuy nhiên, sau một thời gian dài “phát triển nóng”, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, thị trường BĐS trên địa bàn Hà Nam rơi vào tình trạng “đóng băng”. Khả năng thanh khoản chậm khiến nhiều nhà đầu tư BĐS gặp khó khăn. Vì vậy, năm 2023, để khắc phục những hệ lụy do sự “phát triển nóng” của thị trường BĐS, cùng với việc triển khai một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, Sở Xây dựng đặc biệt chú trọng đến các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực BĐS.
Theo đó, sở đã phối hợp với cơ quan an ninh và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS; đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, sử dụng, giao dịch BĐS trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra điều kiện kinh doanh BĐS của các tổ chức, cá nhân; nắm bắt, xử lý các giao dịch môi giới, góp vốn, chuyển nhượng thông qua các hình thức không đúng quy định. Cùng với đó, sở cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng các quy định về hoạt động giao dịch BĐS; tăng cường quản lý các hoạt động môi giới có liên quan đến hoạt động giao dịch BĐS tại địa phương; kịp thời kiểm tra ngăn chặn các thông tin, hình thức rao bán, quảng cáo các dự án nhà ở chưa thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục và chưa đầu tư xây dựng theo quy định.
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ BĐS, trong năm 2022-2023, toàn tỉnh có 03 sàn giao dịch BĐS đã gửi thông báo hoạt động về Sở Xây dựng để quản lý. Hầu hết các giao dịch đều thực hiện tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ BĐS dạng văn phòng môi trường, trung tâm môi giới, hoạt động không thường xuyên, với tổng số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ BĐS là 649 doanh nghiệp... Riêng trong quý I/2024, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư: 03 dự án nhà ở thương mại; lựa chọn nhà đầu tư: 06 dự án; số lượng dự án được cấp phép xây dựng: 02 dự án (gồm: Dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) Khu đô thị mới tại thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (TL-ĐT06.21) và dự án ĐTXD Công viên chủ đề kết hợp nhà ở tại thành phố Phủ Lý (PL-ĐT11.22). 01 dự án hoàn thành trong quý là Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư mới tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân. 2 dự án căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, gồm dự án: Xây dựng Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại tổ dân phố Ngũ Nội, phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và dự án Xây dựng Khu nhà ở dân cư tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (KB-ĐT.09.22). Lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng trong quý I/2024 là: 1.820 giao dịch, với tổng giá trị giao dịch: 775.693,0 triệu đồng...
Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được duyệt và cụ thể hóa mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030; trong quý I/2024, UBND tỉnh đã thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư 01 dự án về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN (Liên danh Công ty TNHH Flanmingo Hải Tiến và Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải đầu tư Dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng tại Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 29/12/2023); chấp thuận chủ trương đầu tư 05 dự án về nhà ở xã hội, trong đó có 02 dự án về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị (nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do Liên danh Công ty cổ phần doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư, đã cơ bản hoàn thành và khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD làm chủ đầu tư) và 03 dự án về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp...
Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại trên địa bàn cho rằng: Thị trường BĐS dù gặp nhiều khó khăn nhưng đó là bức tranh chung của thị trường trong nước không riêng ở Hà Nam. Tuy nhiên, trong các phân khúc BĐS thì đất nền vẫn là kênh thu hút được dòng tiền và tạo tính thanh khoản rất cao. Nhất là sau khi các ngân hàng đã giảm lãi suất, các ngành nghề sẽ dần phục hồi trong năm 2024, ở đất nền cũng là một phân khúc mang giá trị bền vững, lâu dài tích luỹ theo năm tháng nên giới đầu tư vào phân khúc này đang có tâm lý chờ đợi ngày càng gia tăng. Thêm nữa, mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2025 quy định siết phân lô bán nền, điều này cũng cho thấy sự điều chỉnh nóng sốt đất nền đang dần thực thi. Với số lượng phân lô bán nền ở các đô thị rầm rộ trong những năm gần đây thì việc siết phân lô này sẽ tác động đến toàn bộ thị trường BĐS trong nước và đất nền có thể không còn tình trạng sốt đất như trước đây. Bởi, theo khoản 6 Điều 31 dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), sẽ không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III. Việc mở rộng phạm vi áp dụng so với quy định hiện hành (tại các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương)...
Năm 2024, Luật BĐS sửa đổi cũng sẽ tác động lớn đến thị trường BĐS; giúp minh bạch rất nhiều trong việc mua bán, đặc biệt là hoạt động phân lô bán nền; tăng cường sự kiểm soát quản lý nhà nước đối với các hoạt động phân lô bán nền; bảo đảm đồng bộ tính mỹ quan về kiến trúc, quy hoạch đô thị (phải xây dựng nhà trên đất trước khi bán cho người mua); bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả tránh lãng phí tài nguyên quỹ đất… Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đối với thị trường BĐS, đặc biệt là minh bạch hơn trong các khâu phát triển BĐS. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng, để thị trường BĐS Hà Nam phục hồi và phát triển bền vững, vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Tuy nhiên, nếu so với thu nhập của người dân trong tỉnh, giá nhà ở, giá đất vẫn ở mức cao vượt khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhà ở cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực đất đai; lĩnh vực quy hoạch; lĩnh vực đầu tư; lĩnh vực nhà ở, đô thị và liên quan nguồn vốn tín dụng; vướng mắc về giải phóng mặt bằng; việc giải quyết đề xuất của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng vẫn còn chậm trễ và vướng mắc trong việc thực hiện một số quy định.
Ngoài ra, công nhân phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội, có tham gia BHXH tại tỉnh 1 năm trở lên; phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Nói cách khác, phải là người có thu nhập hàng tháng từ 11 triệu đồng trở xuống (132 triệu đồng/năm) nếu không có người phụ thuộc. Trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu đối chiếu các quy định trên, bước đầu tại KCN Đồng Văn IV mới có gần 300 cán bộ công nhân đăng ký mua nhà ở xã hội, trong đó mới có 43 hồ sơ đủ điều kiện mua nhà ở trong KCN.
Ngoài khó khăn trên, nhiều dự án BĐS của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách liên quan. Cụ thể khi các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng cho vay BĐS có mặt tích cực là góp phần kiểm soát lượng cung tiền vào thị trường BĐS giảm mạnh so với thời gian trước; tác động đến hành vi vay vốn mua đất đầu cơ, phân lô bán nền, giảm được tình trạng giá BĐS ảo. Động thái này sẽ từng bước hạ nhiệt giá nhà đất vốn đã quá cao trong thời gian qua, góp phần đưa thị trường đất nền sẽ ổn định hơn và trở về với giá thực. Hơn nữa, khi ngân hàng siết chặt tín dụng đầu tư cho BĐS, những nhà đầu tư đất nền bắt buộc phải sử dụng tiền nhàn rỗi và đầu tư trung - dài hạn chứ không thể mua bán ngắn hạn, đẩy giá lên liên tục như thời gian qua.
Tại Hà Nam, việc thực hiện giải ngân Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư còn chậm, chủ yếu do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; một số dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà bởi các yếu tố về giá thành, vị trí, quy hoạch, hạ tầng; một số chủ đầu tư đã có dự án nhưng chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục đáp ứng điều kiện vay vốn. Nhiều chủ đầu tư còn đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Nhìn chung, thị trường BĐS trong thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn vì mặt bằng lãi suất cao; việc mất niềm tin của nhà đầu tư sau những sự kiện về trái phiếu doanh nghiệp, vướng mắc pháp lý và dòng vốn tín dụng vào BĐS bị thắt lại khi Ngân hàng Nhà nước giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn... Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, thiếu nhà ở giá phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp ở đô thị, đặc biệt là thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.
Thực hiện: Minh Thu - Trần Thoan
Thiết kế: Đức Huy
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.