Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh

Đời sống 06:07 21/12/2023 Trần Ích
Thời gian gần đây, với sự chủ động, quyết liệt của các cấp, ngành chức năng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), ý thức chấp hành quy định về ATGT của học sinh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, va chạm. Chính vì vậy, để bảo đảm TTATGT học đường, phòng, tránh tai nạn giao thông (TNGT) ở lứa tuổi học sinh, ngoài giải pháp tăng cường quản lý của nhà trường và lực lượng chức năng, rất cần sự quan tâm phối hợp tích cực từ phía gia đình trong quản lý, giáo dục, uốn nắn con em mình.

Vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến

Thời gian qua, khi lưu thông trên một số tuyến đường, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh, nhất là học sinh bậc trung học phổ thông (THPT) điều khiển xe mô tô (XMT), xe gắn máy (XGM), xe máy điện (XMĐ) không đội mũ bảo hiểm (MBH). Ở một số tuyến đường còn xuất hiện những nhóm học sinh dàn hàng ba, hàng bốn, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại, nói chuyện, đùa giỡn…, gây mất TTATGT và ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông khác. Cá biệt, một số em còn đi XGM lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, tình trạng học sinh trên địa bàn tỉnh vi phạm ATGT khi đi học vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nổi cộm là tình trạng các bậc phụ huynh giao phương tiện cho thanh, thiếu niên, học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe (GPLX); không đội MBH, lạng lách, đánh võng trên đường khi tham gia giao thông.

Theo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành, người đủ 16 tuổi trở lên mới được lái XGM có dung tích xilanh dưới 50cm3, người đủ 18 tuổi trở lên có GPLX được điểu khiển XMT, XGM dung tích từ 50m3 trở lên; đối với sinh viên, phải có GPLX, giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng gia tăng tình trạng số học sinh điều khiển XMT, XGM đến trường khi chưa có GPLX, thậm chí tại một số trường THCS đã xuất hiện tình trạng học sinh đi học bằng XMĐ. Đáng lo ngại hơn, vào khung giờ cao điểm đưa đón học sinh, nhiều phụ huynh cũng thể hiện sự thiếu gương mẫu khi tham gia giao thông. Theo quy định của pháp luật, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe máy, thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện nghiêm quy định này.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đối với học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành những quy định, quy chuẩn đối với các cơ sở giáo dục trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đối với học sinh. Trong đó, Sở GD&ĐT quy định: Học sinh vi phạm lần 1, bị hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết không tiếp tục vi phạm. Học sinh vi phạm lần 2, bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ đó. Đối với học sinh tái diễn nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và thông báo về gia đình để có biện pháp giáo dục, răn đe phù hợp. Cùng với đó, 100% các nhà trường tổ chức cho phụ huynh, học sinh ký cam kết nghiêm túc thực hiện quy định khi tham gia giao thông. Sở GD&ĐT còn phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về ATGT đối với giáo viên, học sinh; xây dựng các mô hình “Cổng trường ATGT”, “Đội tự quản ATGT”…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATGT ở đối tượng học sinh thì có nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh chưa cao, thích thể hiện bản thân; nhiều phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm giáo dục con em đúng mức hoặc quá nuông chiều, để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích. Cùng với đó, công tác TTPBGDPL, nhất là phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT đối với học sinh tại một số nhà trường tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Mặt khác, việc xử lý học sinh vi phạm về TTATGT mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, dẫn đến tâm lý đi lại tự do mà chưa lường hết được các nguy cơ TNGT có thể xảy ra. Thêm vào đó, luật quy định cho phương tiện giao thông, như XGM dưới 50cm3, XMĐ còn chưa chặt chẽ, cần xem xét, bổ sung luật đối với các loại phương tiện này.

Công an huyện Kim Bảng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tại Trường THPT Lý Thường Kiệt. Ảnh: Quang Huy

Cần những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề bảo đảm ATGT đối với học sinh (do Chính phủ tổ chức ngày 2/11/2023), Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an đã đưa ra số liệu thống kê về các vụ TNGT liên quan đến học sinh (từ 6-18 tuổi). Theo đó , từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, cả nước xảy ra 881 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 490 người, bị thương 827 người (tăng 8 vụ, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022).

Tại Hà Nam, cũng trong thời gian từ 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 6 em, 9 em bị thương. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 299 trường hợp, phạt tiền trên 133 triệu đồng. Kết quả phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT liên quan đến học sinh cho thấy: tai nạn xảy ra chủ yếu là do các em thiếu quan sát, không nhường đường khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, một số em thiếu ý thức và thiếu hiểu biết về Luật GTĐB nên dẫn đến tai nạn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương trong tỉnh còn hạn chế (thiếu biển báo, thiếu đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc…), tạo nên một số “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” nguy cơ xảy ra TNGT. Bên cạnh đó, có rất nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh thuộc về trách nhiệm của một bộ phận phụ huynh. Một số phụ huynh thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con cái, khi con vi phạm TTATGT còn tỏ thái độ thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, bao che hành vi vi phạm của con.

Trước thực trạng đáng lo ngại trên đây, để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ TNGT liên quan đến học sinh cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt, cùng sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng. Theo đó, các cấp, ngành, lực lượng cần quan tâm nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế tốc độ gia tăng phương tiện giao thông hiện nay. Với Sở GD&ĐT, cần ban hành văn bản quy định thống nhất, phù hợp về việc xử lý học sinh vi phạm trong lĩnh vực này, qua đó giúp các nhà trường có thêm cơ sở pháp lý đồng bộ trong thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm; tiếp tục phối hợp ngành chức năng đổi mới nội dung, hình thức TTPBGDPL về TTATGT, trong đó chú trọng tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ ghi nhớ, dễ hiểu, dễ liên hệ, áp dụng thực hiện. Đồng thời, thông tin cụ thể những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên, học sinh trong việc chủ động, tự giác phòng, tránh TNGT.

Lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, các nhà trường đẩy mạnh công tác TTPBGDPL về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng lái xe tham gia ATGT cho học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với học sinh vi phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm điều khiển XMT, XGM khi chưa đủ điều kiện, chưa có GPLX, không đội MBH, chạy quá tốc độ, chở người quá quy định, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng. Cùng với đó, xử lý nghiêm những trường hợp cha, mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định. Đặc biệt, chú trọng duy trì trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý, giáo dục, nhằm phát huy tính hiệu quả cao nhất trong việc bảo đảm ATGT đối với học sinh.

Bên cạnh công tác quản lý của nhà trường và những biện pháp xử lý đồng bộ, kiên quyết từ lực lượng chức năng, điều quan trọng nhất là mỗi phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là phụ huynh không giao XMT, XGM khi các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để phòng tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC