Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là đối tượng phạm tội đang có xu hướng ngày càng “trẻ hóa”, chủ yếu tập trung ở các tội danh: cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản (TCTS), cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng (TTCC)… với hành vi, thủ đoạn ngày càng manh động, liều lĩnh, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu và hành động quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn từ các cấp, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội.
Thời gian gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn. Số liệu thống kê từ Bộ Công an cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13 nghìn trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật (VPPL). Nguy hiểm hơn, những hành vi VPPL này còn được một số đối tượng đăng tải trên mạng xã hội, coi như những “chiến tích” để khoe khoang trong dư luận và thách thức pháp luật. Đáng buồn là độ tuổi vi phạm pháp luật của các đối tượng này ngày càng trẻ, thậm chí nhiều đối tượng VPPL khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Với Hà Nam, theo số liệu từ Công an tỉnh giai đoạn 2021- 2023 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 156 vụ/278 đối tượng VPPL do người dưới 18 tuổi thực hiện, tập trung ở các tội: cố ý gây thương tích, TCTS, cướp giật tài sản, gây rối TTCC, sử dụng trái phép chất ma túy, các hành vi liên quan đến ma túy... Cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ 94 vụ/156 đối tượng, xử lý hình sự 52 vụ, 84 đối tượng; xử lý hành chính 56 vụ, 67 đối tượng; giáo dục tại gia đình 62 đối tượng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn 71 đối tượng; biện pháp khác (phạt tiền, cảnh cáo, nhắc nhở) 36 đối tượng. Địa điểm xảy ra hành vi phạm tội của đối tượng người chưa thành niên thường tập trung chủ yếu ở thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng, là những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, hàng quán dịch vụ...
Điển hình: ngày 4/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Phủ Lý đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 15 đối tượng về hành vi “Gây rối TTCC” (xảy ra ngày 20/6/2023 tại Tổ 8, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý). Do mâu thuẫn cá nhân, tối 20/6/2023, nhóm 15 đối tượng do Phạm Vũ Đức Đạt (sinh năm 2007, trú tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục) cầm đầu đã sử dụng 6 xe máy tmang theo hung khí (vỏ chai bia Hà Nội), không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi để đi tìm nhóm thanh niên trên địa bàn thành phố Phủ Lý với mục đích đánh nhau.
Khi di chuyển trên tuyến đường Lê Công Thanh (Khu vực cầu Châu Giang, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý) nhóm đối tượng đã ném vỏ chai bia đe dọa người đi trên cầu và đập vỏ chai bia vào đầu anh Đ.X.C (trú tại phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý) đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường khiến anh Đ.X.C bị ngã xuống đường gây thương tích.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thành phố Phủ Lý đã khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Gây rối TTCC”. Đáng chú ý, trong số 15 đối tượng trên có 6 đối tượng chưa đến tuổi thành niên (chưa đủ 16 tuổi).
Trước đó, Công an huyện Kim Bảng cũng đã tạm giữ hình sự đối tượng Dương Văn Hiếu (sinh năm 2006, trú tại thôn Điền Xá, xã Văn Xá) để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Cụ thể: ngày 20/9/2023, sau khi nhận được trình báo của gia đình chị Dương Thị Ngọc Minh (trú tại thôn Điền Xá, xã Văn Xá) về việc bị kẻ gian 2 lần đột nhập và nhà trộm cắp gần 80 triệu đồng, Công an huyện Kim Bảng nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai biện pháp nghiệp vụ điều tra, làm rõ vào bắt đối tượng Dương Văn Hiếu- thủ phạm gây ra vụ TCTS trên.
Tại cơ quan công an, đối tượng Hiếu khai nhận, do biết chị Dương Thị Ngọc Minh (là chị gái Hiếu) có tiền để trong nhà, nên đã nảy sinh ý định TCTS. Theo đó, ngày 13/9 và 17/9/2023, lợi dụng gia đình chị Minh đang ngủ trưa, trong khi cổng, cửa nhà không khóa nên Hiếu đã lẻn vào trộm cắp 1 két sắt loại nhỏ và 1 con lợn sứ bên trong có khoảng gần 80 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ TTN thực hiện hành vi VPPL bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian qua.
Ngoài ra, tác động từ mặt trái kinh tế thị trường, lối sống hưởng thụ, thực dụng đã, đang tồn tại ở một bộ phận TTN hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng hành vi tội phạm trong TTN. Điều đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, tình hình tội phạm gây rối TTCC có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Các đối tượng phạm tội chủ yếu là nam giới, ở độ tuổi TTN, thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, tập trung theo hội nhóm, đông đối tượng tham gia, sử dụng phương tiện hỗ trợ (thường là xe máy không đeo biển kiểm soát) và mang theo hung khí nguy hiểm (dao, kiếm, mã tấu, phóng lợn, gạch, chai thủy tinh...). Các đối tượng thường tụ tập đuổi, đánh nhau, chửi bới, giải quyết mâu thuẫn cá nhân tại nơi công cộng hoặc điều khiển xe máy dàn hàng ngang, nẹt pô, bấm còi, di chuyển tốc độ cao, hò hét trên một số tuyến đường giao thông đường bộ khiến người dân hoang mang, lo sợ. Nhiều đối tượng mặc dù tuổi đời còn rất nhỏ nhưng đã có hành vi táo bạo, côn đồ, liều lĩnh dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản của những người đi đường, người không liên quan đến mâu thuẫn cá nhân, thể hiện sự coi thường pháp luật.
Xu thế “trẻ hóa tội phạm” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bản thân đối tượng phạm tội và gia đình, mà còn để lại những hệ lụy tai hại đối với đời sống xã hội, đe dọa đến tình hình ANTT tại nhiều địa phương. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn xu thế tiêu cực này, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả từ cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội.
Theo đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nâng cao tính chủ động và kịp thời trong phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi VPPL của TTN theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác này, trước hết cần phát huy vai trò của mỗi gia đình trong việc quan tâm chăm sóc, giáo dục, quản lý con em mình.
Các thành viên trong gia đình phải chủ động bồi dưỡng, giáo dục cho con em mình nhận thức đúng đắn và có hành vi chuẩn mực, có kiến thức pháp luật; đồng thời, từng thành viên phải thực sự gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật. Song song với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các nhà trường, tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và lực lượng chức năng để quản lý TTN có hiệu quả.
Với các tổ chức đoàn thể (mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…) cần linh hoạt, chủ động trong nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng lứa tuổi TTN có điều kiện, khả năng, nguy cơ dẫn đến phạm tội trên địa bàn; quan tâm xây dựng những mô hình sân chơi bổ ích, cuốn hút, tạo môi trường tích cực, giúp TTN tránh xa tệ nạn xã hội (TNXH). Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục người chưa thành niên VPPL dựa vào cộng đồng; quản lý, cảm hóa người chưa thành niên có quá khứ VPPL đang sinh sống tại địa bàn, khu dân cư.
Với lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở, cần chủ động nắm chắc địa bàn, tổ chức rà soát, lên danh sách số TTN hư, bỏ học, nghiện game, sống lang thang, có biểu hiện ý định tụ tập… để lựa chọn áp dụng biện pháp quản lý, phòng ngừa vi phạm một cách phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, chủ động nắm chắc tình hình, phân công lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, chủ động phòng ngừa, phát hiện, phối hợp ngăn chặn tội phạm. Tăng cường phối hợp với cơ sở giáo dục chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật hình sự đối với những hành vi vi phạm trong TTN; phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng thường xuyên trao đổi thông tin về TTN cá biệt, có biện pháp quản lý, phòng ngừa, không để TTN có hành vi VPPL. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý số đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng “trẻ hóa tội phạm” là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Với sự vào cuộc tích cực từ cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong TTN về những hành vi VPPL, làm giảm nguy cơ, phát sinh, đầy lùi tội phạm và TNXH trong TTN trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện: Trần Ích Thiết Kế: Đức Huy
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.