Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics

E-MAGAZINE 06:12 07/04/2024 www.baohanam.com.vn

Hà Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực với số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh thương mại, tỉnh Hà Nam xác định phát triển dịch vụ logistics là một trong những lĩnh vực đặc biệt ưu tiên trong chiến lược phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tốt vai trò hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Xác định rõ tầm quan trọng của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 (Quyết định số 200) và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 21/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2017-2023 (Quyết định số 221).

Tàu vào Cảng Thái Hà bốc xếp hàng hóa.

 Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 19/5/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có các công trình cảng sông, cảng thông quan nội địa, phát triển dịch vụ logistics, phục vụ thu hút đầu tư.

Còn theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đường thủy nội địa được tỉnh ưu tiên đầu tư nhằm phát triển các tuyến vận tải thủy nội địa.

Cụ thể, tỉnh quy hoạch 1 trung tâm logistics cấp vùng, cảng cạn tại huyện Bình Lục; quy hoạch 1 trung tâm logistics cấp tỉnh, cảng cạn khu vực gắn với cụm cảng Yên Lệnh tại thị xã Duy Tiên liên kết với các khu công nghiệp trong khu vực; quy hoạch 1 cảng cạn tại thị xã Duy Tiên; quy hoạch các cảng thủy nội địa trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy.

Theo ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, những mục tiêu, kỳ vọng  của tỉnh đối với ngành logistics là hoàn toàn có cơ sở và có thể hiện thực hóa bởi Hà Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Trong đó, nổi bật là những thuận lợi về điều kiện vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ. Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Hà Nam hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực; từ đó, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trước tiên, về vị trí địa lý, tỉnh Hà Nam nằm ở phía Nam châu thổ sông Hồng – vùng có sự phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp và là nơi tập trung nhiều cơ sở công nghiệp hàng đầu của cả nước. Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam còn là đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tới sân bay Quốc tế Nội Bài, cảng Hải Phòng cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy hết sức thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa cho các phương tiện cơ giới. Trong đó, nổi bật là các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38, tuyến đường sắt Bắc - Nam… Bên cạnh lợi thế về giao thông, địa lý, những năm qua, Hà Nam còn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kim ngạch xuất nhập khẩu, thương mại – dịch vụ luôn tăng trưởng ở mức 2 con số.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã có 8 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 600 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sản xuất các mặt hàng trọng điểm như linh kiện, thiết bị điện tử; thiết bị điện; linh kiện, phụ tùng ô tô; thực phẩm; đồ gia dụng.

Ngoài ra, trên địa tỉnh còn có gần 1.300 doanh nghiệp đang làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Hà Nam. Hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có nhu cầu cao sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại địa bàn để giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng Hải Phòng. Nhiều doanh nghiệp có hoạt động mua bán hàng hóa nông sản, vật liệu xây dựng tại các tỉnh miền Trung, miền Tây cũng đang có nhu cầu lớn về dịch vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, lưu kho…

Ông Cao Văn Huỳnh, Giám đốc Bưu chính Viettel Hà Nam (Viettel Post Hà Nam) cho hay: Hiện nay, doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng, ngay cả doanh nghiệp hoạt động trong ngành bưu chính, chuyển phát cũng có nhu cầu rất lớn về dịch vụ lưu kho. Nhận thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực này và hướng tới mục tiêu đưa Viettel Post trở thành doanh nghiệp logistics số 1 Việt Nam, Viettel Post có định hướng xây dựng kho bãi chứa hàng, đầu tư phương tiện để phát triển dịch vụ lưu kho, lưu trữ hàng hóa.

Nhận thấy tiềm năng rất lớn về xây dựng mạng lưới logistics, tỉnh Hà Nam đang từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đưa dịch vụ hạ tầng logistics vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Tỉnh cũng đã lập phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phát triển giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông trên địa bàn như dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21B đoạn Km41-Km57+950 (Chợ Dầu - Ba Đa); dự án thành phần II (giai đoạn 2) thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT493 đoạn Km0+00 –Km8+600; đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với quốc lộ 21A, 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý…

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như Bưu điện tỉnh Hà Nam, Bưu chính Viettel Hà Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Nin Sing Logistics, Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh, Chi nhánh Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm… Qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng hóa theo đường bộ, đường hàng không, phục vụ phát triển thương mại điện tử của tỉnh.

 Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống cảng cạn (ICD Đồng Văn, IDC Tân Cảng Sài Gòn); các cảng đường thủy nội địa như cụm cảng Yên Lệnh - Hà Nam, cảng Yên Lệnh Bắc, cảng Thái Hà và khoảng hơn 20 dự án cảng và bến thủy nội địa được quy hoạch, xây dựng trên khu vực các tuyến sông. Sự phát triển của hệ thống cảng đường thủy nội địa đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hoá với chi phí và thời gian vận chuyển giảm đáng kể so với đường bộ...

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Hà Nam. Ảnh Trần Minh

Ông Trịnh Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (xã Chân Lý, Lý Nhân) cho biết: Doanh nghiệp chủ yếu nhập lúa, gạo ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và tiêu thụ ở các tỉnh, thành miền Bắc với lượng tiêu thụ mỗi tháng là khoảng 7.000 tấn gạo các loại. Với công suất xay xát lên tới 200 tấn/ngày, Thủy Long Hà Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Với lượng gạo thu mua và tiêu thụ lớn, việc sử dụng phương thức vận chuyển qua đường thủy đã giúp công ty giảm 60-70% chi phí so với đường bộ. Nhờ đó, Thủy Long Hà Nam luôn bảo đảm cung cấp gạo cho thị trường với mức giá cạnh tranh nhất. 

 Chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 1/2024 với lợi thế cả về giao thông đường thủy và đường bộ, nằm giáp danh giữa tỉnh Hà Nam và Hưng Yên, có nhiều khu công nghiệp phát triển, Cảng Yên Lệnh Bắc (thuộc địa phận 2 xã Chuyên Ngoại và Mộc Nam, thị xã Duy Tiên) do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thành Đạt làm chủ đầu tư đã nhanh chóng thu hút được nhiều nguồn hàng và lượng hàng. Hiện, cảng có khoảng 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sử dụng dịch vụ bốc dỡ hàng hóa với các mặt hàng chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng, than...

Ông Phạm Văn Hà, cán bộ điều hành cảng cho biết: Trước khi cảng Yên Lệnh Bắc đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn ra cảng Hải Phòng để chuyển hàng đi các nơi, nhất là đối với các mặt hàng công nghiệp nặng như sắt thép, cọc, cống bê tông, phôi thép, container. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cảng còn có chính sách ưu đãi phí dành cho khách hàng có đơn hàng thường xuyên và khối lượng hàng hóa vận chuyển lớn. Mục tiêu đến năm 2030, công suất vận chuyển hàng hoá của cảng đạt 2,68 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh và khu vực phía Bắc, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, đóng góp vào ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tại xã Chân Lý (Lý Nhân), với việc hoàn thành 95% cơ sở hạ tầng, cảng Thái Hà do Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà làm chủ đầu tư đã được đưa vào khai thác từ tháng 7/2023, bước đầu thu hút trên 20 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Thời điểm này, cảng đã hoàn thiện 4/5 cầu cảng cùng với việc đầu tư bài bản hệ thống cẩu trục, xe nâng container và các trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, vận chuyển, cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động. Để tạo thuận lợi cho các chủ tàu, sà lan ra vào cảng, Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà đã làm việc với Cảng vụ đường thủy KV2 đặt một văn phòng đại diện để tiếp nhận các thủ tục ngay tại cảng; đồng thời làm hồ sơ trình cơ quan hải quan xin phép chấp thuận cho cảng làm điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phát triển dịch vụ logistics được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, cùng với các giải pháp đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho ngành dịch vụ logistics, Hà Nam đã đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp; thúc đẩy thị trường dịch vụ logistics phát triển.

Cảng thủy nội địa Thái Hà tại xã Chân Lý và xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) có thể tiếp đón tàu biển, tàu SB tải trọng đến 3.500 tấn.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, trong đó có các nội dung về dịch vụ logistics thông qua việc tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm, ứng dụng thương mại điện tử trong các giao dịch,… giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn chương trình phù hợp để tham gia, nhằm khai thác lợi thế địa lý kinh tế trong cung ứng dịch vụ logistics. Một mặt, tăng cường kết nối dịch vụ vận tải thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải với giá thành hợp lý, chất lượng cao. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; qua đó, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thông tin về thị trường và đối tác một cách phong phú, thiết thực hơn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh.

Trong chiến lược phát triển của ngành dịch vụ logistics, nếu như cơ sở hạ tầng logistics được đánh giá là một trong những thành phần cốt lõi của hệ thống logistics, có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì nguồn nhân lực chất lượng cao chính là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp logistics nói riêng.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được Hà Nam đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Quyết định số 530/QĐ-UBND ngày 31/3/2021 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 1328/KH-UBND ngày 31/5/2021 thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho doanh nghiệp; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động; thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ chế đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics để phát triển nguồn nhân lực logistics có tay nghề cao. Đến nay công tác đào tạo nghề đã có chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng hiệu quả đào tạo nghề nghiệp.

Đánh giá về kết quả đạt được sau 7 năm triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 21/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐTTg ngày 14/02/2017..., đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhất định nhưng năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có những bước tiến đáng kể. Nhận thức về vai trò và tiềm năng phát triển dịch vụ logistics được nâng cao. Hoạt động dịch vụ logistics ngày càng đóng góp tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế, trước hết là hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối. Hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện, thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics cũng gia tăng và từng bước được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics cũng ngày càng được quan tâm phát triển. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát triển dịch vụ logistics ngày càng được tăng cường nhằm tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ...

Thực hiện: Minh Thu - Nguyễn Oanh

Thiết kế: Đức Huy

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC