Thúc đẩy xúc tiến thương mại

E-MAGAZINE 08:50 14/06/2023 www.baohanam.com.vn

Xúc tiến thương mại (XTTM) có vai trò quan trọng, tạo “đòn bẩy” để mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các chương trình XTTM trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả, nâng cao về chất lượng, quy mô, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

TÍCH CỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong một khoảng thời gian dài, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung - cầu hàng hóa, tác động tiêu cực đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau khi các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch khởi động trở lại và dần hồi phục, việc đưa các sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm có thế mạnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chiếm lĩnh thị trường nội địa được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.

Xác định, hội chợ, triển lãm thương mại luôn là kênh XTTM truyền thống quan trọng, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ cho khoảng 50 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, như: Chợ Tết Công đoàn năm 2023 (tại thị xã Duy Tiên); hội chợ xuân Quý Mão - Hưng Yên năm 2023 (Hưng Yên); hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2023 (Quảng Ninh); hội chợ Công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ 2023 (Phú Thọ); hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội năm 2023 (Hà Nội)...

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam năm 2023.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nam còn hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia gian hàng xúc tiến đầu tư kết hợp trưng bày các sản vật đặc trưng của tỉnh tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Quảng Ninh; tham gia hội nghị kết nối giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An. Cùng với đó, tổ chức thành công hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hà Nam năm 2023 tại thành phố Phủ Lý, thu hút gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

Trong thời gian qua, Sở Công thương cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website doanh nghiệp; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề XTTM, kỹ năng quản lý doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu, tiếp cận thị trường trọng điểm, công tác quản lý tổ chức mạng lưới bán lẻ; tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; xây dựng ấn phẩm giới thiệu về những sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam tham quan gian trưng bày tại Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Hà Nam năm 2023.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) khẳng định: Để đưa hàng hóa của tỉnh “phủ sóng” rộng rãi trên thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành công thương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM. Trong đó, chú trọng triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng; theo dõi, tham mưu kịp thời các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã để khơi thông sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sở chú trọng  hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm thương mại để có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng cường liên doanh, liên kết, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Trong tháng 6/2023, Sở Công thương Hà Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại”, hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội năm 2023 diễn ra tại Hà Nội.

Trao quyết định thành lập Hội sản xuất và kinh doanh nón lá An Khoái - Văn Quán, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm.

Trước những biến động của thị trường trong nước và thế giới, hoạt động XTTM đã được điều chỉnh kịp thời, triển khai linh hoạt, trở thành cầu nối đưa hàng hóa của tỉnh vươn xa ra các tỉnh, thành phố trên cả nước và tham gia xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại của tỉnh được phê duyệt từ sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Được biết, để đẩy mạnh hoạt động XTTM năm 2023, thời điểm này Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã có công văn gửi các địa phương, hội, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh về các hoạt động, sự kiện XTTM thị trường trong nước và quốc tế diễn ra từ nay đến hết năm 2023, điển hình là: Hội chợ Hàng Việt Đà Nẵng 2023 - Tôn vinh sản phẩm OCOP; Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 - Agroviet 2023; Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Campuchia 2023; Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2023; tham gia đoàn giao dịch XTTM và Diễn đàn giao thương tại Nhật Bản…

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Tham gia các hoạt động XTTM không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, mà đó còn là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm được các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố và các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự nhìn nhận lại sản phẩm của mình, nhận ra các mặt còn hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiểu rõ được điều đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã tích cực hơn trong việc đăng ký tham gia các chương trình XTTM do các sở, ngành, địa phương tổ chức.

Đơn cử như Hợp tác xã Du lịch sinh thái, dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, Duy Tiên), sau gần 2 năm đi vào hoạt động, hợp tác xã đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường với việc phát triển đa dạng các sản phẩm lụa, như: lụa trơn, lụa hoa, khăn lụa, chăn, ga, gối, khẩu trang, quần áo thời trang tơ tằm… Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và tham gia xuất khẩu sang một số thị trường “khó tính”, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp. Tại nhiều thời điểm, lụa Nha Xá “cháy hàng”, sảm phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã luôn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Quảng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái, dệt lụa Nha Xá, để có được những kết quả đó, ngoài nỗ lực của các thành viên hợp tác xã, hộ làm nghề, hợp tác xã còn luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, của thị xã, sự hỗ trợ tích cực từ phía các sở, ngành chức năng, nhất là Sở Công thương để được tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu có quy mô lớn trong và ngoài tỉnh, từ đó tiếp cận được nhiều đối tác, bạn hàng mới. Thông qua các hội chợ, triển lãm, hợp tác xã cũng nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm lụa để đầu tư, nghiên cứu sản xuất ra các mẫu mã, chủng loại mới, từng bước mở rộng đối tượng khách hàng.

Bánh đa nem làng Chều, bánh đa Kiện Khê, mây giang đan Ngọc Động...là sản phẩm của các làng nghề truyền thống đã và đang khẳng định được thương hiệu của Hà Nam.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển trên các lĩnh vực, ngành nghề: Chế biến thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, sản xuất gỗ. Các làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển với những sản phẩm nổi tiếng, như: Bánh đa nem làng Chều, cá kho Nhân Hậu, gốm Quyết Thành, rượu làng Vọc, bánh đa Kiện Khê, sừng mỹ nghệ Đô Hai, mây giang đan Ngọc Động, chuối ngự Đại Hoàng… Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trên 70 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Các sản phẩm này đã và đang phát triển, rất cần được quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu để thúc đẩy phát triển. Chính vì vậy, tại nhiều hội chợ, triển lãm trên cả nước, ngoài việc trực tiếp mua sắm các sản phẩm đặc sản của Hà Nam được trưng bày tại hội chợ, khách tham quan còn được tiếp cận với các tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam bằng 4 thứ tiếng, gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc; biết đến các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Nam thông qua các ấn phẩm XTTM và các ấn phẩm liên quan đến hoạt động xúc tiến du lịch, bản đồ du lịch, ấn phẩm du lịch.

Từ các chương trình hỗ trợ XTTM, không ít sản phẩm của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, ngày càng có sức cạnh tranh cao trên thị trường và được bày bán phổ biến tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Điển hình là sản phẩm mật ong miền Bắc, rượu Vọc, bồn tắm gỗ, bún phở khô Khánh Linh, sữa chua Mộc Bắc, phở chùm ngây Morice, đông trùng hạ thảo, kẹo lạc Cham Cham…

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhận thấy rõ được vai trò, cơ hội khi sản phẩm của doanh nghiệp mình được bày bán, giới thiệu tại các gian hàng, những năm qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tích cực hơn trong việc đăng ký tham gia các hội chợ, triển lãm do Sở Công thương tổ chức, giới thiệu. Thông qua các chương trình hỗ trợ đó, doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối tại các địa phương trên cả nước. Tham gia hội chợ, triển lãm, phần lớn các doanh nghiệp đã hiểu được mục đích lớn nhất không phải ở doanh số bán hàng, mà là dịp để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, từ đó ngày càng có nhiều bạn hàng, khách hàng biết đến sản phẩm, có đánh giá chân thực nhất về sản phẩm của mình. Điều này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp phải tự đổi mới, đưa máy móc, kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tăng khả năng xuất khẩu và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp cũng chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định về thủ tục xuất khẩu; đổi mới phương thức tiếp cận và khai thác thị trường xuất khẩu mới.

ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Khách hàng trẻ đang là đối tượng tiêu dùng số mạnh mẽ nhất, bởi họ đang có xu hướng mua bán trên nền tảng số, thương mại điện tử. Vì vậy, ứng dụng chuyển đổi số trong XTTM không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với doanh nghiệp. Điều này thể hiện một cách rõ nét khi doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm với việc áp dụng phổ biến hình thức thanh toán thông qua quét mã QR hay cài đặt ứng dụng quét mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn, định hướng người dân phương thức đặt hàng, thanh toán thông qua internet khi mua sản phẩm... Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh XTTM qua các hình thức truyền thống, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu, tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng.

Chẳng hạn như Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (thành phố Phủ Lý), với việc đưa bộ sản phẩm làm từ chùm ngây (bún chùm ngây, phở chùm ngây) lên Sàn Thương mại điện tử tỉnh Hà Nam và các sàn thương mại điện tử lớn như voso.vn, postmart.vn…, Morice Noodles Việt Nam đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn là một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty, so với trước đây, sản phẩm của công ty giờ đây đã đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn. Các thông tin đặt hàng, vận chuyển và quảng bá thương hiệu được thực hiện nhanh chóng, không tốn thời gian, công sức. Doanh thu từ thương mại điện tử trong bán hàng cũng tăng từ 20% - 30% so với 2-3 năm về trước.

Sản phẩm ruốc cá trắm của HTX Sông trong ao Hải Đăng (Thanh Sơn, Kim Bảng) được đưa vào hệ thống siêu thị Vinmart.

Cũng như Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam, hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã gắn hoạt động XTTM với thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá sản phẩm, bán hàng, thanh toán. Cùng với đó, tích cực tham gia các hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) do ngành công thương tổ chức...

Thống kê của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cũng cho thấy, toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm trên Sàn Thương mại điện tử tỉnh Hà Nam với trên 1.000 mặt hàng ở các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Sàn Thương mại điện tử tỉnh cũng đã cung cấp hàng trăm bài viết thông tin kịp thời về tình hình kinh tế trong nước và thế giới; thông tin về các sự kiện XTTM để các doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt, thúc đẩy hoạt động giao thương.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh còn thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin về hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam để giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: Hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa với trình độ công nghệ đang ngày một phát triển. Hiện nay, việc quản lý hàng hóa bằng máy móc điện tử đã không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là mã QR code có chức năng truy xuất được nguồn gốc thông tin sản phẩm. Đây là việc làm cần thiết, không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhân lực, mà còn giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí cho khách hàng, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong triển khai các hoạt động XTTM, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực XTTM trên nền tảng số, cũng như phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản.

Các đại biểu tham dự chương trình Tọa đàm tuyên truyền, giới thiệu trưng bày sản phẩm OCOP năm 2023 hưởng ứng Ngày thương hiệu Việt Nam.

Được biết, theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM, các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào hệ sinh thái XTTM số. Đến năm 2030, trên 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; trên 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 60% các hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; trên 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động…

Có thể khẳng định, công tác XTTM là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, để đẩy mạnh hoạt động XTTM, trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung – cầu, Sở Công thương sẽ tăng cường thúc đẩy việc tìm kiếm, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả, nhu cầu mua bán sản phẩm, hàng hóa để cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, XTTM theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường. Cùng với đó, sở tăng cường nghiên cứu để vận dung tối đa các lợi thế đối với doanh nghiệp của tỉnh trong việc thực thi các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, từ đó tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Nội dung: Nguyễn Oanh.

Ảnh: Nguyễn Oanh, Thế Trang, Mạnh Hùng.

Thiết kế: Đức Anh.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC