Thủy lợi phí (TLP) là vấn đề hết sức quan trọng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, có tác động mạnh mẽ đến đời sống của nông dân cùng các đơn vị quản lý và sử dụng nước thuộc nhiều thành phần và ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do từ năm 2013, nguồn kinh phí cấp bù TLP không được điều chỉnh đã khiến cho hoạt động của các đơn vị tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều chỉnh giá cấp bù TLP cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay được xem là một giải pháp cấp thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phục vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cấp bù TLP.
Các công trình thủy lợi trên địa bàn được thiết kế theo hệ thống và phân vùng rõ rệt, nhiệm vụ chính trước đây là phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống thủy lợi đảm nhiệm cả việc tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp, đô thị, đòi hỏi năng lực cao hơn nhiều so với nông nghiệp, với hệ số tiêu lên đến 18l/s/ha. Tuy nhiên, hằng năm việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình… đang gặp khó.
Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Nhân Mỹ (Lý Nhân) có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 460 ha. Trong đó, diện tích tưới, tiêu chủ động 133 ha, tạo nguồn một phần gần 40 ha, tạo nguồn 287ha. Để bảo đảm công tác tưới, tiêu kịp thời cho toàn bộ diện tích trên, đòi hỏi hệ thống kênh mương của HTX cần được đầu tư nâng cao năng lực phục vụ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa công trình không nhiều, nên đây thực sự là một khó khăn không nhỏ đối với HTXNN Nhân Mỹ. Cụ thể, vụ xuân 2023 vừa qua, HTXNN Nhân Mỹ chỉ bố trí được hơn 34 triệu đồng cho nạo vét, sửa chữa công trình lấy từ nguồn cấp bù TLP. Do nguồn kinh phí thấp, Hội đồng quản trị HTX phải lựa chọn những công trình nằm trong diện cấp bách, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tưới, tiêu. Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTXNN Nhân Mỹ cho biết: Nhiệm vụ tưới, tiêu hiện nay ngày càng cao, do tác động từ biến đổi khí hậu và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Mặc dù, nguồn TLP hạn chế, nhưng để bảo đảm phục vụ sản xuất, HTX phải “liệu cơm gắp mắm”. Việc duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh mương được thực hiện sát với năng lực và yêu cầu thực tế từng đoạn tuyến, từng vùng sản xuất, ưu tiên những vùng khó khăn về tưới, tiêu...
Với huyện Thanh Liêm, do địa bàn nằm trong vùng bán sơn địa, mỗi đợt mưa lớn nước từ núi đổ xuống có độ dốc lớn dễ gây ngập úng cục bộ; cốt đất tại các địa phương trong huyện lại cao, thấp không đều nhau rất khó khăn cho công tác tưới, tiêu nên nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, một số tuyến kênh chính trạm bơm trên địa bàn đã được kiên cố hóa, nạo vét, tu bổ nâng cao năng lực phục vụ, như: Kênh chính trạm bơm Nham Tràng, kênh chính trạm bơm Võ Giang…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến kênh xây dựng từ lâu đã hư hỏng, xuống cấp. Trong khi nguồn kinh phí phục vụ cho sửa chữa, tu bổ kênh mương ngày càng giảm đi. Tại các tuyến kênh chính do Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam) quản lý cách đây 5 năm được bố trí 4,5 tỷ đồng sửa chữa công trình, đến năm 2023 giảm còn hơn 2 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2024, phần kinh phí này tiếp tục giảm xuống 1,5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm, với nguồn kinh phí được bố trí, chỉ có khoảng 60% số công trình cần thiết được sửa chữa. Khi xây dựng kế hoạch tu bổ, nạo vét trình công ty, phải kiểm tra, đánh giá sát thực trạng, ưu tiên lựa chọn những công trình cấp thiết cần phải đầu tư nâng cấp. Đây là khó khăn rất lớn trong quá trình vận hành, phục vụ của đơn vị...
Trên toàn địa bàn tỉnh, các đơn vị thủy nông, HTXDVNN đều trong tình trạng gặp khó khăn do nguồn vốn cho sửa chữa công trình thủy lợi hạn chế. Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam mỗi năm chỉ bố trí được dưới 15 tỷ đồng cho duy tu, sửa chữa, nạo vét công trình, thấp hơn mức quy định tối thiểu 18% trong nguồn cấp bù TLP của Nhà nước. Cùng với đó, một số nhiệm vụ khác không thể thực hiện được do thiếu kinh phí, như: cắm mốc công trình thủy lợi; điện khí hóa hệ thống máy đóng mở cống; hạn chế áp dụng khoa học – kỹ thuật cải tiến máy móc, thiết bị. Quan trọng hơn, nguồn kinh phí cho sửa chữa công trình hạn chế đã ảnh hưởng đáng kể đến năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi hiện tại và giai đoạn tiếp theo. Do tác động của quá trình phát triển, diện tích đất nông nghiệp, ao, hồ, đầm bị thu hẹp hạn chế nơi trữ nước mưa. Trong khi đó, các đợt mưa hiện nay phần nhiều có cường độ lớn trong thời gian ngắn gia tăng áp lực phục vụ tiêu thoát cho hệ thống kênh mương thủy lợi. Đặc biệt, doanh nghiệp còn bảo đảm phục vụ tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp, khu đô thị đòi hỏi năng lực cao gấp từ 2,5 - 3 lần cho sản xuất nông nghiệp (về cơ bản mưa đến đâu tiêu hết ngay đến đấy).
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam cho biết: Yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra cho doanh nghiệp phải bảo đảm phục vụ công tác tưới, tiêu kịp thời, nhất là không để ngập úng trong các khu đô thị, khu công nghiệp. Để khắc phục khó khăn, đơn vị phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong quá trình vận hành hệ thống. Trước mỗi đợt mưa được dự báo có lượng mưa lớn phải chủ động tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương xuống dưới mực nước thiết kế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến kênh, mương ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng bồi lắng, bờ kênh yếu thường xuyên xảy ra sự cố trong quá trình vận hành. Một số trạm bơm xây dựng từ lâu, máy móc thiết bị không còn bảo đảm năng lực hoạt động theo công suất thiết kế. Khó chồng khó, nên nhiều đơn vị đang phải “gồng mình” thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp.
Kinh phí phục vụ quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi hiện nay cơ bản phụ thuộc vào nguồn cấp bù TLP của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Nghị định 67/2012/NĐ - CP của Chính phủ được thực hiện từ năm 2013, tức là đã hơn 10 năm qua mức giá cấp bù TLP chưa có điều chỉnh, thay đổi. Trong khi đó, cả giai đoạn này mọi chi phí (lương cán bộ, công nhân, giá điện, xăng, dầu…) đều tăng lên nhiều. Do vậy, nguồn kinh phí ngày càng bị thu hẹp, trở thành nút thắt cho quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam đảm nhiệm việc tưới, tiêu phục vụ phần lớn diện tích đất nông nghiệp và dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh. Mức cấp bù TLP mỗi năm theo dự toán của công ty 104 tỷ đồng và thực tế được cấp 98 tỷ đồng (cơ bản được giữ nguyên hơn 10 năm). Trong khi đó, tiền lương chi trả cho 570 cán bộ, công nhân đã tăng gấp 2 lần, 60 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 61% tổng nguồn kinh phí cấp bù TLP. Về tiền điện sản xuất năm 2013 là 1.537 đồng/KW, nay tăng lên 1.920 đồng/KW, gấp 1,4 lần. Công ty phải chi phí tiền điện phục vụ bơm tưới, tiêu mỗi năm dao động từ 12 – 15 tỷ đồng (tùy vào thời tiết từng năm). Cùng với đó, tiền ăn ca và công tác phí mỗi năm 4 tỷ đồng (khoản này cũng cơ bản được giữ nguyên trong hơn 10 năm). Như vậy, chỉ tính riêng các khoản chi chính nêu trên đã hết gần 80 tỷ đồng, phần còn lại hơn 18% tổng kinh phí cấp bù TLP dành cho chi phí quản lý, duy tu, sửa chửa công trình. Riêng năm 2022 khi trên địa bàn lượng mưa lớn bằng hơn 150% trung bình nhiều năm, kéo theo đơn vị phải khắc phục nhiều sự cố về kênh mương, trạm bơm, tăng cường nạo vét, giải tỏa, khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương. Đồng thời, tiền điện phục vụ bơm tiêu tăng cao dẫn đến nguồn kinh phí bị thiếu hụt rất lớn. Riêng trên địa bàn thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng - những nơi có nhiều khu công nghiệp, đô thị và dự án đã thâm hụt hơn 13 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân hằng năm công ty không thể có đủ nguồn để duy tu, sửa chữa toàn bộ các công trình thủy lợi.
Theo ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam, nếu tính đúng, tính đủ nguồn kinh phí, phải cần thêm khoảng 30 tỷ đồng/năm mới bảo đảm cân đối trong hoạt động của đơn vị. Hiện công ty đang cố gắng xoay xở để duy trì và bảo đảm hoạt động trong điều kiện, khả năng tốt nhất có thể… Theo tính toán về chuyên môn, mức giá cấp bù TLP phải được nâng lên 2 triệu đồng/ha (tính diện tích tưới chủ động), và tương ứng tỷ lệ với diện tích tạo nguồn, tạo nguồn một phần mới đáp ứng được trong điều kiện lương, giá điện, xăng dầu, vật tư... đều tăng cao so với cách đây hơn 10 năm.
Qua tìm hiểu tại HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ (Lý Nhân), chúng tôi được biết, một năm, HTX được cấp bù TLP gần 550 triệu đồng cho diện tích phục vụ, cùng khoản thu phí thủy nông mặt ruộng, tổng cộng được gần 790 triệu đồng. Qua báo cáo quyết toán hằng năm, chi phí cho quá trình vận hành hệ thống thủy lợi thường bị thiếu hụt. Như năm 2023 này, chỉ tính riêng vụ xuân HTX đã chi hết hơn 442 triệu đồng phục vụ tưới, tiêu, chiếm gần 56%. Nguồn kinh phí còn lại khoảng 44% khó đủ chi phí phục vụ cho vụ mùa và vụ đông, theo dự kiến tương đương với vụ xuân. Với HTXDVNN Lê Hồ (Kim Bảng) được cấp bù TLP 125 ha phục vụ cho những diện tích đất sản xuất nông nghiệp tạo nguồn và tạo nguồn một phần. Trong quản lý công trình thủy lợi, Hội đồng quản trị HTXDVNN Lê Hồ thực hiện phân cấp, việc tu sửa, nạo vét kênh mương thủy nông mặt ruộng giao cho các thôn, đội sản xuất thu kinh phí theo đầu sào. Nguồn cấp bù TLP của Nhà nước phục vụ vận hành tưới, tiêu và sửa chữa công trình kênh mương chính do HTXDVNN quản lý. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này không thể đủ so với nhu cầu, khi có những diện tích đất sản xuất cao phải sử dụng máy bơm dầu bơm 2 cầu để cung cấp nước. Hệ thống kênh mương của HTX hiện nay cũng tăng lên trong quá trình quy hoạch đồng ruộng, bố trí lại sản xuất để phù hợp với yêu cầu phát triển mới, dẫn đến nhu cầu sửa chữa, nạo vét tăng lên. Qua quyết toán, với mức TLP cấp bù không tăng, mỗi năm HTXDVNN Lê Hồ thiếu từ 14 – 15 triệu đồng (chủ yếu tiền bơm nước).
Ông Tạ Quốc Toản, Giám đốc HTXDVNN Lê Hồ cho biết: Mức cấp bù TLP không tăng đang là nút thắt, bài toán chưa có lời giải cho nguồn kinh phí phục vụ công tác tưới, tiêu, thủy lợi của HTX. Hiện nay, trong điều hành Hội đồng quản trị HTX đã phải thực hiện linh hoạt, bù đắp từ các nguồn dịch vụ khác cho dịch vụ thủy lợi mặc dù biết không đúng theo quy định.
Giá cấp bù TLP không tăng, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cấp bù ở một số HTX chưa hiệu quả cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn. Vậy làm thế nào để tháo gỡ những nút thắt trên, để nguồn TLP cấp bù thực sự hỗ trợ các đơn vị phục vụ phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng các công trình thủy lợi.
Nguồn kinh phí Nhà nước cấp hỗ trợ cho cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được thực hiện từ năm 2012 đến nay vẫn không thay đổi nên rất khó khăn trong cân đối tài chính hằng năm đối với các đơn vị phục vụ. Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến cho hoạt động của tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn và không chủ động thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh dẫn đến hiệu quả hoạt động còn bị hạn chế. Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn này, thời gian tới, cùng với những giải pháp về cơ chế chính sách, điều chỉnh mức hỗ trợ cấp bù TLP, thì công tác quản lý sử dụng nguồn kinh phí cấp bù TLP cũng phải được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị phục vụ.
Theo Nghị định 67/2012/NĐ – CP, hằng năm, Bộ Tài chính sẽ ra văn bản giá tối đa sản phẩm công ích thủy lợi, Sở NN&PTNT sẽ căn cứ vào đó, xây dựng giá báo cáo tỉnh và trình HĐND và chỉ khi có văn bản của Bộ Tài chính thì HĐND tỉnh mới ban hành nghị quyết. Nhưng từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính không ban hành văn bản nên căn cứ vào các điều kiện đặc thù, mỗi tỉnh sẽ có những giải pháp tình thế, nhằm tháo gỡ những khó khăn đối với nguồn kinh phí cấp bù TLP cho các đơn vị phục vụ.
Được biết, thời gian qua, để giải quyết các bất cập trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam xác định đối tượng và chỉ đạo lập bảng thống kê đối tượng, ký xác nhận diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được hỗ trợ nguồn cấp bù TLP theo quy định. UBND cấp xã lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp cho từng vụ, cả năm, xác định diện tích canh tác từng mùa vụ cho các xã, phường, thị trấn theo bản đồ địa chính (đối với các xã chưa có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ giải thửa). Các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát đối tượng, đối chiếu diện tích, biện pháp tưới tiêu trước khi ký xác nhận dự toán, quyết toán cho các công ty bảo đảm đúng quy trình, đúng thực tế; hỗ trợ các công ty trong việc thu tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đối với đối tượng và diện tích không được hỗ trợ. Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn lập dự toán, thẩm định, quyết toán mức hỗ trợ nguồn cấp bù TLP kịp thời theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn cấp bù TLP trong ký kết và thanh lý hợp đồng tưới tiêu với các HTXNN, tổ chức dùng nước bảo đảm đúng quy định pháp luật. Sở NN&PTNT thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc rà soát diện tích tưới tiêu theo biến động về diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi bảo đảm đúng thực tế để làm căn cứ thẩm định dự toán, quyết toán nguồn cấp bù TLP cho các công ty. Năm 2023, Sở NN&PTNT cũng đã xây dựng giá trình UBND và HĐND tỉnh và đang chờ văn bản của Bộ Tài chính.
TLP là vấn đề hết sức quan trọng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, có tác động mạnh mẽ đến đời sống của nông dân cùng nhiều đơn vị quản lý, sử dụng nước thuộc nhiều thành phần và ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, việc điều chỉnh giá cấp bù TLP cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay được xem là một giải pháp cấp thiết tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phục vụ.
Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho rằng: Những năm gần đây, để phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp của thị xã bị thu hẹp nhưng năng lực phục vụ tưới tiêu của các công trình thủy lợi trên địa bàn lại tăng lên gấp đôi trong khi nguồn kinh phí cấp bù hơn 10 năm qua chưa có điều chỉnh. Đây thực sự là một khó khăn không nhỏ đối với đơn vị phục vụ ở Duy Tiên. Vì vậy, căn cứ vào thực tế của các tỉnh, việc điều chỉnh nguồn kinh phí cấp bù TLP là cần thiết. Có như vậy, các đơn vị mới có điều kiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là phục vụ nhu cầu tiêu nước tại các KCN mỗi khi có mưa lớn xảy ra.
Còn theo ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Liêm, theo quy định, nguồn kinh phí Nhà nước cấp bù TLP hằng năm cho tỉnh dùng để chi cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình tối thiểu từ 18% trở lên, như phát dọn, nạo vét kênh mương, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ... Nguồn kinh phí này được tỉnh phân bổ về các huyện, thị xã và thành phố, từ đó phân bổ cho các tổ chức dùng nước ở các xã, phường. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp bù ở nhiều địa phương chưa được quan tâm nên khó tránh tình trạng sử dụng nguồn kinh phí này chưa đúng. Vì vậy, thiết nghĩ, trong khi chờ Chính phủ điều chỉnh giá cấp bù TLP thì các địa phương, các ngành cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí này.
Cụ thể, Sở Tài chính quản lý chặt dòng tiền, Sở NN&PTNT quản lý hệ thống và diện tích, với sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường. Hằng năm, cần tổ chức kiểm tra, giám sát liên ngành, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những đơn vị buông lỏng trong quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cấp bù TLP. Hiện, 20 HTX của Thanh Liêm đã thực hiện theo đúng Quy định số 41/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam nên đã khắc phục được tình trạng sử dụng không hiệu quả đối với nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn. Theo kế hoạch năm 2024, Thanh Liêm sẽ yêu cầu các xã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, thực trạng hệ thống công trình thủy lợi... trên cơ sở đó sẽ phân bổ dòng tiền hợp lý và hiệu quả...
Tuy nhiên, để gỡ khó cho các địa phương nói chung, cho các đơn vị phục vụ nói riêng, bên cạnh những giải pháp như: điều chỉnh kinh phí cấp bù, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng dòng tiền TLP cấp bù, hằng năm, các cấp có thẩm quyền và chính quyền địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền Luật Thủy lợi và chính sách liên quan để ngăn chặn các hành vi vi phạm các công trình thủy lợi, hạn chế những tác động tiêu cực đến năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ công ích, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nội dung: Minh Thu - Mạnh Hùng.
Thiết kế: Đức Anh.
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.