Dự, chủ trì hội thảo có Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và CCHC, tư pháp (Bộ Công an). Đồng chủ trì có Đại tá Kiều Hữu Tuyển, Phó Giám đốc Công an tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo,Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và CCHC, tư pháp (Bộ Công an) nhấn mạnh: Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thi hành luật nghiêm túc, đạt nhiều kết quả.
Đặc biệt, Bộ Công an đã chỉ đạo cấp gần 80 triệu thẻ CCCD gắn chíp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, đảm bảo được yêu cầu quản lý nhà nước về CCCD, góp phần thúc đẩy CCHC, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ, vừa hỗ trợ đắc lực trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn ANTT.
Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai thực hiện, Luật CCCD năm 2014 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, không phù hợp với quá trình chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mặt khác, thực tế hiện nay, ngoài thẻ CCCD có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp, gây ra những khó khăn cho người dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công. Việc tích hợp, khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước để thay thế cho các giấy tờ khác trong giao dịch dân sự còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều cơ quan, tổ chức chưa tích cực kết nối và chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước, chưa tham gia triển khai ứng dụng các tiện ích của CCCD gắn chíp được quy định trong Luật CCCD năm 2014.
Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử đáp ứng yêu cầu trong quản lý nhà nước về căn cước trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Do đó, Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, Công an các đơn vị, địa phương đóng góp ý kiến giúp hoàn thiện pháp luật về căn cước định danh và xác thực điện tử. Kết quả của Hội thảo là cơ sở khoa học quan trọng để lãnh đạo Cục tham mưu Bộ Công an báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước cho phù hợp, bảo đảm hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023).
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trên 10 lượt tham luận, ý kiến đến từ các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an), Công an một số tỉnh, thành phố. Các ý kiến được chuẩn bị chu đáo, tâm huyết, tập trung đi sâu làm rõ sự cần thiết về xây dựng Luật CCCD; tình hình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực tế việc thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ (chia sẻ thông tin, dữ liệu cho Chính phủ và bộ, ngành, địa phương) và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; kết quả công tác cấp, quản lý CCCD, định danh và xác thực điện tử, những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị, đề xuất; các chính sách mới của dự án Luật CCCD…
Hội thảo đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm và tâm huyết trong công tác nghiên cứu khoa học và có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện lý luận pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ góc độ pháp lý trong công tác cấp, quản lý căn cước, thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, ứng dụng căn cước điện tử để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.
Đồng thời, ý kiến của các đại biểu cũng là cơ sở quan trọng để Cục Pháp chế và CCHC, tư pháp (Bộ Công an) nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Căn cước bảo đảm đúng tiến độ và đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06./.
Việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, hiệu lực quản lý, tạo ra một hệ thống quản trị linh hoạt để tăng trưởng toàn diện và bền vững. Quyết tâm chính trị đó của Đảng cùng sự đồng thuận cao của nhân dân sẽ bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tối 30/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa đã điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm để chúc mừng Việt Nam nhân dịp 50 năm ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Trên cương vị trưởng thôn, ông Đỗ Thế Vinh, Trưởng thôn 3 – An Nội, xã Bình An (Bình Lục) luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Hơn 18 năm làm trưởng thôn, ông Vinh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân trong thôn yêu quý.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.