Kỳ 1: Phu nhân của một tổng thống “tham công tiếc việc”
Do có sức hút mãnh liệt với nhau, Tổng thống Woodrow Wilson và bà Edith hiếm khi xa nhau. Ông Wilson thường mời vợ ngồi cùng khi ông xem xét những tài liệu quan trọng. Một số trong số đó thuộc dạng tối mật và liên quan đến chiến tranh. Ông thậm chí còn cho phép vợ có mặt trong các cuộc thảo luận quan trọng với các cố vấn của mình.
Nhưng ngoài các việc của tổng thống, mối quan tâm hàng đầu của bà Edith là sức khỏe và sự thoải mái của chồng. Bà tỏ ra ít quan tâm đến chính trị ngoại trừ việc nó liên quan đến chồng mình.
Với tư cách là Đệ nhất phu nhân trong Thế chiến thứ nhất, bản thân bà Edith đã làm gương khi tuân thủ tất cả các lệnh cấm như người dân Mỹ nhằm tiết kiệm trong thời chiến: “Chủ nhật không khí đốt”, “Thứ hai không ăn thịt” và “Thứ tư không ăn lúa mì”.
Để phù hợp với các chính sách liên bang này, bà đã để cho cừu ăn cỏ trên bãi cỏ của Nhà Trắng thay vì sử dụng người cắt cỏ. Bà thậm chí còn bán đấu giá len làm từ lông cừu để quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ Mỹ.
Ngoài ra, bà Edith đã trở thành Đệ nhất phu nhân đầu tiên tới châu Âu trong thời gian làm việc tại Nhà Trắng. Bà đủ tiêu chuẩn đảm nhận vai trò bà chủ chính thức của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, khía cạnh xã hội trong chính quyền Tổng thống Wilson bị lu mờ do cuộc chiến tranh ở châu Âu. Bà đã từ bỏ các hoạt động này hoàn toàn sau khi Mỹ chính thức tham gia cuộc chiến vào năm 1917.
Bà Edith đã hòa nhập cuộc sống của chính mình với cuộc sống của chồng, cố gắng giữ cho ông luôn khỏe mạnh trong điều kiện vô cùng căng thẳng. Bà đi cùng chồng đến châu Âu khi quân Đồng minh gặp nhau để thảo luận về các điều khoản hòa bình. Trong hai lần, vào năm 1918 và 1919, bà đã cùng chồng tới châu Âu để nói phát biểu với các binh sĩ và ký Hiệp ước Versailles. Sự hiện diện của bà giữa các thành viên nữ hoàng gia châu Âu đã giúp đảm bảo vị thế của Mỹ như một cường quốc thế giới và nâng cao vị thế của Đệ nhất phu nhân trong chính trị quốc tế. Bà duyên dáng, ăn nói khéo léo và rất được kính trọng.
Về phần mình, Tổng thống Woodrow Wilson có thể là một trong những tổng thống làm việc chăm chỉ nhất của nước Mỹ. Vào mùa thu năm 1919, ông đã chứng minh điều đó rõ nhất.
Trong phần lớn sáu tháng từ cuối tháng 12/1918 đến tháng 6/1919, Tổng thống thứ 28 của Mỹ đang ở châu Âu đàm phán Hiệp ước Versailles và lên kế hoạch cho Hội Quốc Liên mới thành lập, những nỗ lực mà nhờ đó ông đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1919 (giải thưởng mà ông không chính thức nhận được cho đến tận năm 1920). Tuy nhiên, ở Mỹ, việc phê chuẩn Hiệp ước Versailles đã nhận được phản ứng trái chiều và bị các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng như thành viên Dân chủ Công giáo Ireland phản đối mạnh mẽ. Khi mùa hè trôi qua, Tổng thống Wilson lo lắng rằng thất bại đang đến gần.
Mệt mỏi nhưng quyết tâm đạt được hòa bình, vào ngày 3/9/1919, Woodrow Wilson bắt đầu chuyến diễn thuyết khắp nước Mỹ để có thể trình bày quan điểm của mình trực tiếp với người dân Mỹ. Trong ba tuần rưỡi tiếp theo, Tổng thống Wilson, vợ ông, các trợ lý, người phục vụ, đầu bếp, nhân viên Mật vụ và các thành viên báo chí đều rong ruổi khắp nước Mỹ bằng đường sắt. Toa tàu tổng thống có cái tên kỳ lạ là Mayflower đã được dùng làm Nhà Trắng di động. Cùng tham gia đoàn tháp tùng còn có bác sĩ riêng của tổng thống là ông Cary T. Grayson, người rất lo ngại về sức khỏe của Tổng thống Wilson.
Bản thân ông Woodrow Wilson không hề khỏe trước khi bắt đầu chuyến đi dài ngày mệt mỏi này. Khi ông Wilson nhậm chức, một bác sĩ nổi tiếng tên là Silas Weir Mitchell đã dự đoán một cách đáng lo ngại rằng Tổng thống sẽ không bao giờ hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Bác sĩ Weir đã sai khi tiên lượng như vậy, mặc dù bác sĩ Grayson thường xuyên tỏ ra lo lắng về xu hướng làm việc quá sức của Tổng thống Wilson.
Ví dụ, trong khi đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc đạt được một nền hòa bình công bằng nhằm chấm dứt “Đại chiến”, ông Wilson đã làm việc không ngừng nghỉ, bỏ tất cả các buổi tập thể dục, giải trí và thư giãn khỏi lịch trình của mình. Giống như hàng chục triệu người khác trong trận đại dịch tồi tệ nhất lịch sử loài người, Tổng thống Mỹ đã mắc trận cúm khủng khiếp vào đầu tháng 4/1919.
Trong suốt tháng 9/1919, khi đoàn tàu tổng thống đi qua vùng Trung Tây, đến các bang ở khu vực Đại Bình nguyên ở Bắc Mỹ, qua dãy Rockies vào Tây Bắc Thái Bình Dương rồi xuống Bờ Tây trước khi quay trở lại phía Đông, Tổng thống Wilson trở nên gầy đi, xanh xao và yếu ớt hơn bao giờ hết. Ông ăn mất ngon, bệnh hen suyễn ngày càng trầm trọng và ông kêu đau đầu không ngừng.
Thật không may, Woodrow Wilson vẫn không chịu lắng nghe cơ thể mình. Ông có quá nhiều việc quan trọng phải làm. Nhờ những kỹ năng đáng kể của mình khi là một giáo sư, học giả về lịch sử, khoa học chính trị và chính phủ, nhà hùng biện và chính trị gia, ông đã dấn thân vào nhiệm vụ thuyết phục những người hoài nghi và một loạt nhóm người về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp ước Versailles và gia nhập Hội Quốc Liên. Tại nhiều điểm dừng chân, những người chỉ trích gay gắt đã la hét và phản đối các đề xuất của ông. Tại Thượng viện, các đối thủ chính trị đã chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Wilson, phàn nàn rằng hiệp ước này đã làm giảm quyền tuyên chiến của Quốc hội Mỹ và cuối cùng đã bỏ phiếu bác bỏ hiệp ước đó.
Vào buổi tối muộn 25/12/1919, sau khi chồng phát biểu ở Pueblo (bang Colorado), bà Edith phát hiện ra ông đang trong tình trạng bệnh nặng, cơ mặt ông co giật không kiểm soát và cảm thấy buồn nôn dữ dội. Trước đó trong ngày, Tổng thống đã kêu đau đầu như búa bổ.
Sáu tuần sau sự việc trên, bác sĩ Grayson nói với một nhà báo rằng ông đã nhận thấy miệng của Tổng thống bị xệ xuống, lỏng lẻo kỳ lạ ở bên trái - một dấu hiệu nguy hiểm không thể che giấu được nữa. Nhìn lại, sự kiện này có thể là một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Đây là thuật ngữ y học để chỉ tình trạng mất lưu lượng máu đến não trong thời gian ngắn hay còn gọi là “cơn đột quỵ mini”, có thể là điềm báo cho một biến cố mạch máu não tồi tệ hơn nhiều sau đó, hay nói cách khác là một cơn đột quỵ chính thức.
Vào ngày 26/9, thư ký riêng của Tổng thống là Joseph Tumulty thông báo rằng phần còn lại của chuyến đi diễn thuyết đã bị hủy vì Tổng thống đang bị phản ứng thần kinh ở cơ quan tiêu hóa. Chiếc tàu Mayflower tăng tốc quay trở lại Ga Union ở Washington. Khi đến nơi, vào ngày 28/9, Tổng thống có vẻ ốm yếu nhưng vẫn có thể tự mình đi quanh nhà ga. Ông ngả mũ trước đám đông đang chờ đợi, bắt tay một số người dọc theo sân ga và được một nhóm bác sĩ đưa đến Nhà Trắng để được nghỉ ngơi và kiểm tra bắt buộc.
Mọi thứ đã thay đổi vào sáng 2/10/1919. Theo lời kể của một số người, Tổng thống Wilson tỉnh dậy và thấy tay trái tê liệt rồi bất tỉnh. Theo ghi chép khác, ông Wilson bị đột quỵ khi đang đi vào phòng tắm rồi ngã xuống sàn và bà Edith phải kéo chồng trở lại giường. Tuy nhiên, dù sự việc xảy ra như thế nào thì sau khi ông Wilson ngã quỵ, bà Edith đã bí mật gọi điện cho một nhân viên Nhà Trắng là Ike Hoover và bảo ông này gọi bác sĩ Grayson đến ngay vì Tổng thống đang ốm nặng.
Bác sĩ Grayson nhanh chóng đến chỗ Tổng thống Wilson. Mười phút sau, ông bước ra từ phòng ngủ của Tổng thống và chẩn đoán của bác sĩ thật khủng khiếp: “Chúa ơi, tổng thống bị liệt”.
Điều khiến hầu hết người Mỹ ngày nay ngạc nhiên là toàn bộ vụ việc, bao gồm cả căn bệnh kéo dài và tình trạng khuyết tật lâu dài của Tổng thống Wilson, đã được giữ bí mật. Trong những năm gần đây, việc phát hiện ra các ghi chép lâm sàng của bác sĩ riêng vào thời điểm Tổng thống Wilson bị bệnh đã xác nhận rằng cơn đột quỵ của ông đã khiến ông bị liệt nặng bên trái và mù một phần bên mắt phải, cùng với những rối loạn cảm xúc đi kèm khi ốm thập tử nhất sinh, đặc biệt là khi mắc những bệnh ảnh hưởng tới não. Chỉ vài tuần sau khi bị đột quỵ, ông Wilson bị nhiễm trùng đường tiết niệu và có nguy cơ tử vong. May mắn thay, cơ thể của Tổng thống đủ khỏe mạnh để chống chọi với đợt viêm nhiễm đó nhưng ông cũng trải qua một trận cúm nữa vào tháng 1/1920, khiến sức khỏe của ông bị tổn hại thêm.
Khi sức khỏe của Tổng thống như vậy, ông có thể điều hành đất nước được không?
Đón đọc kỳ cuối: Những quyết định thay đổi lịch sử
Ngày 26/12, Câu lạc bộ (CLB) Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi huyện Lý Nhân tổng kết công tác hoạt động năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Hưởng ứng Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" và phong trào "Người tốt việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa phối hợp với Siêu thị Go! Hà Nam mở hòm Quỹ nhân đạo đặt tại siêu thị.
Phát huy tinh thần tuổi cao, gương sáng, những năm qua, người cao tuổi (NCT) phường Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý) luôn gương mẫu đi đầu, thực hiện các phong trào thi đua của địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, là tấm gương cho con cháu noi theo.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.