Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 - NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, những năm qua, ngành du lịch Hà Nam đã có bước đột phá quan trọng. Số lượt khách du lịch đến với Hà Nam không ngừng gia tăng qua các năm, bình quân mỗi năm du lịch Hà Nam tăng trưởng từ 20% đến 25%, kéo theo doanh thu du lịch tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2022, tổng thu du lịch của tỉnh đạt 2.152,5 tỷ đồng thì năm 2023 tăng lên 3.279 tỷ đồng và Hà Nam đã được vinh danh trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Điều đó đồng nghĩa với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã được hiện thực hóa hiệu quả bằng những chương trình hành động cụ thể.
Từ năm 2021 đến nay, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, định hướng và quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành quy hoạch các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch Tam Chúc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đôn đốc, phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án hạ tầng khung Khu du lịch Tam Chúc; kịp thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương cùng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu điều chỉnh phạm vi, ranh giới, quy mô và bổ sung chức năng cho các khu chức năng trong Khu du lịch Tam Chúc đến năm 2030; tham gia ý kiến làm cơ sở để UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Ba Sao, huyện Kim Bảng; xin chủ trương triển khai đánh giá các tiêu chí của Khu du lịch Tam Chúc làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; tiếp tục triển khai các bước tu bổ, sửa chữa nhà Bá Kiến thuộc Khu tưởng niệm Nhà văn liệt sỹ Nam Cao, xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân...
Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc đã được bình chọn là “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu Việt Nam” và “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu châu Á” tại Lễ trao giải Giải thưởng Du lịch thế giới 2023 (World Travel Awards 2023) khu vực châu Á - châu Đại Dương. Các cơ sở nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng như Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Vinpearl Melia Phủ Lý, sân golf Kim Bảng, khu phức hợp thể thao tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Hà Nam hiện có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 09 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 1, 2 sao với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn và gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định...
Mặc dù, được đánh giá là ngành chịu nhiều tổn thất nặng nề nhất do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp; sự linh hoạt trong chỉ đạo của ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch; sự vận động tự thân của các doanh nghiệp nên khu vực kinh tế du lịch Hà Nam đã nhanh chóng phục hồi và có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với sự kiện Khu du lịch Tam Chúc đã được tổ chức World Travel Awards bình chọn là “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu Việt Nam” và “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu châu Á” vào đầu tháng 9 năm 2023, tin rằng, du lịch Hà Nam sẽ tiếp tục có những bước bứt phá trong những năm tiếp theo... Đó là nhận định của ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam.
Đặc biệt, trong năm 2022, thực hiện Chương trình ký kết phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với UBND thành phố Phủ Lý tại Chương trình phối hợp số 01/CTPH-SVHTTDL-UBND ngày 03/8/2022 về việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, sở đã chủ động chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp với các phòng chức năng của thành phố Phủ Lý tham gia xây dựng, tổ chức các hoạt động trên tuyến phố đi bộ của thành phố để góp phần thu hút, phục vụ du khách tham quan, mua sắm.
Hướng tới mục tiêu xây dựng di sản đa dạng sinh học và văn hóa thế giới, thời gian qua, sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt chương trình phối hợp trong công tác nghiên cứu, xếp hạng, ghi danh các di sản văn hóa tiêu biểu thuộc quần thể di tích và danh thắng Tam Chúc -Lê Chân - Bát Cảnh Sơn, giai đoạn 2021 - 2025; triển khai kế hoạch kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể tại quần thể danh thắng Tam Chúc. Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định công nhận 02 Bảo vật quốc gia: Trống đồng Tiên Nội I và Bia đá chùa Giàu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành các quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với Quần thể Danh lam thắng cảnh Tam Chúc, Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao, Di tích lịch sử căn cứ địa Lạt Sơn (gồm Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, núi Giát Dâu, đồi Bụt), danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể Thao và Du lịch Hà Nam, đây sẽ là những “điểm tựa” vững chắc để Hà Nam tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc thù thỏa mãn nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách... trong đó, đặc biệt, quan tâm phát triển những sản phẩm du lịch có tính nghệ thuật sáng tạo cao và có sức thu hút du lịch lớn; gắn kết sản phẩm du lịch lễ hội văn hóa với các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch xanh... Năm 2023, với việc tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” ngày 19/5/2023 tại Khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam đã trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch xanh, theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có 3 nội dung cơ bản cần quan tâm. Trước hết, đối với công tác quản lý du lịch xanh cần có thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch xanh. Tiếp đó, là sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh, đòi hỏi các cơ sở kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh. Cuối cùng là tiêu dùng du lịch xanh, khách du lịch có ý thức lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, lựa chọn điểm đến xanh; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường khi đi du lịch...
Vì vậy, để du lịch Hà Nam phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch, các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu có tiềm năng lớn trong việc định hướng khai thác phát triển du lịch, Hà Nam cần tích cực tham gia các hội chợ du lịch, giới thiệu điểm đến du lịch, phát hành ấn phẩm giới thiệu về các khu, điểm du lịch, quản lý và khai thác hiệu quả website du lịch Hà Nam, Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam.
Tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch với các tỉnh trong khu vực và các trung tâm du lịch lớn trong nước về việc khảo sát điều tra, thiết kế các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch liên vùng và sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Triển khai các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nam và của tỉnh, thành trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, trọng tâm là Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tour, tuyến, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; liên kết các tour, tuyến trong vùng nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của các địa phương. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp, của du lịch Hà Nam.
Phát biểu tại Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Hà Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch đặc biệt phong phú với gần 2.000 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của cha ông ta, tiêu biểu như chùa Đọi Sơn; đền Trần Thương; đền Lăng thờ vua Đinh và các vua thời Tiền Lê; chùa Bà Đanh; danh thắng Tam Chúc… Cùng với đó là nhiều danh lam, thắng cảnh non nước hữu tình và các di sản văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống của nền văn minh lúa nước được gìn giữ từ ngàn đời, phục dựng và phát triển bền vững như Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần… tạo nên sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Quy hoạch tỉnh Hà Nam với khát vọng phát triển Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để Hà Nam chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các nền kinh tế; trở thành trung tâm công nghiệp- công nghệ cao thân thiện với môi trường và là điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng và thể thao...
Thực hiện: Minh Thu Thiết kế: Đức Huy
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.