Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển về công nghiệp, trên địa bàn hiện có 4 khu, 2 cụm công nghiệp với hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh thu hút khoảng 6 vạn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc; trong đó có từ 800 - 900 người nước ngoài đến tạm trú, lưu trú làm việc trong các doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 620 hộ kinh doanh cho thuê nhà trọ, với gần 3.870 phòng trọ, 4.380 nhân khẩu đang tạm trú. Vì vậy, tháng 5/2023, thị xã Duy Tiên được chọn là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở khám, chữa bệnh.
Tại các khách sạn thường xuyên đón khách lưu trú dài hạn. Nếu như trước đây việc làm thủ tục lưu trú phải đến trực tiếp cơ quan Công an, thì từ ngày 20/5/2023, khi khách sạn sử dụng phần mềm ASM, việc đăng kí lưu trú đã trở nên đơn giản hơn. Chị Mai Thị Lan Hương - Chủ khách sạn Đồng Văn, Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết: “Với phần mềm ASM chúng tôi chỉ cần ngồi một chỗ, khai báo trên mạng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Và phần mềm này giống như một hệ thống quản lý khách sạn thu nhỏ, biết được bao nhiêu phòng có khách lưu trú, phòng nào chekin, chekout. Rất tiện lợi…”.
Cũng giống như khách sạn Đồng Văn, khách sạn Bình Minh là một trong 3 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn thị xã Duy Tiên được chọn triển khai thực hiện thí điểm sử dụng phần mềm ASM trước khi triển khai nhân rộng đến toàn bộ các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh.
“Trước đây khi khách đến, cơ sở lưu trú sẽ tạm giữ CCCD sau đó photo kèm theo các giấy tờ khai báo lưu trú nộp cho cơ quan quản lý… Giờ khách đến thuê phòng chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip, nhân viên lễ tân sẽ thực hiện quét mã QR trên thiết bị do Công an cung cấp, dữ liệu được điền tự động vào hệ thống. Việc check-in nhận phòng và thông báo lưu trú cho khách được rút ngắn thời gian cũng như giảm sai sót trong cập nhật thông tin khách lưu trú” – ông Nguyễn Văn Bình – Chủ khách sạn cho hay.
Không chỉ có cơ sở lưu trú, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Đồng Văn, từ ngày 15/5, việc sử dụng mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM trong công tác tiếp đón cũng như dùng cho các bệnh nhân nội trú đã nhận được sự đánh giá cao từ phía người bệnh. Hiện tại tất cả 4 khoa phòng của bệnh viện đã trang bị đầu đọc thẻ quét mã CCCD gắn chip, cũng như tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế sử dụng thành thạo phần mềm ASM. Với thao tác đơn giản, chỉ cần sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chip mà không phải làm bất kỳ một thủ tục kê khai nào. Trao đổi với ông Phạm Viết Đương, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Đồng Văn cho biết: “Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Đồng Văn là 1 trong những cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Nam triển khai mô hình này. Người bệnh được cắt giảm tối đa thủ tục. Công tác quản lý lưu trú của bệnh viện được nâng cao; tất cả thông tin khám, chữa bệnh của các khoa được cập nhật thường xuyên, tích hợp trên phần mềm; thông tin được đảm bảo, chính xác tuyệt đối…”.
Mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ ở kinh doanh lưu trú là mô hình thứ 9 trong số 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06). Với việc ứng dụng phần mềm lưu trú ASM được xây dựng, phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. Đây là phần mềm được kết nối trực tiếp đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, thông tin lưu trú của người dân được cập nhật một cách thường xuyên và đảm bảo tính bảo mật.
Với phương châm “Tiện lợi, an toàn, bảo mật”, hệ thống hỗ trợ thông báo lưu trú qua phần mềm ASM giúp các cơ sở lưu trú: Thuận tiện trong việc tạo tài khoản, đăng nhập, sử dụng. Thực hiện thông báo lưu trú trên môi trường điện tử nhanh chóng, kịp thời, an toàn, bảo mật và hoạt động 24/24h với nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian nhập liệu, cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi cơ quan Công an, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu… góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn nói chung và tại các cơ sở lưu trú, y tế nói riêng. Bên cạnh đó, thông qua phần mềm ASM, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cắt giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Nam đã tổ chức triển khai quản lý lưu trú qua phần mềm ASM cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh từ tháng 5/2023; đến nay có 100% cơ sở kinh doanh lưu trú triển khai, thực hiện với hơn 5.000 lượt khách lưu trú sử dụng quét mã QR trên ứng dụng VNeID, thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD và đang nhân rộng tại các cơ sở khám chữa bệnh...
Để mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, thời gian tới, Công an tỉnh Hà Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai phần mềm ASM trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT; đồng thời phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tổ chức tập huấn, bố trí hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện tại cơ sở, thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện thông báo lưu trú trên môi trường điện tử, qua đó góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ./.
Văn hóa tinh thần có vai trò vô cùng quan trọng với mỗi quốc gia, dân tộc và được ví như “sức mạnh mềm” trong thời kỳ phát triển cạnh tranh gay gắt. Nó giúp xác định, duy trì các giá trị, niềm tin, quy tắc đạo đức, pháp luật. Nó giúp thúc đẩy con người thay đổi ý thức, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy các giá trị tích cực, hình thành tư duy, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, xây dựng nhân cách, biết tôn trọng người khác, phát triển kỹ năng giao tiếp và nhân cách toàn diện. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu thì nếu xây dựng được nền tảng văn hóa tinh thần vững chắc và phong phú, giàu nhân văn, nhân ái sẽ tạo ra môi trường để con người, xã hội thể hiện bản thân, khám phá ý tưởng mới và phát triển các hình thức nghệ thuật, văn hóa mới.
Với mong muốn tìm kiếm ánh sáng cho những người khiếm thị, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, sáng kiến này đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người khiếm thị thuận lợi hơn trong di chuyển, sinh hoạt, từng bước tự tin hoà nhập cộng đồng.
Ăn một quả lựu mỗi ngày mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe bởi hàm lượng chất chống oxy hóa, vitamin và chất xơ có trong đó. Sau đây là những thay đổi về sức khỏe tổng thể khi bạn ăn một quả lựu mỗi ngày.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.