Đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, tình trạng quá tải của chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như những phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng, tái sử dụng; chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp đã được đề cập rất sớm trong các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Theo đó, mục tiêu kinh tế tuần hoàn hướng tới là, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân và môi trường. Thực tế, ở Hà Nam đã có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn được áp dụng hiện đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết hữu hiệu bài toán ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn đang được quan tâm phát triển trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cách làm này hướng đến gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường. Đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh cả trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản phát huy tốt hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Khu nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) có diện tích hơn 40 ha được chuyển dịch trên vùng đất ruộng trũng chỉ cấy được 1 vụ lúa ăn chắc trước đây. Khi đầu tư sản xuất, các thành viên trong HTX áp dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên điều kiện thực tế và quy định hình thức chuyển đổi. Tại vùng sản xuất, chỉ có 20% diện tích ruộng trũng được đào thành ao để làm nơi nuôi cá chính. Diện tích còn lại người dân vẫn tổ chức gieo cấy lúa trong cả 2 vụ. Khi cây lúa lên khoảng 20 – 30 cm dần đưa nước lên ruộng mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá. Đồng thời, cây lúa trở thành thức ăn cho cá trắm cỏ chiếm hơn 60% tổng lượng cá nuôi. Như vậy, giúp giảm được phần lớn thức ăn xanh, chiếm hơn 30% tổng lượng thức ăn đầu tư trong quá trình nuôi. Việc gieo cấy lúa giải phóng được cơ bản lượng chất thải của cá trong quá trình nuôi, giúp môi trường nước trong diện tích nuôi được bảo đảm. Sản lượng cá nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn của HTX nuôi trồng thủy sản xã Yên Nam đạt gần 20 tấn/năm, lợi nhuận đem lại đạt bình quân150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 – 5 lần trở lên so với cấy lúa trước đây.
Ông Vũ Văn Và, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản xã Yên Nam cho biết: Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại mô hình chuyển đổi lúa – cá đem lại rất lớn. Chỉ tính riêng môi trường ao nuôi nếu không gieo cấy lúa sẽ phải thường xuyên vệ sinh, dọn chất thải dẫn đến tăng chi phí và thời gian trống giữa các lứa. Cá nuôi trong ruộng lúa cơ bản sạch bệnh, chất lượng bảo đảm luôn giữ được ổn định về sản lượng và giá bán ra thị trường...
Cũng là một trong những người áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế của gia đình bác Phạm Văn Loan, Thôn 4, xã Chính Lý (Lý Nhân) đã thực sự phát huy hiệu quả. Hiện, khu vườn có 200 gốc nhãn được bác Loan quy hoạch và xây dựng hợp lý tận dụng tốt nguồn phế thải, phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp. Bác Loan xây dựng lò đốt chuyên dụng để đốt toàn bộ lá, cành cây trong vườn và thu gom cả của các hộ gia đình xung quanh, cây cắt tỉa ven đường tạo ra lượng tro sử dụng bón cho nhãn thay thế phân Kali dùng trước đây. Đồng thời, bác cũng đầu tư xây dựng bể chứa 80m3 và đường ống dẫn chất thải chăn nuôi từ chuồng lợn của hộ kế bên về ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trong vườn. Việc dọn cỏ trong vườn nhãn được bác Loan áp dụng biện pháp nuôi ngỗng vừa khai thác được nguồn thức ăn xanh vừa tận dụng chất thải của ngỗng làm phân bón trở lại cho cây trồng.
Với hướng đi này, toàn bộ vườn nhãn của gia đình đều được sử dụng phân hữu cơ, tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng/năm do không phải mua phân hóa học. Việc nuôi ngỗng tiết kiệm được công dọn cỏ và có thu nhập mỗi năm 40 triệu đồng. Bác Loan tâm sự: Tận dụng phế, phụ phẩm giảm phần lớn chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm do được áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ. Sản phẩm nhãn của gia đình thường được bán cao hơn 20% so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường và chưa bao giờ bị tồn đọng...
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều mô hình sản xuất đã áp dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn. Chăn nuôi hiện nay của tỉnh khá phát triển với trên 370 nghìn con lợn, hơn 7 triệu con gia cầm, 37 nghìn con trâu, bò có lượng chất thải rất lớn. Một phần đáng kể chất thải chăn nuôi đã trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Chỉ tính riêng gia cầm, tại những hộ gia đình, trang trại chăn nuôi quy mô lớn các nhà vườn trồng cây ăn quả đều đã đặt mua hết từ trước lượng chất thải sau mỗi lần dọn chuồng. Anh Phạm Văn Nhu, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) có trang trại chăn nuôi gà thịt 8.000 con cho biết: Các nhà vườn hiện rất cần lượng phân gà bón cho cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Lượng phân trong trang trại luôn được đặt mua trước, từ khi vào lứa gà mới. Phân gà được tận dụng hết không bị bỏ ra ngoài bảo vệ được môi trường. Nguồn thu từ bán phân gà lên đến cả chục triệu đồng cơ bản đủ mua trấu làm đệm lót cho lứa sau.
Cùng với đó, nhiều mô hình lúa – cá đã được triển khai tại các địa phương trong tỉnh có diện tích khoảng hơn 600 ha (tính diện tích chuyển đổi từ năm 2021 đến nay). Với mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, chất thải của cá và thức ăn dư thừa tạo thành phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Ngược lại, khi gặt lúa xong gốc rạ, thóc rơi và lúa chét trở thành nguồn thức ăn cho cá. Cách làm này loại bỏ hoàn toàn được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường. Trong quá trình sản xuất, người dân giảm đáng kể chi phí thức ăn cho cá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên lúa. Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) đánh giá: Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tạo sự liên kết chặt chẽ giữa trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Rõ nét nhất, việc thực hiện sẽ tận dụng tối đa phế, phụ phẩm từ chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt đem lại nguồn thu và lợi nhuận cao. Trong đó, phế thải lớn từ chăn nuôi sẽ xử lý hiệu quả khi được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, tăng chất dinh dưỡng, độ tơi xốp cho đất. Phụ phẩm của trồng trọt (rơm, cây ngô, rau…) cũng được làm thức ăn cho gia súc…
Kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng tất yếu. Tiềm năng áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể trải rộng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, từ khâu nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ từ các ngành công-nông-lâm nghiệp... Vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam vẫn còn những hạn chế nhất định qui mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư... nên chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả. Giải quyết những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong quá trình áp dụng kinh tế tuần hoàn vào phát triển sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ chính là cơ sở để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, do nhận thức của nhiều địa phương cũng như người dân về nông nghiệp tuần hoàn còn chưa đầy đủ nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả của hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của tỉnh. Vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, đâu sẽ là giải pháp trọng tâm?
Tại Hội thảo Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề Giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn được tổ chức vào tháng 5/2022 tại Hà Nam, rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đã được các đại biểu bộ, ngành, địa phương nêu ra và bàn thảo. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn rất nhiều những “rào cản” ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn ở Hà Nam cũng như các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mặc dù gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, song về cơ bản vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, nên chưa tạo ra động lực áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất. Hơn nữa, năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ nên việc thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế chưa được quan tâm. Các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn hạn chế về công nghệ tái chế, tái sử dụng cũng như vốn và nhân lực nên chủ yếu mới quan tâm tới tận thu, tái sử dụng lại phụ phẩm chính trong quá trình sản xuất. Vì vậy, vẫn còn khoảng 80% phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả...
Cũng về vấn đề này, ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Thực tế, thời gian qua, các mô hình kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng trong nông nghiệp vẫn chủ yếu là tự phát. Do thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn; các quy định, các tiêu chí để nhận diện, đánh giá cũng chưa có, trong khi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực nên khó thực hiện trong thực tế. Hầu hết các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến thu gom, vận chuyển và tái sử dụng, điều kiện cấp vốn còn bỏ ngỏ nên rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện...
Được biết, thời gian qua, Hà Nam đã và đang phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng bền vững ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; trong đó, có nông nghiệp tuần hoàn; điển hình như các mô hình: Vườn- ao - chuồng (VAC) và các biến thể vườn - ao - chuồng - rừng (VACR), vườn - ao- chuồng - Biogas (VACB)... hay mô hình lúa - cá, mô hình sản xuất tổng hợp bò- trùn quế - cỏ/ngô/dược liệu/ cây ăn quả - gia súc - gia cầm- cá và mô hình nuôi cá “sông trong ao”... Tuy nhiên, do yêu cầu cao về diện tích; vốn đầu tư; trình độ kỹ thuật; quản lý, kinh doanh và hệ thống vận hành phải bảo đảm liên tục... nên hầu hết các mô hình trên mới chỉ manh nha sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thực chất là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín; đây là một hướng đi mới không chỉ đối với Hà Nam. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cần xây dựng chiến lược truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn nông nghiệp, chương trình khuyến nông. Tùy từng đối tượng, địa bàn có biện pháp khác nhau cho phù hợp: cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp hướng dẫn nông dân lựa chọn các mô hình tận dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, để tạo động lực cho các địa phương, các doanh nghiệp, người nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo từng chu trình: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng phế phẩm nông nghiệp vào trồng nấm, đậu tương, ngô, khoai tây; khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; khuyến cáo, thậm chí cấm đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, cấm các cơ sở chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm... Khuyến khích các địa phương trên cả nước, dựa vào các mô hình đã có và điều kiện cụ thể của mình phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cho phù hợp. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, các tổ chức ngành nghề, người dân tham gia; đồng thời, tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng; ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế một số phụ phẩm nông nghiệp có giá trị cao.
Mục tiêu của kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; đặc biệt là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu tình trạng chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe người dân. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là một hướng đi mới, phù hợp với sự phát triển của xu thế toàn cầu; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Vì vậy, để các mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy được hiệu quả, thiết nghĩ cùng với việc triển khai đồng loạt các giải pháp trên, cần bổ sung tiêu chí phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vào bộ tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Nội dung: Mạnh Hùng - Minh Thu.
Thiết kế: Đức Anh.
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.