Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Hồ sơ tư liệu 04:57 24/03/2024 Pv
Tiếp theo kỳ trước

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

 

Chương Chín: Trận địa chiến hào

Thời gian dành cho việc xây dựng trận địa bao vây và tiến công trong đợt 2 là 10 ngày. Những tuyến chiến hào vạch ra trên bản đồ ước tính dài khoảng 100 kilômét. Và chắc sẽ không dừng lại ở con số này. Việc xây dựng trận địa sẽ còn phải tiếp tục trong suốt quá trình chiến đấu.

Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, chúng ta thấy cần có hai loại đường hào: đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn; đường hào tiếp cận địch của bộ binh. Đường hào trục sẽ chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt. Các loại đường hào đều có chiều sâu 1,7 mét, không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy hào bộ binh rộng 0,5 mét, đáy hào trục rộng 1,2 mét. Dọc đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công. Việc xây dựng trận địa phải tiến hành ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó, và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận để phân tán sự chống phá của địch.

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đẫm máu kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. Ảnh tư liệu

Đại đoàn 308 phụ trách phía tây, các đại đoàn 312 và 316 phụ trách phía đông. Trận địa phía tây và phía đông gặp nhau một đầu ở đồi Độc Lập, một đầu ở bản Cò Mị, kết hợp thành một đường vòng rộng ôm lấy cánh đồng Mường Thanh. Trung đoàn 57 của 304, được tăng cường một tiểu đoàn của 316, có nhiệm vụ xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ đông sang tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm Mường Thanh.

Theo mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây được quy định cụ thể như sau:

Đại đoàn 308, xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí Đồi Độc Lập qua Bản Kéo, Pe Nọi, Nậm Bó, Bản Mé, bản Cò Mị tới sông Nậm Rốm, và đường hào trục từ Pe Nọi vào vị trí tập kết của bộ đội phía tây Mường Thanh. Làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích vị trí 106 (cứ điểm Huguette 7 nằm trong trung tâm đề kháng Huguette bảo vệ sân bay).

Đại đoàn 312, xây dựng đường hào trục từ nam vị trí Đồi Độc Lập nối liền với đường hào trục của Đại đoàn 308, qua Him Lam, Long Bua nối liền với đường hào trục của Đại đoàn 316. Làm trận địa tiến công, chuẩn bị công kích các điểm cao D, E (Dominique 2, Dominique 1, thuộc trung tâm đề kháng Dominique ở phía đông) và cứ điểm 105 (Huguette 6, thuộc trung tâm đề kháng Huguette bảo vệ sân bay).

Đại đoàn 316, xây dựng đường giao thông hào trục từ Long Bua nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 312, đi qua Bản Bánh, Bản Ten tới sông Nậm Rốm ngang bản Cò Mị, nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 308. Làm trận địa tiến công các cao điểm A1 và C1 (Eliane 2 và Eliane 1, thuộc trung tâm đề kháng Eliane ở phía đông).

Trước đợt 1 chiến dịch, bộ đội ta đã tiến hành xây dựng trận địa. Nhưng quy mô lần này rộng lớn hơn rất nhiều. Các đơn vị đều tiến hành một đợt học tập quán triệt nhiệm vụ tới toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, dự kiến mọi khó khăn, xác định xây dựng trận địa lần này sẽ là một cuộc chiến đấu thực sự.

Phải có một thời gian biểu hoàn toàn mới cho bộ đội. Buổi sáng, là giờ ngủ. Khoảng cách sau bữa cơm trưa với bữa cơm chiều là thời gian chuẩn bị vật liệu xây dựng trận địa, lên rừng đốn gỗ, chặt lá ngụy trang. Sau bữa cơm chiều, từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng. Suốt đêm là thời gian đào trận địa. Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 tới 18 tiếng mỗi ngày. Những đêm giá rét, đào trận địa mồ hôi vẫn tuôn chảy. Gặp những chỗ đất rắn hay nhiều sỏi đá, bàn tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu. Nhưng khổ nhất vẫn là khi gặp ruộng lầy. Mọi người phải ngụp trong bể bùn, dùng tay, dùng xẻng, mũ sắt, có lúc cả áo mưa để đựng bùn đổ đi. Sau đó, lại phải đóng cọc, chèn phên hai bên thành hào phòng sụt lở. Những đêm mưa, ở nơi đất trũng, nước đổ vào đường hào, mọi người bì bõm giữa bùn nước. Nước mưa chảy tràn trên mặt, nhưng vẫn không ai ngừng tay.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình xây dựng trận địa, ngày 20 tháng 3 năm 1954, tôi viết một bức thư gửi bộ đội:

"…Tôi được báo cáo các đồng chí đã làm trận địa mấy ngày liền lại phải chiến đấu, rồi lại phải liên tục bắt tay vào làm trận địa, như thế có đồng chí mệt nhọc.

Nhưng, ta mệt nhọc thì cần phải nhớ rằng quân địch ở Điện Biên Phủ còn căng thẳng mệt nhọc hơn ta, thương binh không có hầm mà nằm, không đủ thuốc để chữa, công sự một phần bị sụp một phần bị rung chuyển, tiếp tế không đầy đủ, thỉnh thoảng lại ăn một quả đại bác của ta, lại thêm thương vong.

Như vậy, chúng ta nên nghỉ ngơi để cho kẻ địch có thì giờ mà nghỉ ngơi chấn chỉnh, có thì giờ mà tăng viện, mà thả dù tiếp tế, mà phát huy hiệu lực pháo binh và không quân của chúng, hay chúng ta là chiến sĩ của Quân đội nhân dân, là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, lúc này phải nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chịu mỏi mệt hơn một phần để gây thêm mười phần mệt mỏi và khó khăn cho địch. Giữa hai con dường đó, nên đi con đường nào? Tôi chắc các đồng chí đều đồng thanh trả lời nên phát huy truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng của quân đội ta để liên tục làm trận địa, liên tục chiến đấu với địch...".

Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường hào mà chúng đã phát hiện ban ngày. Máy bay liên tiếp thả đèn dù phát hiện những mục tiêu mới cho những trận oanh tạc. Địch ném bom napan, bom 1.000 pound xuống trận địa. Ban ngày, địch đưa quân ra những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác, san lấp những đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp.

Trước nguy cơ con đường hành lang giữa Hồng Cúm và khu trung tâm bị cắt, tập đoàn cứ điểm tách làm đôi, Đờ Cát đưa tiểu đoàn lê dương dù số 1 và xe tăng ra phản kích nhưng không đánh bật được chốt của trung đoàn 57. Ngày 27 tháng 3, Đờ Cát quyết định trao cho Bigia làm việc này, đồng thời loại trừ một đơn vị pháo cao xạ mới xuất hiện ở phía tây.

Bigia đã rời khỏi tiểu đoàn dù 6, trở thành phó của Lănggơle chỉ huy khu trung tâm, đặc trách lực lượng phản kích. Bigia quyết định sử dụng một lực lượng thật mạnh gồm những tiểu đoàn khá nhất vào nhiệm vụ. Đó là tiểu đoàn dù xung kích 8 của Tuarê, tiểu đoàn dù lê dương 1 của Ghirô (Guiraud), tiểu đoàn dù lê dương 6 của Tômát (Thomas, người thay Bigia), tiểu đoàn bộ binh lê dương số 2 của Clêmăngxông (Clémencon) và đại đội xe tăng của Hécvuê (Hervouet). Cả viên đại tá Vayăng (Vaillant), chỉ huy pháo binh thay Pirốt, thiếu tá không quân Ghêranh (Guérin) cũng được huy động. Toàn bộ lực lượng tương đương với năm tiểu đoàn.

Bigia biết có một trung đoàn của 308 ở hướng này, mà y tưởng lầm là trung đoàn 36, cho rằng cuộc hành binh chỉ có thể thành công nếu giữ được bất ngờ. Theo kế hoạch, trận đánh sẽ bất thần mở đầu bằng một loạt pháo cấp tập thật trúng mục tiêu. 12 khẩu pháo 105, 2 khẩu 155, 12 khẩu cối 120 ly sẽ làm việc này từ 6 giờ ngày 28 tháng 3. Binh lính dù, lê dương và xe tăng khai thác tình trạng hỗn độn của địch do pháo gây ra, nhanh chóng tiến công. 6 giờ 30, không quân oanh tạc trận địa ngăn không cho viện binh đối phương tiếp cận. Sẽ lập tức rút lui trước khi kẻ địch chỉnh pháo bắn vào khu vực. Bigia đã nhận thấy một nhược điểm của pháo binh ta là các khẩu đội đều bố trí phân tán trong hầm sâu, phải mất nhiều thời gian khi chuyển sang một mục tiêu mới.

Sáng ngày 28, một đơn vị của trung đoàn 102 ở Pe Luông được lệnh di chuyển bàn giao lại trận địa cho trung đoàn 88. Trung đoàn 88 đưa đại đội 229 của tiểu đoàn 322 ra phòng ngự ban ngày đề phòng quân địch phản kích. Sương mù còn dày đặc. Cán bộ đại đội đi xem xét chiến hào, đặt kế hoạch tác chiến, điều chỉnh lại các ổ súng máy.

Trung đội 8 bố trí ở tuyến tiền duyên đang sửa sang lại các hầm hố chiến đấu thì đột nhiên tiếng súng máy nổ ran. Từ trong màn sương, quân địch hiện ra rất đông, vừa la hét vừa xông tới.

Thấy trời nhiều sương mù, máy bay không thể hoạt động đúng giờ quy định, Bigia thay đổi kế hoạch, cho xe tăng cùng với tiểu đoàn dù lê dương 1 dừng lại phía sau làm lực lượng dự bị, chưa sử dụng pháo binh, đưa ba tiểu đoàn dù và lê dương bí mật đột kích vào trận địa của ta.

Trung đội 8 phải đối phó với cuộc xung phong của tiểu đoàn dù 6. Các chiến sĩ mặc dù đứng chân chưa vững tại trận địa, đã lập tức nổ súng đánh trả, quật ngã những tên địch đang xông tới. Hỏa lực của ta khá mạnh bắt tiểu đoàn dù 6 phải dán mình trên mặt đất. Bigia buộc phải trở lại kế hoạch cũ. Pháo ở Mường Thanh bắn dữ dội rồi xe tăng tiến lên mở đường. Xe tăng tràn qua trận địa chia cắt trung đội. Những tên lính dù bám theo xe tăng chia thành nhiều toán nhảy xuống chiến hào. Các chiến sĩ kiên quyết không rời trận địa, chụm lại ở một ngã ba chiến hào bố trí trung liên, tiểu liên thành một vòng tròn, mặc cho những chiếc xe tăng vượt qua, nhắm những tên lính dù nổ súng.

Cùng lúc đó, trận địa phòng không trống trải của đại đoàn ở phía sau cũng nằm dưới hỏa lực liên thanh và đạn pháo của xe tăng. Những người lính phòng không chỉ được trang bị trọng liên bắn máy bay, giờ phải dùng vũ khí của mình chiến đấu với xe tăng và bộ binh địch. Đại đội trưởng Quỳ và chính trị viên Phú của đơn vị phòng không hạ lệnh cho tất cả xạ thủ hạ thấp nòng súng máy cao xạ nhắm vào những chiếc xe tăng và bộ binh địch. Nòng súng đỏ rực ngăn chặn hiệu quả những chiếc xe tăng. Nhưng rồi đạn bắt đầu cạn và hết hẳn. Đại đội trưởng và chính trị viên đều bị thương nặng. Xích xe tăng chà lên chiến hào và ụ súng. Các chiến sĩ, kể cả những người đã bị thương, giật dây lựu đạn chờ xì khói rồi mới ném thẳng vào quân địch. Cuối cùng, lựu đạn cũng hết. Các chiến sĩ dùng búa -đanh, kìm, lắc lê, chân súng gãy... lăn xả vào quân địch đánh giáp lá cà. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài tới 2 giờ chiều.

Trận đánh diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Đại bộ phận tiểu đoàn 322 sau một đêm đào trận địa mệt mỏi đang nghỉ ở hậu cứ, khi có người từ trận địa chạy về báo tin, mới vận động tiến ra phản kích với sự trợ lực của súng cối 120 ly. Bộ đội ta xung phong đánh bật dần quân địch khỏi chiến hào trục. Thấy quân ta kéo tới đông, Bigia lập tức ra lệnh rút lui. Trên trận địa cao xạ, từ những ụ súng, hầm đạn nhô lên một số chiến sĩ quần áo nhuốm đầy máu, trong tay chỉ có những dụng cụ sửa chữa pháo dùng làm vũ khí chiến đấu. Tại trận địa của trung đội 8 ở tiền duyên, mọi người tìm được hai chiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương và Bùi Minh Đức. Phương là y tá, đã bị thương gãy cả hai tay. Đức là chiến sĩ, một thiếu sinh quân mười bảy tuổi vừa vào bộ đội, bị thương cả hai mắt không còn nhìn thấy gì. Trong những giờ qua, hai người đã dựa vào nhau tiếp tục chiến đấu. Phương quan sát mục tiêu, Đức dùng tay bóp cò súng. Vừa lúc các đồng đội tới thì Phương thở hơi cuối cùng. Sau trận đánh, Đức được quân y hết lòng điều trị, giữ lại được một con mắt.

Trận phản kích của Bigia được quân viễn chinh coi là thắng lợi, một chiến thắng hầu như duy nhất tại Điện Biên Phủ trong suốt thời gian này, nhưng đã cướp đi gần một trăm tên chết và bị thương, trong đó có năm sĩ quan. Nếu cộng với số thiệt hại trước đó trong tuần thứ hai lắng dịu sau đợt tiến công phân khu bắc, quân địch đã mất thêm tổng số 522 người, gần tương đương với một tiểu đoàn .

Đây là trận phản kích lớn cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ trước khi cuộc tiến công đợt 2 bắt đầu.

Địch đã sử dụng sức mạnh tối đa của bom, đạn và các đơn vị phản kích ngăn cản công việc xây dựng trận địa của chúng ta. Nhưng mỗi ngày qua, các đường hào lại kéo dài thêm. Phân khu nam Hồng Cúm đã hoàn toàn bị cắt khỏi khu trung tâm. Để bảo vệ trận địa, các đơn vị bộ binh đã chuyển từ nơi trú quân ra ở ngay tại những đường hào mới đào xong.

Không riêng bộ binh xây dựng trận địa chiến hào để tiếp cận quân địch, một số đơn vị lựu pháo cũng rời bỏ những căn hầm rất vững chắc và "tiện nghi" của mình trên các dãy núi Tà Lèng, Pú Hồng Mèo, tới những vị trí mới ở gần mục tiêu hơn, chuẩn bị cho đợt tiến công sắp tới. Đại đội lựu pháo 804 chiếm lĩnh vị trí sát Him Lam. Hai đại đội lựu pháo 801, 802 chuyển pháo từ phía đông sang trận địa mới ở phía tây, nằm ngay sau Bản Kéo. Ở phía đông - nam, đại đội lựu pháo 805 cũng cơ động từ trên núi Pú Hồng Mèo xuống gần Hồng Cúm.

(Còn nữa)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thành phố Phủ Lý hiệp đồng giao, nhận quân và huấn luyện quân nhân dự bị năm 2025

Quốc phòng  |  12:25 27/12/2024

Sáng 27/12, UBND thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị hiệp đồng giao, nhận quân và huấn luyện quân nhân dự bị năm 2025 với các đơn vị nhận nguồn trên địa bàn.

Thanh Liêm hiệp đồng giao, nhận quân và huấn luyện quân nhân dự bị năm 2025

Quốc phòng  |  12:07 27/12/2024

Sáng 27/12, UBND huyện Thanh Liêm tổ chức hội nghị hiệp đồng giao, nhận quân và huấn luyện quân nhân dự bị năm 2025.

Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại xã Hòa Hậu

An ninh  |  10:59 27/12/2024

UBND xã Hòa Hậu vừa phối hợp với Công an huyện Lý Nhân tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy nâng cao" tại thôn 7, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC