Kỳ 1: Những “nông dân số” và chính quyền online
Trong công cuộc CĐS, việc hình thành “công dân số”, “chính quyền số” là một trong những mục tiêu trọng tâm. Ở các vùng quê, người nông dân từ xưa đến nay đã quen với cách làm việc theo tư duy cụ thể, phương pháp thủ công, mọi thứ phải thấy, phải sờ tận tay. Nhưng tất cả đã thay đổi khi công nghệ số xuất hiện. Xác định rõ đặc thù của khu vực nông thôn, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tích cực vào cuộc thực hiện “số hóa” hoạt động của chính quyền, đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để người nông dân chủ động thay đổi từ phương thức làm việc, học tập, thực hiện các thủ tục hành chính, thanh toán tiền,…thủ công sang làm trên môi trường số.
Điện thoại thông minh, internet phủ sóng làng quê
Chị Trần Thị Hát ở xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, năm nay hơn 50 tuổi, vừa làm ruộng vừa bán thịt lợn ở chợ Hôm trên địa bàn xã. Chị Hát cho biết đã sử dụng điện thoại thông minh (ĐTTM) có kết nối mạng từ nhiều năm nay, và giờ đây là công cụ “tất cả trong một” của chị.
Ngoài là phương tiện liên lạc, tất cả các hội, nhóm chị tham gia ngoài xã hội như Chi hội phụ nữ thôn, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao,…cũng đều có nhóm lập trên Zalo để trao đổi thông tin, thông báo hội họp, chia sẻ với nhau nhiều vấn đề trong cuộc sống, công việc. Chị cũng đã cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, khi đi khám bệnh chỉ cần mang điện thoại, đến khu vực đăng ký khám bệnh mở app định danh điện tử VNeID là mọi thủ tục được giải quyết, không phải mang thẻ BHYT, CCCD như trước đây. Chị cũng sử dụng dịch vụ chuyển tiền online từ mấy năm nay. Nhiều thanh toán, nhận tiền đều chuyển khoản, không dùng tiền mặt. Tại hàng thịt của mình, chị cũng đặt mã QR để người dân tiện quẹt mã thanh toán.
Chị cho biết ở địa phương, trừ người cao tuổi hẳn và một số người kinh tế gia đình khó khăn, còn lại hầu hết người lao động đều sử dụng ĐTTM có kết nối mạng và khai thác rất nhiều tiện ích từ thiết bị này, từ liên lạc, trao đổi thông tin cá nhân, hội nhóm, đến cài đặt các dịch vụ online, giải trí, đọc báo,…Nhiều nhà có điều kiện hơn còn có thêm cả máy tính bảng, máy tính. Nhiều quầy hàng ở chợ và các cửa hàng trên địa bàn xã cũng có sử dụng dịch vụ chuyển tiền online, nhiều người dân đến mua hàng chỉ cần quẹt mã QR là chuyển tiền, hạn chế dùng tiền mặt.
Còn ở xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, ông Nguyễn Văn Hảo - Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống người dân trên địa bàn ngày càng phát triển. Thanh thiếu niên và hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều sử dụng ĐTTM, nhất là những gia đình có trồng cây hàng hóa để bán, hộ kinh doanh, người làm nghề phụ. Người dân giải quyết nhiều công việc trên môi trường số qua chiếc ĐTTM có kết nối mạng, như chuyển, nhận tiền hàng, tiền sản phẩm,…, xem, mua hàng, quảng bá nông sản địa phương, lập hội nhóm và duy trì trao đổi thông tin trên mạng xã hội, giải trí,…
Ở khắp các miền quê tỷ lệ người dân, gia đình sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối internet như: ĐTTM, tivi thông minh ngày càng nhiều, một số hộ còn có máy tính, máy tính bảng, lắp camera kết nối internet,...Nhiều đường quê đã được lắp đặt camera an ninh, góp phần tích cực vào công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội ở nông thôn, như lĩnh vực giải trí, dịch vụ lưu trú cũng ứng dụng mạnh việc CĐS để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh.
Phong trào số hóa di tích cũng đã và đang được đẩy mạnh, vừa tạo điều kiện cho du khách thuận tiện trong tìm hiểu về di tích khi đến thăm quan, vừa góp phần quảng bá di tích đến đông đảo người dân trong nước và thế giới thông qua nền tảng số. Các di tích đã được số hóa như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu lưu niệm Cát Tường, Đình Triều Hội (Bình Lục), Đền Trúc Ngũ Động Thi Sơn (Kim Bảng), Đình Vĩnh Trụ (Lý Nhân),... Chỉ cần quét mã QR hoặc truy cập trang web của di tích du khách, người dân trong tỉnh, trong nước và trên thế giới có thể biết về di tích một cách sinh động, chính xác qua ảnh chụp, video, thuyết minh,…
Các trường học từ mầm non trở lên cũng chuyển tiền, thu tiền học phí online. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện quét mã QR-code trên thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng định danh điện tử VneID, người dân đi khám bệnh chỉ cần mang CCCD hoặc ĐTTM, đồng thời đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt…
Chữ ký số và chính quyền online
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phúc Nhị, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm - bác Hoàng Trọng Phương từ mấy năm nay hầu hết đều nhận, gửi giấy mời, tài liệu, báo cáo, chỉ đạo, điều hành công việc qua môi trường số. Chiếc ĐTTM của bác, trên ứng dụng Zalo có nhiều nhóm trao đổi, chỉ đạo, điều hành công việc như: Nhóm Đảng ủy xã (gồm các đồng chí trong Đảng ủy và các bí thư chi bộ thôn), Nhóm chi bộ thôn, Nhóm trưởng thôn của xã, Nhóm Ban công tác mặt trận thôn (gồm tất cả lãnh đạo thôn và các đoàn thể), Nhóm CĐS, Nhóm bà con thôn Phúc Nhị (gồm hơn 400 chủ hộ dân trong thôn). Đối với các nhóm cán bộ, đảng viên của thôn, đây là nơi trao đổi công việc, chỉ đạo, điều hành công việc trong thôn. Thay vì phải đánh giấy mời và đến từng nhà đưa như trước đây, hoặc sau này là gọi điện thoại mỗi khi có việc gấp, triệu tập họp, phân công công việc,…thì nay chỉ cần soạn một tin nhắn, hoặc nói nội dung cần thông báo và sử dụng tính năng chuyển từ giọng nói sang văn bản, bấm gửi là xong, toàn bộ thành viên trong nhóm sẽ nhận được thông tin.
Được biết tại xã Thanh Phong bây giờ mọi văn bản giấy tờ đến, đi đều gửi qua mạng, sử dụng chữ ký số, tiết kiệm được rất nhiều về văn phòng phẩm, phí bưu điện, lại nhanh, không bị thất lạc. Tại bộ phận một cửa ở xã, khi người dân đến làm thủ tục cũng đều thực hiện trên môi trường số, như xác nhận hồ sơ đi xin việc, công chứng,… Có những người trẻ thậm chí không cần đến UBND xã mà thực hiện việc xin xác nhận giấy tờ trên app định danh điện tử VNeID, cán bộ chuyên môn của xã hoàn thành thủ tục và chuyển lại online.
Việc thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông gồm: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí ở Thanh Phong cũng đã trở thành bình thường. Trước đây khi làm các thủ tục này người dân phải đi ít nhất 3 cơ quan và nhiều lần đi lại và thời gian thực hiện là khoảng 2 tuần. Còn bây giờ chỉ cần đến 1 lần (với người trẻ thành thạo trong dùng app định danh điện tử VneID), và 2 lần (với người chưa thành thạo phải đến UBND xã nhờ cán bộ chuyên môn làm hộ trên app), thời gian chờ cũng rất ngắn.
Từ những người nông dân quanh năm vất vả, tất bật với ruộng đồng, với nghề phụ, buôn bán, nhờ được tuyên truyền, hỗ trợ, đồng thời cũng thấy rõ lợi ích to lớn của các thiết bị thông minh, họ đã tự đầu tư mua sắm, học hỏi cách sử dụng để ứng dụng vào đời sống, nâng cao chất lượng sống, trở thành những “nông dân số”. Qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng “xã hội số” ở các làng quê. Từ những vùng nông thôn vốn được cho là kém phát triển hơn, công cuộc xây dựng “chính quyền số” đã tiết kiệm chi phí khi không phải sử dụng giấy, mực in, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, hết tháng 6/2023 tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố. 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 2G, 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Hoạt động của người dân trên môi trường mạng tăng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã được cấp và sử dụng chữ ký số để ký số trên văn bản điện tử.
Hà Nam cũng đã triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện. Hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai từ UBND tỉnh với UBND cấp huyện, UBND cấp xã, có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Hà Nam đã triển khai một số nền tảng số quan trọng dùng chung của tỉnh. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia…Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh, cung cấp trên 95% dịch vụ công trực tuyến. 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 88,4%...
/DATA/IMAGES/2023/10/30/20231030144254-97hosothamdugiaiblv2023.pdf
Kỳ 2: Khai thác tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.