Quan tâm, chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), nhất là đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vốn là việc làm thường xuyên của các cấp công đoàn, song khi Tết đến, Xuân về, điều này càng được chú trọng. Bởi, sau cả năm làm việc vất vả, ai cũng mong chờ một cái Tết ấm cúng, đủ đầy. Việc tổ chức tốt công tác chăm lo Tết cho NLĐ cũng là cách để ổn định tư tưởng, tâm tư, tình cảm cho NLĐ, giữ mối quan hệ lao động hài hòa, bảo đảm tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết ở mức cao.
Chị Hoàng Thị Ngân, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yokowo Việt Nam cho biết: Như mọi năm, cứ vào dịp Tết cổ truyền công ty đều thưởng tháng lương thứ 13 và tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân đón Tết như tiệc tất niên, văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị như xe máy, ti vi, tủ lạnh…, tạo không khí vui vẻ, đầm ấm, gắn kết NLĐ giữa các bộ phận trong toàn nhà máy.
Những món quà không chỉ mang giá trị vật chất mà hơn hết còn mang lại niềm vui, sự may mắn; những giá trị tinh thần tốt đẹp đó đã góp phần quan trọng trong việc chăm lo cho đời sống của công nhân lao động, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là cách thiết thực để lãnh đạo doanh nghiệp tri ân, cảm ơn NLĐ, khích lệ họ tiếp tục đoàn kết thi đua lao động sản xuất để năm mới đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Cùng với đó, công đoàn trích kinh phí chi cho mỗi đoàn viên, NLĐ từ 200-300 nghìn đồng/người.
Đặc biệt, việc chăm lo Tết cho lao động có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn rất chú trọng. Theo đó, công đoàn sẽ chi hỗ trợ cho NLĐ căn cứ theo mức độ khó khăn, ít nhất là 500.000 đồng, nhiều nhất là 1,7 triệu đồng. Đây là số tiền được trích từ kinh phí công đoàn và cán bộ, nhân viên, NLĐ trong công ty đóng góp. Không chỉ được chăm lo tại doanh nghiệp, công đoàn công ty cũng lập danh sách đoàn viên khó khăn đề nghị Công đoàn các KCN tỉnh tặng quà, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh vé xe, chuyến xe đưa họ về quê đón Tết.
Những tháng cuối năm 2023, đơn hàng tại Công ty TNHH JK Hà Nam (huyện Thanh Liêm) tăng nhiều hơn so với thời điểm đầu năm và giữa năm nên NLĐ rất phấn khởi. Chủ tịch Công đoàn công ty Trần Thị Trang cho biết: Xác định NLĐ là vốn quý của doanh nghiệp nên các đề xuất, kiến nghị về chế độ, chính sách chăm lo quyền lợi, phúc lợi cho NLĐ của công đoàn được ban giám đốc rất tạo điều kiện và ủng hộ. Thu nhập bình quân của NLĐ khoảng 6-8 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, doanh nghiệp đều thưởng 1 tháng lương cơ bản cho tất cả NLĐ vào dịp Tết Nguyên đán; mức thấp nhất là hơn 4 triệu đồng. Việc chi trả các khoản lương, thưởng Tết được thực hiện rất kịp thời, đầy đủ, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động.
Bên cạnh đó, công đoàn cũng chi từ 200-300 nghìn đồng/đoàn viên, và năm nào không tổ chức liên hoan cuối năm, mức chi sẽ tăng gấp đôi. Thông thường, công đoàn đều phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức cho NLĐ có một bữa tiệc tất niên ấm áp, sum vầy, tăng cường sự gắn kết trong đơn vị. Cũng nhân dịp Tết, ngoài đề xuất Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện quan tâm hỗ trợ, công đoàn công ty cũng tặng quà cho 15-20 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại đơn vị với mức chi từ 500 – 1.000.000 đồng tùy thuộc hoàn cảnh, thâm niên công tác. Công ty thực hiện tăng bậc lương cơ bản 3 năm một lần, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho NLĐ.
Là khu vực có hơn 60.000 đoàn viên, công nhân lao động, từ rất sớm, Công đoàn các KCN tỉnh đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ đến tất cả hơn 300 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc. Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Đặng Đình Quỳnh cho biết: Chúng tôi đang khảo sát, nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các CĐCS giám sát việc chi trả tiền lương, thưởng Tết cho công nhân. Cùng với đó, khảo sát đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ trong dịp Tết này. Các hoạt động hỗ trợ, chăm lo NLĐ sẽ được tổ chức kịp thời, chu đáo, nhằm mang lại cho NLĐ một cái Tết an vui, trọn vẹn.
Năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn của doanh nghiệp và NLĐ, nhất là hàng nghìn lao động bị giảm giờ làm và thu nhập, thậm chí mất việc làm song việc thưởng Tết cần phải hợp lý, dựa trên “sức khỏe” doanh nghiệp và hài hòa đôi bên. Dù không phải là quy định bắt buộc, song năm nào cũng vậy, trước mỗi dịp Tết đến, Xuân về, CĐCS đều tham mưu, đề xuất doanh nghiệp dành nguồn lực để thưởng Tết cho NLĐ, tạo thành nét đẹp văn hóa trong quan hệ lao động. Đây là món quà có ý nghĩa giúp NLĐ đón một cái Tết đủ đầy, đầm ấm bên gia đình, từ đó, yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Với phương châm “Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường xã hội hóa nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn vào dịp Tết; tổ chức tốt chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ phương tiện, vé xe cho công nhân về quê đón Tết. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn để động viên đoàn viên, NLĐ không về quê đón Tết.
Nội dung: Hoàng Hải
Thiết kế: Đức Huy
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.